Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 18/9: Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 ca sốt xuất huyết/tuần
D.Ngân - 18/09/2023 11:27
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, ghi nhận hơn 2.000 ca trong tuần qua, gấp đôi so với các tuần trước đó.

Số ca sốt xuất huyết tăng cao tại Hà Nội

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (8 - 15/9), Thủ đô đã ghi nhận 2.010 ca mắc sốt xuất huyết. Ca bệnh ghi nhận tại 29 quận, huyện. Số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi so với các tuần cuối tháng 8 (khoảng 1.000 ca/tuần).

Theo các bác sĩ, giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là từ ngày thứ 3 đến 7. 

Các địa bàn ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca).

Trong tuần, Hà Nội cũng phát hiện thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 15 quận, huyện. Đáng chú ý, nhiều ổ dịch ghi nhận tại các quận nội thành như: Đống Đa (16 ổ dịch), Hai Bà Trưng (4 ổ dịch), Tây Hồ (3 ổ dịch).

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phát hiện 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bệnh nhân ghi nhận từ đầu năm đến nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 533/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Thạch Thất (833 ca), Hoàng Mai (827 ca), Thanh Trì (727 ca), Hà Đông (607 ca)...

Thành phố cũng đã phát hiện tổng cộng 730 ổ dịch kể từ đầu năm đến nay, trong đó có 258 ổ dịch vẫn đang hoạt động tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Ổ dịch tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 439 ca.

Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch trong tuần vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần (theo quy định BI=20) như: Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (BI=40); xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (BI=40); phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (BI=40)...

Theo CDC Hà Nội, nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết tăng được cho là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, một số nơi có dân cư đông đúc, biến động dân số phức tạp.

Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.

Một nguyên nhân khác được CDC chỉ ra là người dân chưa hiểu đúng về cách phòng chống sốt xuất huyết. Như tại một số quận huyện, nhiều người không có ý thức vệ sinh, dọn dẹp môi trường, cảnh quan sạch sẽ.

Từ đó, muỗi có thể trú ngụ và sinh sản trong các vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ, lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, xô nước không được đậy kỹ, bể chứa nước không có nắp đậy...

Một số người cho rằng nơi nước sạch thì không có muỗi. Thực tế, muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản cao, tập tính đẻ ở nơi nước trong, sạch, ấm.

Vì vậy, muỗi vẫn phát triển nếu người dân chỉ loại bỏ nước bẩn. Mặt khác, nhiều người có thói quen phòng, chống muỗi đốt vào ban đêm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo muỗi gây sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa. Bệnh nhân thường sốt cao liên tục từ 3 đến 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ.

Theo các bác sĩ, đa số trường hợp sốt xuất huyết trở nặng đều do thói quen chủ quan không đi khám bệnh, tự uống thuốc và nghĩ rằng hết sốt là hết bệnh.

Sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu, bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng. Do đó, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ nhất là sau khi hết sốt.

Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là từ ngày thứ 3 đến 7. Bệnh nhân gặp các biến chứng như tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, bệnh nhân có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, sốc sốt xuất huyết. Nếu chậm trễ điều trị, người bệnh có thể tử vong.

Tỷ lệ người Việt mắc bệnh tim mạch tăng cao

Tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch và tử vong do căn bệnh này ngày càng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính là tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần, và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Quỹ Vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, ngoài những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, có một đại dịch khác đã tồn tại và đang phát triển mạnh đó là các bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh lý như đái tháo đường, ung thư, tâm thần… và đặc biệt nhất là các bệnh lý tim mạch. Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Còn thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia qua các năm từ 2000 đến năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, như vậy, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người tăng huyết áp.

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Đáng lo ngại hơn, nếu như trước đây, bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa.

Các bệnh lý tim mạch chủ yếu có liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm yếu tố về gia đình, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… nhưng đặc biệt là các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống (ít vận động, thói quen có hại, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh), ô nhiễm môi trường, căng thẳng và có cả sự chưa hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng, chữa bệnh.

Theo các chuyên gia Viện Tim mạch Việt Nam, kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học cho thấy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động.

Với những hành động tưởng chừng rất đơn giản như tuyên truyền, hướng dẫn mọi người không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày… có thể giúp tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.

Năm 2012, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tại Liên hợp quốc quyết tâm giảm tỷ lệ tử vong toàn cầu do bệnh không lây nhiễm khoảng 25% vào năm 2025.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, bác sĩ khuyến cáo người dân cần kiểm soát cân nặng; không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều mỡ động vật; không ăn mặn (dưới 6 gr muối/ ngày); ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế bia, rượu; đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày.

"Tập thể dục để tốt nhất cho tim mạch là vận động ở cường độ vừa đến mạnh chứ không quá mạnh. Lúc này, cơ thể vừa đủ sức chịu đựng, hơi vã mồ hôi nhẹ là vận động tốt nhất cho tim phổi. Nên vận động 30-60 phút mỗi ngày. Các phương pháp đi bộ nhanh, hoặc bơi, tập aerobic (với cường độ vừa phải), hay tập yoga, đạp xe... là những biện pháp được khuyến khích tốt cho tim mạch" - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bệnh viện 19-8 tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán sớm ung thư phổi

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 với tỷ lệ mắc mới khoảng 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong 24.000 ca hàng năm ở cả 2 giới, chỉ sau ung thư gan. Tỷ lệ trẻ hoá ung thư phổi ngày càng gia tăng, có người chỉ 30-40 tuổi đã mắc phải căn bệnh này.

Đặc biệt, vẫn còn rất nhiều người khi phát hiện ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, tốn kém, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 10%.

Bệnh viện 19-8, Bộ Công an đã nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến nhất trong chẩn đoán ung thư phổi từ chuyên gia Nhật Bản, mang đến rất nhiều hy vọng và cơ hội cho người bệnh.

TS.BS Đinh Thị Hòa, Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8 cho biết, nếu như 15 năm trước, cứ 10 ca vào khám hô hấp, phát hiện 1-2 ca bị ung thư phổi đã là nhiều, thì nay, tỷ lệ này là 5/5, thậm chí lên tới 7/10 ca.

Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8 trung bình một ngày có khoảng 100 lượt người tới khám, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về phổi sau đại dịch Covid-19 vào viện càng gia tăng, đặc biệt là ung thư phổi.

Bệnh nhân ung thư phổi cũng ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ nữ mắc ung thư phổi tăng so với trước đây. Khoa Nội hô hấp luôn kín giường bệnh, gần như phải ghép giường.

Trưởng Khoa Nội hô hấp chia sẻ thêm, ung thư phổi là vấn đề rất nhức nhối, đòi hỏi các bác sĩ lâm sàng phải cố gắng chạy đua với thời gian để chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm hơn cho bệnh nhân.

Hiện nay, tất cả kỹ thuật mới, tiên tiến nhất của y học thế giới đều xoáy sâu vào xâm lấn tối thiểu để làm sao giúp ích được cho người bệnh, đặc biệt chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm.

Bệnh viện 19-8 mời TS.BS Masao Hashinmoto, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trung tâm Quốc gia về sức khoẻ và Y khoa toàn cầu, Nhật Bản đến để chuyển giao kỹ thuật nội soi siêu âm EBUS trong chẩn đoán, thực hành trên mô hình. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ Việt Nam sinh thiết được hạch trung thất rất nhỏ dưới 1mm, đặc biệt những bệnh lý về hạch lao mà những biện pháp thông thường không tiếp cận được.

“Điều này mang lại rất nhiều ý nghĩa cho các bác sĩ lâm sàng trong việc định hướng chẩn đoán ung thư phổi, đặc biệt là chẩn đoán sớm ung thư phổi, đánh giá giai đoạn ung thư phổi, giúp tiên lượng điều trị cho bệnh nhân”, TS. Đinh Thị Hòa cho hay.

Nội soi siêu âm phế quản EBUS là kỹ thuật hiện đại nhất trong y học thế giới hiện nay, phát hiện được hạch trung thất chưa đến 1mm, khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng. Điều này giúp bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 1), mang đến rất nhiều triển vọng kéo dài tuổi thọ.

“Hiện tại chúng tôi đã làm rất tốt, cử kíp bác sĩ sang Nhật đào tạo để có chứng chỉ, về triển khai trực tiếp trên bệnh nhân. Kỹ thuật này giảm thiểu tai biến của những thủ thuật mà lâu nay vẫn làm, còn mang lại hiệu quả tốt như sau khi lấy bệnh phẩm ra, đọc tiêu bản ngay tại chỗ, định hướng được các nhóm hạch để chẩn đoán giai đoạn bệnh rất sớm. Ngoài ra, qua nội soi siêu âm có thể hoá phẫu đông tại khối u, hiệu quả tốt, ít tai biến toàn thân”, TS.Đinh Thị Hoà chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác