Ghi nhận 1.047 ca Covid-19 tại 40 tỉnh, thành
Tính từ 16h ngày 31/5 đến 16h ngày 1/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.047 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 40 tỉnh, thành phố, có 871 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nam Định (-38), Hải Phòng (-18), Phú Thọ (-17). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+44), Quảng Bình (+25), Lai Châu (+23).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 1.108 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.720.426 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.276 ca nhiễm.
9.542 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.471.840 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 60 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 48 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; thở máy không xâm lấn: 2 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 2 ca
Từ 17h30 ngày 31/5 đến 17h30 ngày 1/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.079 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.509.757 mẫu tương đương 85.817.493 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 221.395.862 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.452.158 liều: Mũi 1 là 71.481.342 liều; Mũi 2 là 68.785.508 liều; Mũi 3 là 1.507.014 liều; Mũi bổ sung là 15.054.890 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.349.705 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 273.699 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.470.979 liều: Mũi 1 là 8.937.289 liều; Mũi 2 là 8.533.690 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.472.725 liều: Mũi 1 là 4.054.548 liều; Mũi 2 là 418.177 liều.
Hà Nội còn gần 78.000 F0 đang theo dõi, điều trị
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 24h qua thành phố ghi nhận 245 ca Covid-19 mới.
Số bệnh nhân này phân bố tại 103 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông; Hoàng Mai; Đông Anh; Long Biên...
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là hơn 1,6 triệu ca; trong đó có 1.336 ca tử vong. Đây là ngày thứ 44 Hà Nội không có ca tử vong vì Covid-19.
Trên địa bàn thành phố còn gần 78.000 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 99 ca điều trị tại bệnh viện và gần 77.900 ca theo dõi tại nhà. Trong 99 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 78 ca mức độ trung bình, 13 ca nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Chú ý các dấu hiệu của hậu Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) đã tổng kết trên 200 dấu hiệu của người sau mắc Covid-19.
Bộ yêu cầu các cơ sở y tế chú trọng công tác cải tiến, tăng chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc Covid-19. |
Nổi bật là các dấu hiệu cảnh báo cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế, tổn thương tại phổi như khó thở; mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, các dấu hiệu về giọng nói sau đặt nội khí quản...
"Ngày càng có nhiều thông tin, bằng chứng khoa học về các dấu hiệu liên quan sau mắc Covid-19, có suy giảm chức năng ở các cơ quan, đòi hỏi phải có hướng dẫn của cán bộ y tế để người dân biết, tiếp cận, xử trí, nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng và trở về với công việc, đời sống thường ngày", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phải nắm được nội dung tài liệu, định hướng của Bộ Y tế trong thời gian tiếp theo đối với dịch Covid-19.
Các cán bộ y tế cập nhật các tài liệu hướng dẫn tư vấn, hướng dẫn, giúp người dân tự phát hiện, phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số dấu hiệu sau mắc Covid-19; đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khám khi có các dấu hiệu nguy hiểm, báo động đỏ cần cấp cứu, hỗ trợ của nhân viên y tế.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ, ngay từ khi xây dựng các Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng từ những phiên bản đầu tiên, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn về phục hồi chức năng sau mắc Covid-19.
Theo đó, để hướng dẫn các cơ sở y tế, người dân khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng sau mắc Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu củng cố hệ thống khám, chữa bệnh để thực hiện công tác cấp cứu, khám chữa bệnh thường quy, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu các cơ sở y tế chú trọng công tác cải tiến, tăng chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc Covid-19.
Với hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê tiếp tục khẳng định các bệnh viện không thành lập khoa, phòng khám hậu Covid-19 vì việc điều trị và phục hồi cho người bệnh cần kết hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau.
Giám sát chặt đậu mùa khỉ
Hiện đã có hơn 300 ca mắc và nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các nước ngoài khu vực Tây và Trung Phi, nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.
Cuối tuần qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 22 ca, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 120 ca. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét liệu xu hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để ngăn chặn bệnh dịch
Cơ quan An ninh y tế của Anh (UKHSA) ngày 30/5 đưa ra khuyến nghị rằng, những người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể cách ly tại nhà, song vẫn phải tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc gần với người khác. Tại Anh, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan trong cộng đồng.
Từ đầu tháng 5 tới nay, vùng England ghi nhận thêm 71 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc tại Anh lên 179 ca.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) thông báo, cơ quan hải quan của nước này đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang ứng phó dịch Covid-19.
GAC đã thành lập các nhóm chuyên gia tiến hành đánh giá nguy cơ và đưa ra cảnh báo về vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ, tăng cường các biện pháp phòng dịch, như đo thân nhiệt và khám sàng lọc đối với người di chuyển nội địa.
Theo quyết định được thông qua tại cuộc họp Ban lãnh đạo hôm 30/5, WHO sẽ thành lập Ủy ban thường trực về ứng phó, sẵn sàng và ngăn ngừa tình trạng khẩn cấp về y tế, nhằm khắc phục những thiếu sót trong hoạt động.
TP.HCM phát hiện thêm 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong 7 ngày
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố đã ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021 (6.867 ca).
Đáng chú ý, 194 trường hợp trong số này đang diễn biến nặng do sốt xuất huyết. Con số này tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Trong tuần qua, thành phố ghi nhận tới 1.402 trường hợp mắc bệnh, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước đó.
Ngoài ra, HCDC cũng thông tin số ca sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú thời gian gần đây có xu hướng tăng.
Dù vậy, thành phố chưa ghi nhận thêm trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết qua đời vẫn dừng ở 7 trường hợp.
Theo HCDC, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao ở hầu hết khu vực trên địa bàn, trừ quận 12 và Phú Nhuận.
Chuyên gia đưa ra đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue là người bệnh sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì).
Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt).
Bệnh sốt xuất huyết Dengue nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Do đó, người dân không nên chủ quan hoặc tự mua thuốc điều trị bệnh.