Chăm sóc bệnh hen cho mọi người
Ngày Hen toàn cầu do Tổ chức phòng, chống hen toàn cầu (GINA) khởi xướng từ năm 1998, nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức về bệnh hen trên toàn thế giới.
Ngày Hen toàn cầu là sự kiện được tổ chức vào ngày thứ ba tuần đầu của tháng 5 hàng năm. |
Theo đó, nhiều hoạt động sẽ diễn ra ở các quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về gánh nặng của bệnh hen phế quản, để giáo dục gia đình và nhân viên y tế về các phương pháp hiệu quả để xử trí và kiểm soát hen.
Năm 2023, GINA đã chọn “Chăm sóc bệnh hen cho mọi người” làm chủ đề cho Ngày hen toàn cầu. Phần lớn gánh nặng bệnh tật và tử vong do hen xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
GINA cố gắng giảm bớt gánh nặng này bằng cách khuyến khích các nhà lãnh đạo chăm sóc sức khỏe tiếp cận với các loại thuốc hiệu quả, đảm bảo chất lượng.
Thông điệp Chăm sóc bệnh hen cho mọi người thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các chương trình quản lý bệnh hen hiệu quả.
GINA đặt mục tiêu tăng cường và củng cố mối liên kết với các địa phương và quốc gia. GINA cũng cam kết đảm bảo các khuyến nghị cụ thể về tính bền vững của môi trường bằng cách chia sẻ mối quan tâm về sức khỏe hành tinh với ưu tiên cao là an toàn cho bệnh nhân.
GINA đang làm việc để cải thiện cuộc sống của những người mắc bệnh hen trên toàn cầu và sự hợp tác nhiều mặt để cải thiện mọi khía cạnh của việc chăm sóc bệnh hen, cho bệnh nhân và cho môi trường là rất quan trọng.
Trước đó, Ngày Hen toàn cầu có chủ đề: “Khép lại khoảng cách trong chăm sóc bệnh hen” nhằm nâng cao nhận thức về bệnh hen và tầm quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hen trên toàn cầu. Hướng tới sự tiếp cận với chẩn đoán và điều trị hen một cách bình đẳng cho tất cả mọi người.
Bệnh hen gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Tỷ lệ tử vong do bệnh hen còn cao mặc dù đã có thuốc điều trị, phương pháp kiểm soát hiệu quả.
Chi phí cho việc chăm sóc bệnh hen rất tốn kém, đặc biệt là chi phí nằm viện, cấp cứu, mất việc làm, nghỉ học do cơn hen cấp. Nếu được kiểm soát tốt, người bệnh sẽ có cơ hội sống và sinh hoạt như bình thường.
Theo các chuyên gia, các yếu tố gây tái phát cơn hen ở bệnh nhân bao gồm: Hoạt động gắng sức, thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp, khói, bụi, nhiễm lạnh, hóa chất, tiếp xúc vật nuôi, phấn hoa, thức ăn, liên quan thai nghén, thuốc và cảm xúc.
Bệnh nhân hen cũng thường mắc các bệnh dị ứng kèm theo như viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thức ăn, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi có dấu hiệu người dân hãy đến cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn và đo chức năng hô hấp để phát hiện và chẩn đoán xác định bệnh hen phế quản. Kiểm soát tốt bệnh hen là góp phần giảm gánh nặng chi phí do điều trị bệnh hen và nâng cao chất lượng sống.
Theo WHO số người mắc bệnh hen suyễn có xu hướng ngày càng gia tăng. Tại Mỹ, năm 1964 tỷ lệ người mắc bệnh là 183/100.000 dân, tuy nhiên đến năm 1983 con số này đã tăng lên 284/100.000 dân.
Bệnh tăng nhanh ở các quốc gia khác như Pháp, Áo, Phần Lan… Ước tính hiện nay, có khoảng gần 400 triệu người mắc bệnh hen trên thế giới. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao chỉ sau ung thư.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 4 triệu người bệnh hen suyễn, có 2-6% dân số nói chung và 8-10% trẻ em mắc bệnh hen, trong đó độ tuổi 12-13 có tỷ lệ cao nhất châu Á với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em thường ở giai đoạn muộn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng, rất khó phát hiện.
Kết quả giải trình tự gene Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế, qua giải trình tự gen 72 mẫu từ người mắc Covid-19 trong tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2023 cho kết quả hầu hết các mẫu phân lập được chủng XBB như các biến thể XBB.1.5, XBB.1.9, XBB.1.11.1, XBB.1.16, XBB.2.3.
Kết hợp với đặc điểm lâm sàng của những người bệnh điều trị trong giai đoạn này cho thấy hầu hết người bệnh vẫn có các triệu chứng bệnh không đặc hiệu như: sốt, ho, viêm long đường hô hấp trên, đau mỏi người…
Ngoài ra, phân tích thông tin của 25 trường hợp người bệnh nặng, nguy kịch (có tình trạng suy hô hấp cần can thiệp oxy hỗ trợ như thở máy, oxy kính), 90% các bệnh nhân nặng đều mắc các bệnh lý nền nặng trước đó như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, bệnh lý ác tính.
Ở nhóm bệnh nhân này, khi được can thiệp, điều trị phù hợp thì có tới 76,2% người bệnh phục hồi hoàn toàn.
WHO cảnh báo cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó trên toàn cầu.
Trước thực trạng đáng báo động rằng vô sinh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới, WHO kêu gọi ngay lập tức tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Ước tính trên thế giới cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản.
Trong báo cáo công bố ngày 4/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khoảng 17,5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó và có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực và giữa nước giàu với nước nghèo.
Cụ thể, tỷ lệ này là 17,8% ở những nước thu nhập cao và 16,5% ở những nước thu nhập thấp. Đây là lần đầu tiên trong một thập niên (1990-2021) WHO thực hiện báo cáo về vấn đề vô sinh ở người trưởng thành.
Theo đại diện WHO, báo cáo cho thấy thực trạng đáng báo động rằng vô sinh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Báo cáo của WHO không đề cập nguyên nhân gây vô sinh, nhưng xác định đây là một thách thức đối với y tế toàn cầu.
Bệnh vô sinh ảnh hưởng tới hàng triệu người. Tuy nhiên, cho đến nay, căn bệnh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, thiếu nguồn tài trợ cho các giải pháp, trong khi nhiều người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc do hạn chế trong điều trị, chi phí cao và kỳ thị của xã hội.
Đại diện WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo vấn đề này không nằm ngoài các chính sách và nghiên cứu y tế. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản và nguồn tài trợ y tế.
Một bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong tại Bắc Giang
Bệnh nhân nam 45 tuổi, quê ở xã Đồng Phúc (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) tử vong do có bệnh nền đái tháo đường, xơ gan và mắc Covid-19.
Bệnh nhân làm nghề tự do, chưa từng mắc Covid-19; đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Sáng 29/4, bệnh nhân mệt mỏi, sốt, đau đầu, khó thở nhẹ, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng khám.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị.
Tại đây, các bác sĩ đã hội chẩn, chỉ định sử dụng các loại thuốc theo phác đồ điều trị song sức khỏe của bệnh nhân diễn tiến xấu rất nhanh, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn không hồi phục, suy đa tạng.
Đến 19h cùng ngày, bệnh nhân tử vong. Sở Y tế Bắc Giang đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh khử khuẩn buồng bệnh, hành lang, các trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận chuyển người nhiễm Covid-19.