Bộ Y tế nhận định TP.HCM đã thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Tuy nhiên, sau Tết tình hình dịch bệnh vẫn dự báo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Đặc biệt, hiện là giai đoạn mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số nhiễm, số ca nặng, nhất là với người cao tuổi có bệnh lý nền, trẻ em.
Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại diện Đoàn công tác nhận xét, việc thực hiện 2K+ ở sân bay mới chỉ đáp ứng được 1K là khẩu trang, khâu khử khuẩn vẫn còn thiếu.
Ảnh minh hoạ. |
Cụ thể, các quầy khách đến làm việc như: quầy nối chuyến, quầy bán sim, thị thực tại chỗ… đều không có nước khử khuẩn. Do đó, Sở Y tế TP.HCM cần làm việc với Bộ phận kiểm dịch ở sân bay để bổ sung.
Kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Trung tâm Y tế quận 3, Đoàn ghi nhận nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế tại đây đã trực xuyên Tết để thực hiện tiêm chủng cho người dân theo quy định.
Trung tâm Y tế quận 3 đã cử 8 nhân viên y tế trực tại điểm tiêm chủng trong những ngày Tết. Tuy nhiên, số lượng người dân đến tiêm chủng trong những ngày qua chưa đông. Trung bình mỗi ngày chỉ tiêm được khoảng 5-7 mũi vắc-xin.
Đoàn công tác cũng đã kiểm tra, giám sát hoạt động thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết số lượng người mắc Covid-19 nặng chuyển về viện đã giảm mạnh trong những ngày nghỉ Tết. Trung bình những ngày nghỉ, đơn vị này chỉ điều trị cho khoảng 15-17 ca bệnh. Con số này ngày càng giảm, hiện chỉ còn 3 ca nặng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã diễn tập tình huống kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 13 đề phòng tình huống dịch bệnh tăng trước khi nghỉ Tết.
Các loại thuốc đặc trị Covid-19, thuốc dùng cho bệnh nhân có biến chứng nặng như kháng sinh, kháng nấm, dịch truyền, chống đông hiện được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, dịch truyền Albumin có khả năng thiếu do công ty cung ứng không thể nhập hàng, số đăng ký cũng không được gia hạn lại. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đề nghị Bộ Y tế có phương án cung ứng dịch truyền Albumin cho bệnh viện.
Đoàn công tác của Bộ Y tế nhìn nhận, TP.HCM đã chuẩn bị đầy đủ, ứng phó với bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm, tai nạn thương tích… trong những ngày nghỉ Tết và mang lại mùa Tết bình an cho người dân. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập các biến thể mới vào cộng đồng vẫn rất lớn.
Tổ chức Y tế thế giới vẫn xem Covid-19 là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong đó đáng lo nhất là các biến chủng mới có thể kháng vắc-xin, kháng điều trị. Số ca mắc Covid-19 nhập viện của TP.HCM đã giảm rõ rệt nhưng sau Tết có thể sẽ có những biến thể xâm nhập, tấn công người già và người chưa tiêm vắc-xin.
Sở Y tế Thành phố cần có phương án chủ động phòng ngừa bằng cách tuyên truyền người dân tiêm phòng vắc-xin, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh ở những điểm du lịch, đền, chùa.
Về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM tuy giảm nhiều so với trước đây nhưng vào mùa khô này cần chuẩn bị các phương án kiểm soát tốt loăng quăng, muỗi vì nguyên tắc của phòng bệnh, khi vùng bệnh càng nhỏ thì xác suất lây lan càng nhỏ đi. Người dân ở các nơi, mặc dù mùa khô nhưng vẫn có muỗi vằn, cần tìm diệt lăng quăng để giảm sốt xuất huyết.
Người cao tuổi nhập viện tăng sau Tết Nguyên đán
Sau Tết Nguyên đán, thời tiết Miền Bắc lạnh sâu, nhiều người cao tuổi phải nhập viện điều trị vì mắc các bệnh đường hô hấp.
BSCKI Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: ngay sau Tết Nguyên đán, thời tiết miền Bắc chuyển lạnh sâu, vì vậy số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện tăng. Riêng tại khoa, 63 giường bệnh của khoa đã kín bệnh nhân nằm, có 2 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập, trên 20% bệnh nhân phải thở ô xy.
Theo bác sĩ Ngự, sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như: người cao tuổi, người có bệnh nền (điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản... rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa).
Không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền. Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.
Trong điều kiện thời tiết như hiện tại, bác sĩ Ngự khuyến cáo người cao tuổi cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc và môi trường nhiều khói bụi.
Ngoài ra, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang trong môi trường lạnh ẩm và ô nhiễm. Điều trị sớm và triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp.
Tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể trạng sức khỏe, tuy nhiên, lưu ý không đi tập ngoài trời quá sớm, quá muộn.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ năng lượng.
Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp gây bệnh.
Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong chất bảo quản thực phẩm như hoa quả khô, bia rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Tiêm vắc-xin phòng các bệnh đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả.