Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế 27/7: Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu thiết bị y tế
D.Ngân - 27/07/2023 10:35
UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Đảm bảo thiết bị y tế

UBND TP.Hà Nội đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về công tác bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và các văn bản pháp luật hiện hành; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra.

Ảnh minh hoạ.

Giám đốc, thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch;

Tiếp tục chủ động thực hiện việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Để làm tốt các nội dung trên, UBND thành phố phân công Sở Y tế là cơ quan thường trực, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất UBND thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác đấu thầu thuốc, triển khai, hướng dẫn đơn vị thực hiện công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Nguy hiểm khi ăn đồ sống

Hiện đang điều trị sán não tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), anh P.V.Đ (sinh năm 1979, trú Hà Nam) chia sẻ, do liên tục đau đầu, suốt gần 2 năm qua, anh đi khám tới 20 bệnh viện, tốn không biết bao nhiều tiền bạc và thời gian nhưng không tìm được nguyên nhân.

Đi khám nhiều nơi, bác sĩ cũng không tìm ra bệnh và chỉ kê cho anh Đ. thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cứ dùng hết thuốc, đầu anh Đ. lại đau như búa bổ, xuất hiện cả cảm giác hoa mắt, mờ mắt.

Chỉ đến khi tìm đến Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương làm các xét nghiệm, chụp MRI anh Đ. mới được bác sĩ chẩn đoán nhiễm sán não, chỉ định điều trị nội trú. “Qua phân tích của các bác sĩ, có lẽ chính sở thích ăn các món tái, gỏi, tiết canh khiến tôi mắc sán não”, anh Đ nói.

Cũng tại đây, nam thanh niên tên B.V.Đ (SN 1992, quê Bắc Giang) trong cảnh ngộ tương tự. Anh V.Đ cho biết, cách đây 4 tháng anh thường xuyên thấy đau đầu, nhìn mờ. 

Tìm đến nhiều bệnh viện chiếu chụp, xét nghiệm đủ cả cũng không ra bệnh. 

“Vô tình một lần đến một phòng khám tư gần nhà mua thuốc đau đầu, sau khi nghe tôi mô tả dấu hiệu bệnh, bác sĩ ở đó khuyên tôi đi kiểm tra ký sinh trùng” anh V.Đ cho hay.

Tại viện, bác sĩ đã phát hiện có nhiều ổ sán đóng kén trong não anh Đ. Nhập viện điều trị, sau khi uống thuốc hết đợt 1, anh đã không còn triệu chứng đau đầu.

Không có thói quen ăn tiết canh hay thịt sống như nhiều bệnh nhân mắc sán não cùng điều trị tại đây, nhưng anh V.Đ cho hay, anh thường xuyên ăn rau sống, có thể qua đó vô tình đưa sán vào cơ thể và theo đường máu lên não.

Nặng nề hơn là trường hợp ông L.V.B (SN 1955, ở Thanh Hóa) bị tái sán não, nhập viện trong tình trạng không thể tự đi. Sau đợt điều trị, sức khỏe ông B. cũng ổn định hơn. 

Tuy nhiên, hệ lụy của sán não khiến ông nói khó, nói chậm và không thể nói chuyện lâu. Người nhà ông B. thông tin, năm 2013 ông B thường xuyên có triệu chứng đau đầu, kèm theo các nốt cục nổi trên da. 

Cơn đau đầu rầm rộ, nhiều lần khiến ông ngã vật ra nhà, sùi bọt mép, co giật. Khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, kết quả phim chụp hiển thị hàng chục điểm sán rải rác quanh não, ông B. được chuyển lên. Người nhà ông B chia sẻ thêm, trước đây ông B rất khoái khẩu món lòng lợn, tiết canh.

Đáng tiếc, sau đợt điều trị năm 2013, tưởng đã “chia tay” với sán não, không ngờ mới đây ông bị tái phát, buộc phải quay lại điều trị tại đây.

Quảng Nam: Lại thêm 2 vụ ngộ độc do ăn cá ủ chua

Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đã có báo cáo ban đầu về về 2 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến cá ủ chua tại xã Phước Chánh.

Sụ ngộ độc thứ nhất xảy ra tại thôn 2 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn). 

Theo đó, vào ngày 21/7, anh Hồ Văn Nguyên (36 tuổi, trú thôn 2) ăn cơm trưa cùng với vợ là chị Hồ Thị Hia (24 tuổi) và hai người bạn tại phòng trọ của mình ở quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). 

Món ăn gồm cá ủ chua, cơm, cá nục tươi chiên, canh rau nấu với cá nục. Theo anh Nguyên, cá do anh tự đánh bắt tại suối và mang về Đà Nẵng làm cá ủ chua.

Sau khi dùng bữa trưa, đến 19h cùng ngày, chị Hia bắt đầu nôn, khó thở… và được đưa đến trung tâm y tế quận Sơn Trà. 

Đến ngày 24/7 sau khi bệnh không thuyên giảm và có tiến triển nặng hơn, bệnh nhân bị khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.

Một người khác cũng bị ngộ độc là anh Hồ Văn Đèo. Sau khi ăn cơm cùng vợ chồng anh Nguyên ở Đà Nẵng, ngày 22/7, anh Đèo có biểu hiện buồn nôn, người mệt, đau đầu, đau họng, choáng, không ăn uống được. 

Sau đó, anh được bạn chở từ Đà Nẵng về trung tâm y tế huyện Phước Sơn điều trị.

Tại đây anh được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Đến ngày 24/7, bệnh nhân mệt, ăn uống kém, nhìn mờ, bụng trướng, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam điều trị.

Vụ ngộ độc thứ 2, vào ngày 23/7, tại khu vực xã Phước Chánh, nhóm 7 người ăn trưa với cá các loại muối ủ chua, cơm.

Đến 20h cùng ngày, em Hồ Văn Q. có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng, người mệt mỏi. 

Đến ngày 24/7, em Q. không ăn uống được, nên được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu trung tâm y tế huyện Phước Sơn và được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. 

Em Q. có biểu hiện người mệt, buồn nôn, choáng, mắt nhìn mờ nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam trong đêm 24/7 để tiếp tục theo dõi, điều trị...

Tin liên quan
Tin khác