13 loại thuốc bị thu hồi
Theo Cục Quản lý Dược, lý do 13 loại thuốc bị thu hồi là do các cơ sở đăng ký thuốc đề nghị tự nguyện thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ. |
Tại quyết định của Cục Quản lý Dược, thuốc nước ngoài đã nhập khẩu vào Việt Nam trước ngày Quyết định này có hiệu lực được phép lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc.
Cơ sở đăng ký thuốc, sản xuất thuốc phải có trách nhiệm theo dõi và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành.
13 loại thuốc của các cơ sở sau thu hồi đăng ký lưu hành:
1. Thuốc Tetraspan 6% solution for infusion, dạng bào chế tiêm truyền tĩnh mạch, số đăng ký: VN-18497-14 do B. Braun Medical Industries Sdn. Bhd. (Địa chỉ: Bayan Lepas Free Industrial Zone, 11900 Bayan Lepas, Pulau Pinang, Malaysia) là cơ sở đăng ký;
2. Thuốc Spiolto Respimat, dạng bào chế là dung dịch để hít, số đăng ký VN3-361-21 do Boehringer Ingelheim International GmbH (Địa chỉ: Binger Strasse 173, 55216 Ingelheim am Rhein, Germany) là cơ sở đăng ký;
3. Thuốc Tamiflu, dạng bào chế viên nang cứng, số đăng ký VN-18299-14, do F.Hoffmann-La Roche Ltd. (Địa chỉ: 124 Grenzacherstrasse, CH-4070 Basel, Switzerland) là cơ sở đăng ký.
4. Thuốc MS Contin 10mg, dạng bào chế viên nén phóng thích kéo dài, số đăng ký VN-21318-18;
5. Thuốc 5 MS Contin 30mg, dạng bào chế viên nén phóng thích kéo dài, số đăng ký VN-21319-18;
6. Norspan 10mcg/h, dạng bào chế là miếng dán trị liệu qua da, số đăng ký VN3-266-20;
7. Norspan 20mcg/h, dạng bào chế là miếng dán trị liệu qua da, số đăng ký VN3-267-20;
8. Norspan 5mcg/h, dạng bào chế là miếng dán trị liệu qua da, số đăng ký VN3-268-20;
Cả 4 loại trên đều có cơ sở đăng ký là Mundipharma Pharmaceuticals Pte. Ltd. (Địa chỉ: 12 Marina View, #22-01 Asia Square Tower 2, Singapore 018961, Singapore).
9. Vinorelbin "Ebewe", dạng bào chế là dung dịch đậm đặc pha dung dịch tiêm truyền, số đăng ký VN-20829-17;
10. Calciumfolinat "Ebewe", dang bào chế là dung dịch tiêm truyền, số đăng ký VN-23089-22;
11. Calciumfolinat "Ebewe", dang bào chế là dung dịch tiêm truyền, số đăng ký VN-23090-22;
12. Gliclazid Sandoz 30mg, dạng bào chế viên nén phóng thích biến đổi, số đăng ký VN-23041-22;
13. Amoxicillin 250mg, dạng bào chế viên nén phân tán, số đăng ký VN-22180-19,
Cả 5 loại trên có cơ sở đăng ký là Novartis (Singapore) Pte Ltd (Địa chỉ: 10 Collyer Quay, # 10-01, Ocean Financial Centre Singapore (049315), Singapore).
Nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch người lớn
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp cùng Công ty CP Sữa VitaDairy Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch cho người lớn.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, vấn đề về dinh dưỡng đã được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về Quyết định số 1092 về triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Để triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5924 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025.Đặc biệt, tháng 1/2023, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Một trong những điểm mới và nổi bật của luật này là có một điều về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các đại biểu tập trung lắng nghe, thảo luận, trao đổi kỹ các kỹ năng truyền thông về dinh dưỡng. Từ đó, có thể giáo dục, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng và người bệnh.
Theo chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hậu Covid-19 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, với nhóm người từ 60 tuổi trở lên là nhóm cao tuổi có nguy cơ nhiễm nhiều bệnh cùng lúc và khi mắc Covid-19, tình trạng bệnh sẽ trở nặng nhanh hơn.
Nguyên nhân quan trọng khiến người cao tuổi dễ bị mắc các bệnh là do hệ miễn dịch bị suy giảm - còn gọi là lão hóa miễn dịch.
Lão hóa miễn dịch khiến khả năng chống đỡ bệnh tật giảm, dễ mắc bệnh do nhiễm khuẩn, virus và giảm khả năng hồi phục khi mắc bệnh. Chính vì vậy, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và tăng cường miễn dịch cho người lớn tuổi trong giai đoạn này lại càng quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
TS. Nghiêm Nguyệt Thu, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng phòng Dinh dưỡng tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hệ miễn dịch và dinh dưỡng có tác động qua lại, nên muốn tăng cường miễn dịch cần chú trọng đến dinh dưỡng.
“Trong các giải pháp dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho người cao tuổi, bổ sung kháng thể IgG từ sữa non bò là một biện pháp tự nhiên và hiệu quả”, bác sĩ Thu nói.
Cũng theo TS. Nghiêm Nguyệt Thu, IgG là thành phần kháng thể chính trong cơ thể, chiếm tới hơn 75% tổng lượng kháng thể trong huyết thanh và là kháng thể quan trọng nhất của hệ miễn dịch.
IgG có tác dụng tăng cường miễn dịch, phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, hô hấp; từ đó khi phối hợp sữa non trong các sản phẩm dinh dưỡng, sẽ giúp đem lại một giải pháp dinh dưỡng toàn diện trong tăng cường sức khỏe tim mạch, bảo vệ hệ cơ xương khớp, hỗ trợ tiêu hóa và những vấn đề thường gặp ở người lớn tuổi.
Ngộ độc vì ăn củ ấu
Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết nơi đây đã cấp cứu cho bệnh nhân nam 65 tuổi (ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị ngộ độc sau khi ăn củ ấu tẩu (tên gọi khác là ấu tàu).
Loại củ này thường được gọi là ấu tẩu, một vị thuốc sau khi được bào chế nhưng cũng chứa chất aconitin kịch độc, có thể gây tử vong.
Theo bệnh viện, bệnh nhân ăn canh có chứa khoảng 3-4 củ ấu tẩu, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tê miệng, lưỡi, tay, chân, nóng rát vùng cổ, cảm giác loạn nhịp tim.
Qua thăm khám, khai thác thông tin từ gia đình người bệnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc củ ấu tẩu.
Ngay sau đó, bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu, thải độc bằng than hoạt tính, rửa dạ dày, truyền dịch, hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 24 giờ điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ CKI Trần Công Cẩn, khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết trong củ ấu tẩu có thành phần aconitin có độc tính rất cao, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng nhỏ.
Do đó, khi bị ngộ độc củ ấu tẩu, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng: Nôn, buồn nôn, tê môi, lưỡi, tay, chân hoặc toàn thân, cảm giác tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim.
Nếu bị nặng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như co giật, ngừng thở, suy hô hấp, thậm chí ngừng tim, tử vong.
Thực tế, không ít người dân sử dụng củ ấu tẩu như một loại đặc sản, bài thuốc quý để chế biến món ăn hoặc ngâm rượu nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, người dân không nên tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn hoặc ngâm rượu để uống nếu không biết cách loại bỏ độc tố.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian.