Y tế - Sức khỏe
Trẻ mới 11 tuổi cũng bị huyết áp cao
D.Ngân - 15/10/2024 08:57
Các bác sỹ khuyến cáo, tăng huyết áp ở trẻ thường không có biểu hiện cụ thể, bên cạnh đó nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ xảy ra ở tuổi trưởng thành nên dễ dẫn đến tâm lý chủ quan.

Bảo Trâm liên tục tiểu dầm, hồi hộp và ho, được gia đình đưa đi khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, phát hiện bị tăng huyết áp.

Bảo Trâm đang được thăm khám tại cơ sở y tế.

Tại phòng khám, em được chỉ định xét nghiệm nước tiểu, làm công thức máu, siêu âm và đo huyết áp. Kết quả cho thấy trong nước tiểu có lẫn hồng cầu, huyết áp 137/89 mmHg (người bình thường là < 120/< 80 mmHg), nhịp tim nhanh 110/phút (bình thường khoảng 90).

Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để điều trị nội trú, tại đây các bác sỹ Khoa Nhi đã hội chẩn cùng các bác sỹ tim mạch, đo holter 24h nhằm theo dõi nhịp tim.

Kết quả cho thấy em bị tăng huyết áp thứ phát kèm tiểu máu vi thể và viêm phế quản, được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc Amlodipin 5mg giúp hạ huyết áp, đồng thời sử dụng thêm các loại thuốc lợi tiểu và điều trị ho kéo dài.

Ngày 14/10, BS.CKII Dương Anh Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, sau 4 ngày điều trị nội trú, huyết áp bệnh nhân giảm còn 120/80 mmHg, hết tiểu dầm và ho nên được cho xuất viện. Bác sỹ kê đơn thuốc, hướng dẫn gia đình theo dõi tại nhà và tầm soát thêm tìm nguyên nhân tăng huyết áp, tái khám theo lịch hẹn.

Anh Nam, bố bệnh nhân cho biết không nghĩ con gái bị tăng huyết áp bởi gia đình vẫn cho bé khám sức khỏe định kỳ mỗi năm nhưng không phát hiện ra bệnh.

Bảo Trâm hơi thừa cân nhưng chỉ số BMI vẫn ở mức ổn. “Trước đó cháu không có triệu chứng của bệnh, khoảng 10 ngày gần đây cháu bị ho, 4 ngày trước xuất hiện tiểu dầm, thường xuyên kêu áp lực vì mới vào cấp 2, nhiều bài vở, lại thêm cách dạy và học khác nên tôi nghĩ cháu bị vấn đề tâm lý”, anh Nam chia sẻ.

Lý giải vấn đề này, bác sỹ Dũng khuyến cáo tăng huyết áp ở trẻ thường không có biểu hiện cụ thể, bên cạnh đó nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ xảy ra ở tuổi trưởng thành nên dễ dẫn đến tâm lý chủ quan.

Tăng huyết áp được xem là “sát thủ thầm lặng”, do diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tai biến, đột quỵ, gây tổn thương các cơ quan đích như tim, thận, não… và tử vong.

Tăng huyết áp là bệnh lý tương đối ít gặp ở trẻ, theo thống kê trên toàn thế giới có khoảng 4% trẻ em bị huyết áp cao. Tại Mỹ, con số này là khoảng 2 - 4% và có 3 - 4% trẻ có huyết áp cao hơn mức bình thường.

Bệnh xảy ra khi huyết áp bằng hoặc cao hơn phân vị thứ 95 so với trẻ cùng giới tính, độ tuổi và chiều cao. Bệnh có hai dạng, gồm nguyên phát (không rõ nguyên nhân, bác sỹ sẽ chẩn đoán loại trừ để phát hiện bệnh) và thứ phát do các rối loạn khác, trong đó thường gặp nhất là bệnh thận hay dị dạng mạch máu, hẹp eo động mạch…

Để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ ở những cơ sở y tế chuyên sâu, có đầy đủ trang thiết bị để được tầm soát chính xác. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, trẻ khỏe mạnh trên 3 tuổi nên được kiểm tra huyết áp mỗi năm.

Đối với trẻ sinh non có cân nặng dưới 2.500g, có bệnh thận, bệnh tim bẩm sinh cần phải được kiểm tra huyết áp ngay sau sinh. Trẻ dưới 3 tuổi có tiền căn sinh non dưới 32 tuần tuổi, cân nặng lúc sinh dưới 2.500g, có bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý ở thận… cũng cần được kiểm tra huyết áp ở mỗi lần thăm khám.

Bệnh sẽ được phát hiện bằng cách đo huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ, dao động kế hoặc máy đo huyết áp điện tử. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sỹ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ sọ não, chụp động mạch thận, định lượng hormone.

Bên cạnh đó, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giúp trẻ duy trì lối sống lành mạnh như giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý; ăn uống khoa học, hạn chế những đồ ăn nhiều đường, mỡ, thức ăn quá mặn, ăn nhiều chất xơ, rau xanh và trái cây.

Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục, vui chơi lành mạnh. Hạn chế xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính, điện thoại. Đồng thời tránh để trẻ căng thẳng, áp lực, cân bằng giữa học tập và giải trí.

Với trẻ đã bị bệnh, cần thực hiện chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axit béo bão hoà như mỡ động vật, da, nội tạng, lòng đỏ trứng; theo dõi cân nặng; không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc; uống thuốc đúng giờ và tái khám theo đúng chỉ định.

Đặc biệt, nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà. Trước khi đo huyết áp cần để trẻ nghỉ ngơi thoải mái 10-15 phút, để trẻ nằm yên và tiến hành đo ở cả hai tay theo hướng dẫn.

Khi trẻ có các dấu hiệu như chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác