Số ca Covid-19 mới trong nước tăng lên 961
Tính từ 16h ngày 9/6 đến 16h ngày 10/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 961 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước tại 42 tỉnh, thành phố, có 812 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-10), Hà Giang (-8), Hà Nam (-8). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+77), Phú Thọ (+24), Nghệ An (+20).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 857 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.729.681 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.351 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.721.916 ca, trong đó có 9.537.781 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.571), TP. Hồ Chí Minh (609.637), Nghệ An (484.980), Bắc Giang (387.629), Bình Dương (383.788).
4.600 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.540.598 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 62 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 55 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 0 ca
Từ 17h30 ngày 9/6 đến 17h30 ngày 10/6 ghi nhận 1 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.082 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.510.341 mẫu tương đương 85.819.211 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 223.070.073 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 200.450.082 liều: Mũi 1 là 71.484.861 liều; Mũi 2 là 68.811.639 liều; Mũi 3 là 1.507.293 liều; Mũi bổ sung là 15.022.222 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.861.548 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 762.519 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.500.529 liều: Mũi 1 là 8.948.211 liều; Mũi 2 là 8.552.318 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.119.462 liều: Mũi 1 là 4.489.178 liều; Mũi 2 là 630.284 liều.
68% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài từ 2-5 tháng
Báo cáo tóm tắt nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu Covid-19 đối với độ tuổi lao động trẻ tại Việt Nam của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nghiên cứu trên 17.000 người dân tham gia chương trình khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cho thấy có 68% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài từ 2-5 tháng.
Theo một báo cáo của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, có 68% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài từ 2-5 tháng. |
Nghiên cứu tập trung vào khối đối tượng lao động trẻ, độ tuổi từ 16-35 trong tháng 5/2022. Nghiên cứu nhận được 13.313 phản hồi, chiếm 77,89%.
Nhóm nghiên cứu cũng chia số liệu trong nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền (ung thư, tiểu đường, tim mạch, viêm phổi mạn tính) để đánh giá riêng, tiến hành phân tích hồi quy logistic mối liên quan giữa các đặc điểm với tình trạng bệnh nhân còn triệu chứng hậu Covid-19 sau 6 tháng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu Covid-19 từ 2-5 tháng (khoảng 68%), tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhiều hơn 5 tháng.
Khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu Covid-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ,…) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).
Nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ và thời gian bị triệu chứng Covid-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm Covid-19 (chỉ 2% dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn 14 ngày) hay mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm Covid-19 (có triệu chứng nặng và nhập viện khi bị nhiễm Covid-19 dưới 10%).
Một số nghiên cứu trước đó cho rằng có mối liên quan giữa thời gian bị nhiễm kéo dài và mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm Covid-19 với các triệu chứng hậu Covid-19.
Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị Covid-19 kéo dài (nữ là 64,63% và nam là 35,37%). Điều này cũng được nêu tại nhiều nghiên cứu trước đó.
Thông qua số đo chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số BMI để phân loại và ghi nhân 28,74% bệnh nhân thiếu cân và 8,71% bệnh nhân bị béo phì cho thấy dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng Covid-19.
70,80% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm Covid-19.
Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, những triệu chứng hậu Covid-19 hay Covid-19 kéo dài, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ là thách thức mới của ngành y tế, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu Covid-19.
Từ nghiên cứu này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho rằng, để có thể can thiệp một cách toàn diện vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, cần có sự tham gia liên ngành của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và chuyên môn y tế.
Đặc biệt, những vấn đề cấp thiết như tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trường học, nhà máy, xí nhiệp, còn mỏng, cần có các giải pháp hỗ trợ và mở rộng bao phủ can thiệp.
Hội đề xuất cần nghiên cứu mở rộng các mô hình dựa vào cộng đồng trong can thiệp hậu Covid-19, tạo phong trào nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và củng cố các mô hình y tế cơ sở đã có, hướng đến giảm thiểu tác động hậu Covid-19.
Đồng thời, cần hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp;
Với người dân đã nhiễm Covid-19, Hội khuyến nghị cần tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý.
Người dân cần tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19.
Đồng thời, người dân sau nhiễm Covid-19 cần tự theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài,…) nhưng cũng tránh hoang mang, tìm đến cơ sở y tế khi không cần thiết.
Dịch sốt xuất huyết đáng lo tại TP.HCM
Theo thống kê của HCDC, trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tuần 22 (từ ngày 27/5 đến 2/6), TP.HCM ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21.
Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 223 ổ dịch và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.
Toàn TP.HCM có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP.Thủ Đức, trừ Quận 10. Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 5 (Quận 8); phường Tân Thới Nhất (Quận 12); xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi).
HCDC khuyến cáo, TP.HCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của sốt xuất huyết nên người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại tất cả những nơi có sinh hoạt của con người.
Thu hồi 5 loại thuốc do giả mạo hồ sơ
Căn cứ kết quả hậu kiểm xác thực giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược đã quyết định thu hồi Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với 5 thuốc do có giả mạo về hồ sơ.
Các thuốc bị thu hồi bao gồm:
Thuốc Pompezo 40mg; hoạt chất, hàm lượng: Esomeprazol (dưới dạng vi hạt Esomeprazol magnesi dihydrat) 40mg; dạng bào chế: viên nang cứng; số đăng ký: VN-22822-21.
Thuốc Pompezo 20mg; hoạt chất, hàm lượng: Esomeprazol (dưới dạng vi hạt Esomeprazol magnesi dihydrat) 20mg; dạng bào chế: viên nang cứng; số đăng ký: VN-22821-21.
Thuốc Choludexan 300mg: Choludexan 300mg; hoạt chất, hàm lượng: Acid ursodeoxycholic 300mg; dạng bào chế: viên nang cứng; số đăng ký: VN-22820-21.
Thuốc Etacid 0,05%; hoạt chất, hàm lượng: mỗi liều xịt chứa: Mometason furoat 50mcg; dạng bào chế: hỗn dịch xịt mũi; số đăng ký: VN-22821-21.
Thuốc Ulsepan 40mg; hoạt chất, hàm lượng: Pantoprazole (dạng Pantoprazole natri sesquihydrate) 40mg; dạng bào chế: viên nén bao tan trong ruột; số đăng ký: VN-22123-19.
Theo Cục Quản lý Dược, các loại thuốc nêu trên bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam do vi phạm Điểm d, Khoản 1 Điều 58 Luật Dược: Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp dựa trên hồ sơ giả mạo.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có kết luận bằng văn bản của cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc hồ sơ của thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành là hồ sơ giả mạo hoặc thuốc, nguyên liệu làm thuốc được sản xuất không đúng địa chỉ theo hồ sơ đăng ký, Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở đăng ký thuốc, nhập khẩu thuốc phối hợp với cơ sở sản xuất gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc, tiến hành thu hồi toàn bộ các mặt hàng thuốc nêu trên, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/6/2022.