Có 1.088 ca Covid-19 mới ghi nhận trong nước
Tính từ 16h ngày 1/6 đến 16h ngày 2/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.088 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 1.088 ca ghi nhận trong nước tại 46 tỉnh, thành phố, có 910 ca trong cộng đồng.
Ngày 2/6/2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 1.120 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổng sung thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-20), Vĩnh Phúc (-16), Bình Định (-16). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+72), Hải Phòng (+21), Tây Ninh (+18).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.072 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.722.634 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.311 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.714.876 ca, trong đó có 9.474.843 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.600.968), TP Hồ Chí Minh (609.452), Nghệ An (484.690), Bắc Giang (387.585), Bình Dương (383.781).
5.820 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.477.660 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy: 55 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 44 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy không xâm lấn: 2 ca; thở máy xâm lấn: 4 ca; ECMO: 2 ca.
Từ 17h30 ngày 1/6 đến 17h30 ngày 2/6 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Quảng Ninh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.080 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.509.824 mẫu tương đương 85.817.715 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 221.558.297 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.505.210 liều: Mũi 1 là 71.479.817 liều; Mũi 2 là 68.791.708 liều; Mũi 3 là 1.507.118 liều; Mũi bổ sung là 15.053.954 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.381.138 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 291.475 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.474.707 liều: Mũi 1 là 8.938.636 liều; Mũi 2 là 8.536.071 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.578.380 liều: Mũi 1 là 4.104.401 liều; Mũi 2 là 473.979 liều.
Hà Nội có 238 F0
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua, thành phố đã ghi nhận 238 ca bệnh: 84 ca cộng đồng; 154 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 101 xã, phường, thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (25); Hà Đông (23); Hoàng Mai (21); Long Biên (20).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.601.754 ca, trong đó có 1.336 ca tử vong. Đây là ngày thứ 45 Hà Nội không có ca tử vong vì Covid-19.
Trên địa bàn thành phố còn gần 76.800 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 117 ca điều trị tại bệnh viện. Số còn lại được theo dõi tại nhà. Trong 117 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 94 ca mức độ trung bình, 19 ca nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Để xảy ra dịch địa phương phải chịu trách nhiệm
Bộ Y tế vừa có Công điện 708/CÐ-BYT gửi Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Không nhận đủ vắc-xin được phân bổ, các địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch |
Công điện nêu rõ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 đợt 146 và 147. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc-xin hoặc điều chuyển vắc-xin đã được phân bổ.
Ðể tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tránh lãng phí, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vắc-xin được phân bổ đợt 146 và 147;
Tiếp tục rà soát đối tượng, tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi;
Đồng thời tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận và đi tiêm chủng các mũi tiếp theo (mũi 3, mũi 4) kịp thời, đầy đủ.
Tại công điện, Bộ Y tế tiếp tục nêu rõ, nếu địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc-xin và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 114 và các hướng dẫn, công điện của Bộ Y tế về công tác tiêm chủng.
Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng đôn đốc các địa phương, bộ, ngành liên quan báo cáo về tiến độ tiêm và số ca mắc Covid-19 theo tháng và theo nhóm tuổi; tìm các giải pháp thúc đẩy tiêm vắc-xin tại các địa phương có tỷ lệ còn thấp.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương đôn đốc các địa phương và tổng hợp báo cáo nhu cầu vắc-xin; phối hợp đơn vị chức năng liên quan vận chuyển ngay vắc-xin đến 13 tỉnh, thành phố chưa nhận vắc-xin dù đã được phân bổ...
Về việc tiêm vắc-xin mũi 4, theo lãnh đạo Bộ Y tế, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;
Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Trong công tác phòng chống dịch nói chung, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Bộ Y tế nhấn mạnh, vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Ứng phó với dịch sốt xuất huyết tăng cao tại TP.HCM
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm, toàn Thành phố ghi nhận 8.481 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 28% so cùng kỳ năm 2021), trong đó có 7 người tử vong.
Ðáng lo ngại, từ ngày 13/5 đến 19/5, Thành phố ghi nhận 943 ca sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so trung bình bốn tuần trước, trong đó, số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, thành phố còn ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng với 96% số trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Ðức cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy, vẫn còn sự lơ là, chủ quan của người dân đối với dịch bệnh này. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo địa phương cần làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc truyền thông cần đi vào thực chất, không chỉ dừng lại ở hình thức.
Bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cũng cần xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức không thực hiện tốt các biện pháp ngành Y tế đề ra, góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch…
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn;
Các ban, ngành phối hợp ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong.
Và quan trọng nhất là tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình tại các địa phương trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước - nơi sinh sản của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết…
Chống sốt xuất huyết trên diện rộng
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.168 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 17,9% và số tử vong tăng 8 trường hợp.
Ðáng chú ý, tại khu vực phía nam, số mắc chiếm 85,4% số mắc cả nước và tất cả ca tử vong (13 ca) đều tại khu vực này; tỷ lệ mắc/100 nghìn dân của khu vực này cũng cao nhất cả nước (59,5 ca/100 nghìn dân).
Ngoài sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 8.017 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trong đó có một trường hợp không qua khỏi.
So với cùng kỳ năm 2021, số mắc cả nước giảm 4,3 lần; tử vong giảm 9 trường hợp.
Bộ Y tế nhận định, thời tiết khí hậu nóng ẩm cùng với việc giao lưu đi lại... là những điều kiện thuận lợi cho các bệnh lưu hành gia tăng, nhất là sốt xuất huyết, tay, chân, miệng... và có thể bùng phát dịch bệnh tại các địa phương thời gian tới.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp dự phòng, ngăn chặn sự bùng phát dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng và các dịch bệnh mùa hè khác;
Chú trọng phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao...
Sở y tế các địa phương quyết liệt kiểm soát dịch, tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan và kéo dài tại cộng đồng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo các địa phương chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay, chân, miệng và các dịch bệnh trong trường học;
Bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà-phòng và có vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể...