Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 22/6: Sơ cứu người bị đột quỵ đúng cách; Cảnh báo những biến thể mới của Covid-19
D.Ngân - 22/06/2022 11:52
Biến chứng nặng nhất của đột quỵ là tử vong do vỡ mạch máu não hoặc kích cỡ các khối máu tụ quá lớn, nhồi máu não ác tính, tắc mạch máu lớn.

Cả nước có 888 ca Covid-19 mới tại 43 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 21/6 đến 16h ngày 22/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 888 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 43 tỉnh, thành phố, có 747 ca trong cộng đồng.

Sở Y tế Ninh Thuận đăng ký bổ sung 58 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-40), Lào Cai (-16), Quảng Ngãi (-12). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+86), Đà Nẵng (+46), Bạc Liêu (+16).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 698 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.739.855 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.417 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.732.088 ca, trong đó có 9.620.020 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.604.376), TP. Hồ Chí Minh (609.897), Nghệ An (485.407), Bắc Giang (387.718), Bình Dương (383.796).

5.657 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.622.837 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 33 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 25 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; thở máy không xâm lấn: 0 ca; thở máy xâm lấn: 4 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 21/6 đến 17h30 ngày 22/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.084 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.514.401 mẫu tương đương 85.824.629 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 226.741.624 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 202.837.043 liều: Mũi 1 là 71.491.764 liều; Mũi 2 là 68.838.767 liều; Mũi 3 là 1.508.290 liều; Mũi bổ sung là 14.969.505 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.790.861 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 2.237.856 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.548.748 liều: Mũi 1 là 8.962.023 liều; Mũi 2 là 8.586.725 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 6.355.833 liều: Mũi 1 là 5.279.734 liều; Mũi 2 là 1.076.099 liều.

Làm gì để làm việc tốt hơn trong mùa nóng?

Thời tiết nắng nóng kéo dài, thậm chí còn trở nên khắc nghiệt hơn, do đó, việc chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình để thích nghi với điều kiện mùa hè nóng hơn là điều vô cùng quan trọng.

Biến chứng nặng nhất của đột quỵ là tử vong do vỡ mạch máu não hoặc kích cỡ các khối máu tụ quá lớn, nhồi máu não ác tính, tắc mạch máu lớn.

Để làm việc hiệu quả không chi phối bởi mệt mỏi do nắng nóng, trước hết cần sắp xếp lịch làm việc khoa học.

Nếu phải làm việc ngoài trời, hãy cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng và buổi tối. Chỉ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn, tranh thủ nghỉ ngơi thường xuyên trong khu vực bóng râm để cơ thể có thời gian điều chỉnh nhiệt độ.

Về dinh dưỡng, cần chú ý trong những ngày hè nóng bức. Nên hạn chế ăn nhiều loại thực phẩm dầu mỡ và ưu ái nhiều món ăn nhẹ nhàng, thanh nhiệt và có lợi cho sức khỏe. Có thể chọn trong mùa nắng với bún, cháo, phở... tăng cường rau quả như khổ qua, bí đao, dưa leo, mồng tơi, dền, dưa hấu, đu đủ...

Làm mát cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ngoài nước lọc có thể chọn các loại nước giải khát không ga, nước ép trái cây như cà-rốt, dưa chuột, dưa hấu, nước táo... Một gợi ý nữa là những loại nước mát có tác dụng giải nhiệt như nước làm từ bột sắn dây, mía lau, hoa cúc, trà lạnh...

Về tinh thần, tình trạng căng thẳng có liên quan trực tiếp tới làm việc quá sức, nắng nóng, dinh dưỡng, trục trặc trong mối quan hệ. Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến rối loạn về tinh thần, làm cho người luôn sống trong tâm trạng lo âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, sức khỏe.

Vì vậy, để làm việc hiệu quả, cải thiện tình trạng này, cần điều chỉnh lịch làm việc theo mùa hè một cách hiệu quả. Nếu làm việc căng thẳng, thỉnh thoảng trong giờ làm việc hãy đứng dậy, ra khỏi bàn, đi bộ vài phút để lấy lại năng lượng. 

Tận dụng thời khóa biểu chậm hơn vào mùa hè bằng cách sử dụng thời gian nghỉ ngơi để thư giãn. Các kỳ nghỉ có nhiều lợi ích giúp giảm huyết áp, nhịp tim, giảm căng thẳng...

Khi bị căng thẳng, mệt mỏi, chúng ta thường cảm thấy khó chịu, bực bội, thậm chí thiếu kiên nhẫn và không thể kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc. 

Để trở nên bình tĩnh và sáng suốt hơn, hãy hít thở thật sâu và đều, điều này sẽ giúp bạn nâng cao sức đề kháng và đẩy lùi tình trạng stress, căng thẳng, lo âu.

Nên tìm đến một góc nhỏ thư thái, yên tĩnh, sau đó ngồi xuống và tập trung vào hơi thở của bản thân. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cách massage bàn tay có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực như: Lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, buồn bã...

Để lấy lại năng lượng làm việc tốt hơn, hãy cắm một lọ hoa tươi mình thích, điều này giúp thư giãn dễ chịu. Hãy chọn loại hoa có màu sắc hoặc mùi hương ưa thích, và đặt chúng ở vị trí mà có thể nhìn thấy từ mọi hướng.

Ngoài ra, tự pha cho mình một tách cà phê, trà thảo mộc mát lạnh... sẽ giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi vô cùng hiệu quả.

Cuối tuần tìm một sở thích đã bị lãng quên từ lâu hoặc hoạt động giải trí mà mình đã thích, khi đó tinh thần sẽ cuốn hút, bồi hồi, vui vẻ trở lại.

Ngoài ra, có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi vui vẻ trong một ngày hoặc lâu hơn: cắm trại, leo núi, chơi trên sông, tắm biển... Khuyến khích các hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.

Một giải pháp nữa là nên hẹn bạn bè, tìm nơi thoáng mát hàn huyên, chia sẻ, giúp tâm trạng thoải mái hơn. Đôi khi, chia sẻ, tâm sự với người khác có thể giúp giải tỏa căng thẳng bên trong, đưa ra được hướng đi đúng đắn, lấy lại năng lượng đối mặt với stress.

Để không khí trong nhà, phòng làm việc dễ chịu hơn vào mùa hè, có thể trồng thêm một vài chậu cây xanh bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà của mình, ngoài việc trang trí cho ngôi nhà, cây xanh còn cung cấp oxy, ngăn bụi và lọc không khí rất tốt nên không khí trong nhà nếu có cây xanh sẽ rất thông thoáng và dễ chịu.

Ngoài ra, hạn chế ra ngoài vào giờ nắng nóng nhất là khoảng thời gian từ 11h00 - 16h00 là khoảng thời gian nắng nóng đỉnh điểm trong ngày. Việc di chuyển bên ngoài sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, bạn nên hạn chế ra ngoài đường nếu không có công việc gì cần thiết.

Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, hãy đảm bảo cơ thể được che chắn thật kỹ và lựa chọn các vật dụng chống nắng như: Găng tay, áo khoác, sử dụng kem chống nắng...

Ngoài ra, hoạt động thể chất đều đặn có thể giúp bạn phòng tránh trầm cảm mùa hè hiệu quả. Hãy tìm một vài phương thức luyện tập để giảm mệt mỏi mùa nóng hoặc đi tập vào những khoảng thời gian bớt nắng nóng như sáng sớm hoặc chiều muộn. Tuy nhiên, không tập luyện quá sức hay ăn kiêng quá mức, thay vào đó, hãy tập luyện vừa phải, ăn uống khoa học để giảm căng thẳng.

Sơ cứu người đột quỵ đúng cách

Biến chứng nặng nhất của đột quỵ là tử vong do vỡ mạch máu não hoặc kích cỡ các khối máu tụ quá lớn, nhồi máu não ác tính, tắc mạch máu lớn khiến tế bào não chết hoặc tế bào não bị phù.

Biến chứng ngưng tim, ngưng thở khi bệnh nhân bị tắc mạch máu ở các vị trí trọng yếu như đột quỵ ở thân não có trung tâm hô hấp, tuần hoàn.

Một biến chứng khác của đột quỵ là tàn phế, bệnh nhân bị liệt nửa người, liệt tứ chi hoặc khiếm khuyết vận động, đi lại khó khăn, không thể điều khiển phương tiện giao thông, hoặc không thể nói chuyện.

PGS.TS.Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.

Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc ô-xy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. 

“Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót)", PGS.TS.Tôn cho hay. 

Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.

Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi.

Vì thế, khi phát hiện triệu chứng, người thân nên cho bệnh nhân nằm ở nơi an toàn, tránh những nơi có vật sắc nhọn khi bệnh nhân có biểu hiện co giật. Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng để không nuốt ngược nước bọt hoặc đồ ăn vào trong phổi.

Tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân trong lúc chờ xe cứu thương nếu bệnh nhân bị ngưng tim.

Mang theo thuốc mà người bệnh đang sử dụng và ghi nhớ mốc thời gian khởi phát triệu chứng của người bệnh. Mốc thời gian khởi phát triệu chứng là yếu tố quyết định để bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân.

Gia đình khi phát hiện triệu chứng bệnh nhân đột quỵ, không nên mặc kệ cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, chờ cơ thể tự phục hồi, không nên cho bệnh nhân ăn hoặc uống và đặc biệt không nên cho bệnh nhân tự điều khiển phương tiện giao thông đến bệnh viện.

Để phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng, bác sĩ Quyên khuyến cáo, đối với những người có sẵn bệnh lý nền, cần mang theo thuốc điều trị. Khi ra ngoài trời cần mắc các bộ đồ thông thoáng, đội mũ, dùng ô che nắng, uống bù nước.

Đối với những người trẻ, khi tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời phải chú ý uống bù nước, tránh vận động mạnh vùng đầu cổ đột ngột gây tổn thương mạch máu vùng đầu cổ và không sử dụng chất kích thích làm huyết áp tăng vọt.

Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, người dân cũng nên sử dụng điều hòa đúng cách, không nên chỉnh nhiệt độ quá thấp gây ra chênh lệch nhiệt độ quá lớn với bên ngoài. 

Chống dịch sốt xuất huyết

Bộ Y tế có Công điện số 815/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. 

Theo Công điện, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền trung.

Bộ Y tế dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát trên địa bàn; 

Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết.

Cảnh báo những biến thể mới 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Tại Việt Nam, số mắc Covid-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố. 

Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới.

Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Quản lý, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của Covid-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.

Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới.

Đồng thời nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị Covid-19.

Tin liên quan
Tin khác