Vai trò quan trọng của đội ngũ điều dưỡng
Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai và Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học điều dưỡng quốc tế lần thứ III, đào tạo và cập nhật trong thực hành lâm sàng và quản lý điều dưỡng.
Lực lượng điều dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Họ là những người đầu tiên tiếp cận người bệnh khi đến bệnh viện, có trách nhiệm chăm sóc, theo dõi, phối hợp đồng nghiệp, cán bộ y tế khác nhằm thực hiện những can thiệp chăm sóc, điều trị toàn diện với chất lượng tốt nhất cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
Hằng năm, cả nước có gần 5.000 điều dưỡng tốt nghiệp đại học và hàng ngàn điều dưỡng tốt nghiệp cao học. Đội ngũ trí thức điều dưỡng đang tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. |
Người điều dưỡng cũng là cán bộ y tế cuối cùng tiếp xúc với người bệnh trước khi họ xuất viện; hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, dặn dò điều cần thiết sau khi người bệnh xuất viện cũng như hoàn thiện thủ tục hành chính khi xuất viện.
Ths.Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho hay, hiện có hơn 140.000 hội viên trên cả nước, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của y học Việt Nam nói chung và sự phát triển chuyên ngành điều dưỡng nói riêng.
Hằng năm, cả nước có gần 5.000 điều dưỡng tốt nghiệp đại học và hàng ngàn điều dưỡng tốt nghiệp cao học. Đội ngũ trí thức điều dưỡng đang tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Các điều dưỡng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng, là minh chứng đưa ngành điều dưỡng thành một ngành khoa học, đóng góp nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Còn theo PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sứ mệnh của điều dưỡng viên là chăm sóc sức khỏe người dân tốt nhất, do đó yêu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này những khắt khe về chuyên môn, về y đức.
Thời gian qua, các điều dưỡng cũng luôn có những nghiên cứu, áp dụng kiến thức hàn lâm vào thực tiễn cuộc sống. Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc nghiên cứu khoa học luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện quan tâm và coi là một hoạt động mũi nhọn bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến chất lượng bệnh viện của các điều dưỡng được công bố và áp dụng đã giúp nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và trong ngành Y tế.
Nỗ lực trả lại đôi chân lành lặn cho bệnh nhân
Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tại đây vừa tiến hành phẫu thuật nối thành công cẳng chân gần bị đứt rời cho một nam bệnh nhân 32 tuổi, sau khi người này bị chém.
Trước đó, vào chiều tối 24/10, nam bệnh nhân này được đưa đến viện trong tình trạng sốc mất máu, da trắng nhợt, mạch nhanh, huyết áp 60/40 mmHg… và cẳng chân gần đứt rời.
Qua khám và kiểm tra, các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp sốc mất máu do vết thương mạch máu thần kinh lớn vùng bắp chân. Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu hồi sức băng ép, nẹp cố định đùi cẳng chân và đẩy thẳng phòng mổ theo quy trình báo động đỏ.
Ngay lập tức, 2 kíp bác sĩ chuyên khoa được điều động. Kíp thứ nhất tiến hành nối mạch máu. Kíp thứ hai tiến hành nối thần kinh, gân, cơ xương.
Trong quá trình phẫu thuật, kíp bác sĩ đã tiến hành khâu nối phục hồi động tĩnh mạch khoeo chân, nối thần kinh mác chung, thần kinh chày và toàn bộ khối gân cơ vùng cẳng chân. Cùng với đó, tiến hành mở khoang cẳng chân.
Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Trước và trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã phải truyền 3 lít máu để hồi sức và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau mổ, bàn chân của bệnh nhân hồng ấm, mạch mu chân, mạch ống gót bắt rõ. Đến ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt và đã thoát sốc, đầu chi hồng ấm. Tuy nhiên, bệnh nhân phải cần tiếp tục điều trị thêm từ 2-4 tuần để phục hồi tổn thương.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - người trực tiếp nối mạch máu cho bệnh nhân, vấn đề nặng nhất của bệnh nhân không phải là chân bị đứt lìa, mà chính là tình trạng mất máu rất nặng dẫn tới sốc mất máu.
Nếu không được cấp cứu, sơ cứu ban đầu tốt và phần chi thể không được cấp máu quá 6 tiếng sẽ có nguy cơ phải cắt cụt chi. May mắn cho bệnh nhân là vụ việc xảy ra gần viện. Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên đã cứu được tính mạng mà không phải cắt cụt chi.
Cảnh báo tai nạn khi cho trẻ chơi đồ chơi vũ khí
Mới đây, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E đã cấp cứu và xử trí cho một bé trai (10 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị đồ long đao đập vào mặt gây tổn thương nghiêm trọng vùng mũi.
ThS.Lê Thị Nga, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt cho biết, bé trai này nhập viện do tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng, trong tình trạng mặt sưng nề, bầm tím nhiều vùng mũi, biến dạng lõm vùng mũi phải. Mũi không chảy máu do được sơ cứu trước đó.
Ngay lập tức, các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện E cho bá trai tiến hành xét nghiệm và chiếu chụp cần thiết. Kết quả chụp CT hàm mặt, xác định có tổn thương gãy xương chính mũi phải.
Người bệnh nhi được chuyển sang Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt và được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nắm chỉnh mũi.
Theo các bác sĩ, bé trai nay rất may mắn, vì cú đập của đồ long đao đó không ảnh hưởng tới vách ngăn của mũi cũng như nhiều bộ phận khác trên vùng mặt như mắt, xương gò má, vùng trán.
Người nhà cho biết, cháu bé gặp tai nạn khi vào giờ ra chơi ở trường học. Cháu bé và các bạn chơi thanh đồ long đao nặng 30 kg, do một bạn mang đến lớp.
Các bạn đang tham gia trò chơi thách đố “Ai là người khỏe nhất!” khi bẻ được đồ long đao 30 này. Hầu hết các bạn nhỏ đều bỏ cuộc vì đồ long đao này có sức bẻ nặng 30kg, vì cơ thể và sức khỏe của các bạn nhỏ không phù hợp.
Đến lượt một bạn cao 1m34 nặng 29-30kg chơi, cháu bé đứng cạnh thì bị văng vào mặt. Cháu bé đã được cô giáo và các bạn đưa đến phòng y tế của nhà trường để sơ cấp cứu. Sau đó, gọi gia đình đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện E.
Theo chia sẻ của chính cháu bé này, các bạn biết đến đồ long đao khi xem các clip trên tiktok với trò chơi thách đố ai có thể bẻ được đồ long đao 100 kg.
Thậm chí, cháu bé cũng biết được mức độ nguy hiểm khi trong clip cũng có hình ảnh tai nạn của người chơi khi bị đập vào cổ hoặc vào miệng gây gãy toàn bộ hàm răng…
Nhưng các bạn nhỏ này vẫn lên mạng để mua “đồ chơi” với giá rất rẻ, từ 49.000đ -75.0000đ/ sản phẩm, tùy vào chất lượng và cân nặng của đồ long đao…
ThS. Lê Thị Nga, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt khuyến cáo, đồ long đao được biết đến là dụng cụ hỗ trợ tập cho người tập gym tăng cơ tay.
Tuy nhiên, gần đây trên tiktok, youtube lan truyền những đoạn clip thách đấu nhau nên nhiều người không tập gym. Đặc biệt, là trẻ em mua về chơi mà họ không biết rằng, khi sử dụng các các dụng cụ tập bổ trợ này cần có sự lựa chọn phù hợp với thể trạng, cân nặng, chiều cao của từng người và phải có người hướng dẫn.
Bởi vì, người sử dụng đồ long đao này quá cân so với thể trạng có thể gặp một số tai nạn sinh hoạt nguy hiểm. Nhẹ có thể gây tai nạn cho chính người chơi như rách cơ tay (khi gồng quá lực), gây vỡ mũi, gãy răng…
Nặng hơn đồ long đao có thể đập vào mắt tổn thương nhãn cầu, thậm chí vỡ con ngươi; đập vào vùng trán có thể gây chấn thương sọ não, máu tụ. Chưa kể đồ long đao cũng có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Vì thế, ThS. Lê Thị Nga, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt nhắc các bậc phụ huynh cần để ý khi các bạn nhỏ chơi các đồ vật nguy hiểm như đồ long đao và lựa chọn sản phẩm phù hợp với thể trạng, chiều cao và cân nặng của con.
Ngoài ra, nếu không may gặp tai nạn do đồ long đao gây nên, các bậc phụ huynh cần đưa con ngay đến cơ sở y tế gần nhất, để các bác sĩ đánh giá và xử lý tùy theo tổn thương.