Hơn 19.400 ca phẫu thuật được thực hiện trong dịp Tết
Sau 7 ngày nghỉ Tết (từ sáng 29 đến sáng mùng 6 Tết), tổng số ca khám, cấp cứu tại các bệnh viện là 381.216 ca, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 173.351 ca, tăng 38,9%. Tổng số ca phẫu thuật các loại là 19.435 ca, tăng 11,4%.
Cũng trong kỳ nghỉ Tết, có 3.443 ca cấp cứu vì đánh nhau, 43% trong số đó (1.487 ca) phải nhập viện điều trị, theo dõi và có 11 trường hợp tử vong.
Về số ca khám, cấp cứu và nhập viện do tai nạn giao thông, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đã có gần 30.000 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 10,4% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, gần 11.000 trường hợp phải nhập viện điều trị (tăng 15%), 235 người tử vong vì tai nạn giao thông, giảm 7% so với Tết 2022.
Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, số ca cấp cứu do ngộ độc, rối loạn tiêu hóa và tai nạn liên quan đến pháo, vật liệu nổ cũng gia tăng. Trong 7 ngày nghỉ Tết đã có 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu; 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Về tai nạn lao động, sinh hoạt, trong 7 ngày nghỉ có 13.950 ca khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 4,3% trong tổng số khám, cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có 23 ca tử vong.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Quý Mão 2023, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân.
Hà Nội: Đảm bảo y tế phục vụ các sự kiện tiêu biểu trên địa bàn
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn khẩn số 13/SYT-NVY về việc đảm bảo y tế phục vụ các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Ban tổ chức các lễ hội để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo y tế phục vụ các lễ hội năm 2023 diễn ra trên địa bàn.
Bố trí các Tổ cấp cứu cơ động gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe cứu thương với đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế thường trực đảm bảo y tế cho các đại biểu, khách mời và nhân dân tham dự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chủ động liên hệ với các bệnh viện trên địa bàn để được hỗ trợ khi cần thiết.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội.
Tổ chức thường trực chống dịch, giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời, triệt để dịch bệnh; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở cung cấp nước phục vụ lễ hội.
Về phân công địa điểm trực đảm bảo y tế: TTYT quận Đống Đa trực tại lễ hội Gò Đống Đa; TTYT huyện Mỹ Đức trực tại lễ hội Chùa Hương; TTYT huyện Mê Linh trực tại lễ hội Đền Hai Bà Trưng; TTYT Sóc Sơn trực tại lễ hội Đền Sóc; TTYT Đông Anh trực tại lễ hội Đền Cổ Loa; TTYT thị xã Sơn Tây trực tại lễ hội Chùa Mía và lễ hội Đền Và; TTYT Chương Mỹ trực tại lễ hội Chùa Trầm và lễ hội Chùa Trăm Gian; TTYT Thạch Thất trực tại lễ hội Chùa Thầy; TTYT Tây Hồ trực tại lễ hội Phủ Tây Hồ.
Các TTYT quận, huyện, thị xã khác chủ động triển khai các hoạt động đảm bảo y tế phục vụ các lễ hội diễn ra trên địa bàn theo yêu cầu của Ban Tổ chức lễ hội.
Sở Y tế Hà Nội phân công Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là cơ quan thường trực phòng chống dịch chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch Covid-19; hướng dẫn, chỉ đạo các TTYT về công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các lễ hội trên địa bàn thành phố.
Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công thương, các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích, lễ hội; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập phối hợp với các TTYT quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng giường bệnh để tiếp nhận điều trị các trường hợp cấp cứu và người bệnh Covid-19.
Làm rõ thông tin cháu bé tử vong nghi do hóc hạt bí
Cục Quản lý Khám chữ bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi làm rõ thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải bài viết "Cháu bé nghi hóc hạt bí, người nhà tố bệnh viện tắc trách khiến cháu tử vong".
Nội dung phản ánh cháu T.Đ.L. (3 tuổi) đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cấp cứu ngày 26/1/2023 trong tình trạng ho, khó thở (nghi mắc hạt bí) và tử vong ngày 27/01/2023, nghi do tắc trách và sai sót chuyên môn của ca trực đêm ngày 26/01/2023.
Sau khi nghiên cứu, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi
Chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ nội dụng phản ánh trên.
Khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm thảo tử vong, xác minh nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L. Xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có vi phạm (nếu có).
Công khai kết quả xác minh và nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L. trên phương tiện thông tin đại chúng; có văn bản trả lời trực tiếp người nhà người bệnh và báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 31/01/2023 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.