Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 26/1: Số ca cấp cứu tại các cơ sở y tế tăng mạnh so với năm trước; WHO cảnh báo một số loại thuốc ho chứa chất cấm
D.Ngân - 26/01/2023 09:13
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 5 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện khám, cấp cứu cho 242.108 bệnh nhân, tăng 35,6%; số bệnh nhân nhập viện nội trú là 113.869 bệnh nhân, tăng 37% so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết Quý Mão đã có 377 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 129 ca so với cùng kỳ Tết 2022, không có ca tử vong

Số ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau là 2.521 ca, chiếm 1,1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 43% trong số đó là 1.073 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 7 trường hợp tử vong.

Tính từ 7 giờ ngày 24/1 đến 7 giờ ngày 25/1 có 101.947 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 47.836 bệnh nhân, tăng 22,4%, nhập viện điều trị nội trú 26.109 bệnh nhân, tăng 29,9% so với cùng ngày năm trước.

Ảnh minh hoạ

Các cơ sơ y tế đã làm thủ tục chuyển viện cho 2.250 bệnh nhân; vận chuyển 2.303 lượt bệnh nhân bằng xe cứu thương của bệnh viện; thực hiện 2.746 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 551 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân.

Các cơ sở y tế cũng đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.137 trẻ chào đời và cho xuất viện 14.994 bệnh nhân về nhà ăn Tết.

Trong 5 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện khám, cấp cứu cho 242.108 bệnh nhân, tăng 35,6%; số bệnh nhân nhập viện nội trú là 113.869 bệnh nhân, tăng 37% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, số ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu cũng tăng 11% với 2.482 ca.

Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.879 trường hợp, tăng 19% so với cùng ngày năm trước, chuyển tuyến trên điều trị 445 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 37 ca, giảm 8% so với cùng ngày Tết Nhâm dần 2022.

Tính đến 7 giờ ngày 25/1/2023, sau 5 ngày nghỉ Tết đã có 8.095 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, chiếm 36,3% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 18,5%; có 182 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 20 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

WHO cảnh báo một số loại thuốc ho chứa chất cấm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều tra siro ho bị nhiễm độc được cho là nguyên nhân dẫn tới tử vong của hơn 300 trẻ em và kêu gọi các nước, nhà sản xuất và cung cấp dược phẩm phải có hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ trẻ em trước thuốc ho nhiễm độc.

Trong năm 2022, hơn 300 trẻ em, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, ở Gambia, Indonesia và Uzbekistan tử vong có liên quan đến các loại thuốc nhiễm độc dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Các thuốc này là siro ho được bán không cần có đơn bác sĩ.

Loại thuốc trên đã được xác nhận hoặc nghi ngờ có chứa hàm lượng diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) cao, có thể gây tổn thương thận cấp tính khi uống phải.

WHO giải thích: “Những chất gây nhiễm độc này là những hóa chất độc hại được dùng làm dung môi công nghiệp và chất chống đông có thể gây tử vong ngay cả khi uống một lượng nhỏ, và không bao giờ được sử dụng trong thuốc.”

WHO đã gửi cảnh báo sản phẩm cụ thể siro ho của hai nhà sản xuất Ấn Độ: Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech. WHO cho biết các sản phẩm này có liên quan đến các trường hợp tử vong ở Gambia và Uzbekistan. Cả chính phủ Ấn Độ và hai công ty đều phủ nhận lỗi là do thuốc.

Một cảnh báo sản phẩm khác của WHO liên quan đến siro ho của bốn nhà sản xuất Indonesia: PT Yarindo Farmatama, PT Universal Pharmaceutical, PT Konimex và PT AFI Pharma.

Indonesia đã ngừng bán tất cả siro và thuốc nước trên toàn quốc sau tử vong của 99 trẻ em. Cơ quan y tế Indonesia cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho đến khi họ kết thúc cuộc điều tra.

Theo WHO, Philippines, Timor Leste, Senegal và Campuchia cũng có thể bị ảnh hưởng do có phân phối loại siro này. WHO kêu gọi 194 quốc gia thành viên hành động để ngăn số ca tử vong do dùng thuốc. WHO cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra những nhà sản xuất, tăng cường giám sát thị trường và có hành động khi cần thiết.

WHO kêu gọi các nhà sản xuất chỉ mua nguyên liệu từ những nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn và kiểm tra nguyên liệu nghiêm ngặt. Đối với các nhà cung cấp và nhà phân phối, WHO khuyến nghị nên kiểm tra những dấu hiệu làm giả và chỉ phân phối các loại thuốc được phép sử dụng.

Tin liên quan
Tin khác