Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 14/9: Cảnh báo nhiễm trùng huyết ở trẻ em
D.Ngân - 14/09/2023 09:40
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiễm trùng huyết/sốc nhiễm trùng ở trẻ em là bệnh không hiếm nhưng tỷ lệ tử vong cao.

Tỷ lệ tử vong cao

Nhiễm trùng huyết ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân nặng, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng quá mức với tác nhân vi trùng (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm) gây suy đa cơ quan, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đang chăm sóc cho bệnh nhi.

Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi) mắc nhiễm trùng huyết và 3 triệu trẻ trong số đó tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày khoa Điều trị tích cực Nội khoa tiếp nhận 1 - 2 bệnh nhi nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm trùng vào điều trị.

Bé trai N.H (1 tuổi, ở Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh, bệnh diễn biến tại nhà khoảng 5 ngày với các biểu hiện như sốt cao liên tục khó hạ, mệt nhiều, kèm hắt hơi, sổ mũi. Gia đìnhcho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt và kháng sinh, tuy nhiên trẻ vẫn sốt cao liên tục, mệt mỏi, thở nhanh nên được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 30/8.

Trẻ vào Khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn, quấy khóc nhiều. Các xét nghiệm ban đầu ghi nhận chỉ số viêm tăng cao, rối loạn đông máu, tăng men gan, suy thận cấp.

Ngay lập tức, các bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ được đặt ống nội khí quản, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch và kháng sinh phổ rộng để ổn định sau đó chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Tại đây, bệnh nhi tiếp tục được hồi sức tích cực điều trị sốc nhiễm khuẩn tuy nhiên tình trạng cải  thtện  không rõ rệt, trẻ có biến chứng tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, suy thận cấp. Các bác sĩ đã tiến hành dẫn lưu dịch màng ngoài tim, màng phổi và lọc máu liên tục.

Kết quả xét nghiệm khẳng định căn nguyên gây nhiễm khuẩn ở trẻ là do tụ cầu vàng. Đây là nguyên nhân khá thường gặp gây tổn thương nhiều cơ quan như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, viêm xương, viêm khớp.

Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, dẫn lưu màng phổi, màng tim (dọn sạch các ổ nhiễm trùng), hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, sau 14 ngày điều trị tình trạng trẻ đã có tiến triển nhưng vẫn còn nặng.

Một trường hợp mắc nhiễm trùng huyết khác cũng vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống là bé gái P.T (18 tháng tuổi).

Trước khi nhập viện 4 ngày, trẻ xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ 2 trẻ sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Gia đình cho trẻ đi khám tại bệnh viện huyện và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, sau đó trẻ vẫn sốt cao liên tục, tím tái toàn thân, khó thở nên được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm trùng huyết và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tổn thương nhiều cơ quan: viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi và rối loạn đông máu. Căn nguyên gây bệnh được xác định là tụ cầu vàng.

Nhờ sự tận tâm, nỗ lực của các y, bác sĩ với các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dẫn lưu ổ dịch màng phổi, dùng các thuốc trợ tim và kháng sinh, hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch, cai được máy thở, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm biến chứng hậu nhiễm trùng huyết.

ThS. Lê Nhật Cường, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho biết, sốc nhiễm trùng là tình trạng bệnh lý thường gặp. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến tới suy đa cơ quan (gan, thận, rối loạn đông máu).

Điều trị sốc nhiễm trùng chủ yếu là phát hiện sớm, sử dụng kháng sinh kịp thời, hồi sức hô hấp bằng hỗ trợ thở máy, hồi sức tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, trợ tim.

Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết như: lọc máu liên tục hỗ trợ trong các bệnh nhân suy thận, sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc vận mạch.

Đáng nói, dù có nhiều tiến bộ trong điều trị hồi sức, nhưng sốc nhiễm khuẩn vẫn là gánh nặng bệnh tật lớn, tỉ lệ tử vong có giảm nhưng còn cao.

Về dấu hiệu nhiễm trùng huyết, theo TS.BS Chu Thanh Sơn, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, việc nhận biết sớm  trẻ nhiễm trùng huyết khá khó khăn đối với phụ huynh, do các triệu chứng này cũng thường gặp trong các bệnh lý sốt lành tính.

Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nếu không được can thiệp hỗ trợ kịp thời. Một số triệu chứng nhận biết bao gồm nói nhịu hoặc lú lẫn, run cơ hoặc đau cơ, sốt, không có nước tiểu, khó thở, mệt mỏi, kiệt sức, da tái hoặc nổi vân tím.

Nhiễm trùng huyết là bệnh lý cấp cứu, kết quả điều trị phụ thuộc vào việc bệnh nhi được phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu nghi ngờ hoặc đã xác định trẻ bị nhiễm trùng và xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Những trường hợp đáp ứng tốt, có thể phục hồi sau 7-14 ngày, với trường hợp phát hiện và điều trị muộn, trẻ có thể tử vong hoặc chịu các di chứng của nhiễm trùng huyết suốt đời.

Không lạm dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ

Thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng trong thời gian gần đây, phần lớn người bệnh là ở Hà Nội.

Các bác sĩ khuyến cáo, người mắc bệnh cần được điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp chống lây lan sang những người lành.

TS-BS.Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Riêng tuần vừa qua là 800 ca.

Đáng chú ý, nếu như các năm trước, khi mới bước vào vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

Bác sĩ Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó mọi người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Người dân cần chú ý bệnh đau mắt đỏ trên bệnh nhi. Do miễn dịch của trẻ chưa phát triển, phản ứng phù nề mắt rất dữ dội; bệnh nhi có thể bị chảy máu mắt do giả mạc, khi đó phải bóc giả mạc, có thể gây chảy máu và những trường hợp có giả mạc thường lâu khỏi, khiến cha mẹ rất sốt ruột.

Giả mạc rất dễ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm. Nếu đến muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, bệnh nhi phức tạp hơn, công phu hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên (khỏi sau 7 đến 10 ngày). Nhưng nếu lâu hơn là “không tự nhiên”, có nguy cơ biến chứng, khó điều trị hơn. Khi đó, người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt để được dùng thuốc phù hợp, chống viêm, tăng cường miễn dịch chống bội nhiễm.

Với những trường hợp đau mắt đỏ, khả năng lây mạnh nhất là khi có các triệu chứng toàn phát, thời điểm mắc ngày thứ 5 đến thứ 7. Nhưng 3 ngày trong giai đoạn ủ bệnh và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian mất hai khoảng tuần. Trẻ em nên được nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn.

Theo chuyên gia, đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường tiếp xúc tay-mắt (tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh rồi tay đó lại chạm vào các vật dụng khác, làm lây truyền mầm bệnh). Cho nên, khi bị đau mắt đỏ thì vệ sinh tay là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần cách ly tương đối những người bị bệnh và những người chưa bị. Với những người đã bị đau mắt đỏ cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định đúng thuốc.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ đỏ mắt, cần được đưa đi khám, nhất là tại những vùng dịch để không bị nhầm lẫn, vì có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt, không chỉ có viêm kết mạc cấp.

Dấu hiệu nặng đối với đau mắt đỏ là: mắt sưng, chảy nước mắt có dịch hồng… Sau dùng thuốc 2, 3 ngày không đỡ, vẫn đỏ sưng thì cần được bác sĩ thăm, khám lại.

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày; người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy.

Lúc đầu bệnh xuất hiện ở một mắt sau lan ra hai mắt. Nếu viêm chỉ khu trú ở kết mạc thì sẽ không ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân chỉ thấy khó nhìn do mắt sưng nề, xuất tiết, nhưng nếu viêm vào giác mạc thì bệnh nhân sẽ nhìn mờ đi, chói sợ ánh sáng.

Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh cũng có triệu chứng tương tự, như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào… Người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Cụ thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,...; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Ngoài ra cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

Đặc biệt, người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Tin liên quan
Tin khác