Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, đội ngũ điều dưỡng chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện. Hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng đã bước đầu được thành lập ở các cấp. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh.
Dịch vụ do người điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Sau đại dịch Covid-19, đội ngũ điều dưỡng có nhiều biến động, nhiều điều dưỡng có xu hướng nghỉ việc do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nỗ lực của họ, nhiều Sở y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của điều dưỡng.
Ảnh minh hoạ |
Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022-2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện, đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú trên 80%; có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.
Theo khảo sát của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, một số khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải là vẫn còn quan niệm điều dưỡng là nghề phục vụ cho bác sỹ.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập; chưa có điều dưỡng chuyên khoa và chuẩn thực hành điều dưỡng cho từng chuyên khoa; tỷ lệ người bệnh trong bệnh viện được thực hiện chăm sóc toàn diện còn hạn chế; đầu tư ngân sách của nhà nước cho công tác điều dưỡng chưa được tính đúng tính đủ…
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện với nhiều nội dung mới như đặt người bệnh là trung tâm của quá trình chăm sóc;
Trao quyền chủ động nhiều hơn cho điều dưỡng như thực hiện nhận định lâm sàng, chẩn đoán điều dưỡng, phân cấp chăm sóc, phối kết hợp với các chức danh chuyên môn trong bệnh viện để triển khai hiệu quả hoạt động chăm sóc người bệnh; gắn trách nhiệm và sự tham gia của các khoa, phòng chức năng vào quá trình và chất lượng chăm sóc người bệnh.
Thông tư góp phần đổi mới vai trò, vị thế của điều dưỡng trong hành nghề, chuyển từ thụ động sang chủ động; đầu tư và phát triển công tác điều dưỡng bảo đảm thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN.
Cảnh báo sa sút trí tuệ sớm ở người trẻ
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Số người mắc chứng sa sút trí tuệ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ).
Theo Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu - Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết: Tuổi tác là nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ nhưng trong cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ không còn là hội chứng của riêng người già mà nhiều người trẻ và đối tượng trung niên.
Nguyên nhân là do việc lười vận động, lười tư duy, giảm giao tiếp trong xã hội do cuộc sống gắn bó quá nhiều với công nghệ và tình trạng nghiện thuốc, bia rượu… thói quen lạm dụng thuốc cũng là nguyên nhân dễ dẫn tới tình trạng sa sút trí tuệ sớm.
Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng, tình trạng béo phì và tăng huyết áp; gia tăng mắc đái tháo đường, tăng mỡ máu…
Sa sút trí tuệ khiến người bệnh không thể thực hiện hành vi hoặc tự sinh hoạt. Nghiêm trọng hơn, các biến chứng của bệnh còn có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, nhiễm trùng và thậm chí tử vong.
Sa sút trí tuệ không nên được xem là một dạng suy giảm trí nhớ thông thường, người dân nên đi thăm khám, tầm soát để phát hiện bệnh sớm và quản lý triệu chứng, điều trị các bệnh là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.
Đặc biệt đối với những người cao tuổi, từ không vận động có thể rơi vào trạng thái không đứng dậy được, không đi được lúc nào không biết.
Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu khuyến cáo người cao tuổi cần thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng. Với người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng..., giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy.
Mỗi người cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng. Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế.
134 thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 621/QĐ-QLD về việc ban hành danh mục 134 thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó có 61 loại sản xuất tại Ấn Độ.
134 thuốc trong đợt này có 120 thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm và 14 thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm.
Quyết định này yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm:
Cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc.
Chấp hành đầy đủ pháp luật của Việt Nam và các quy định của Bộ Y tế về nhập khẩu thuốc và lưu hành thuốc tại Việt Nam, nếu có bất cứ thay đổi gì trong quá trình lưu hành thuốc ở nước sở tại và ở Việt Nam thì phải báo cáo ngay cho Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cập nhật nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với thuốc chưa cập nhật nội dung nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Đảm bảo duy trì điều kiện hoạt động của cơ sở đăng ký trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.
Cơ sở đăng ký thuốc phải báo cáo Bộ Y tế về cập nhật tình trạng đáp ứng Thực hành tốt sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trường hợp cơ sở sản xuất bị thu hồi giấy phép sản xuất hoặc không đáp ứng Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở nước sở tại, cơ sở phải thực hiện việc báo cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan quản lý có thẩm quyền nước sở tại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 100 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.