Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 28/6: Trẻ tử vong thương tâm vì được "chữa bệnh" bằng dao lam
D.Ngân - 28/06/2023 08:36
Một bệnh nhi đã tử vong do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể.

Trẻ tử vong thương tâm

Vừa qua, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi nam 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch  dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.

Ảnh minh hoạ.

TS. Hoàng Kim Lâm, Khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đó, cách vào viện 8 ngày, trẻ ở nhà xuất hiện ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt.

Gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô (không rõ nguồn gốc) về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống, đồng thời cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để chữa bệnh.

Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị.

Tại đây, trẻ có các biểu hiện: sốt, mệt, da vàng sạm, củng mạc mắt vàng, phù 2 mí mắt, bụng chướng, suy gan-thận, suy hô hấp, vô niệu.

Trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan.

Trẻ được điều trị tích cực bằng hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục, chăm sóc tích cực. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau 1 ngày nằm viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biện pháp chữa bệnh cho trẻ bằng cách dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu…, để chữa bệnh cho trẻ là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên làm những điều này.

"Khi thực hiện phương pháp như vậy vừa không hiệu quả, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Đồng thời, việc làm này làm trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ", bác sĩ Tuấn cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Cha mẹ không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phương pháp điều trị bệnh phản khoa học khiến trẻ gặp nhiều biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường , việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phẫu thuật nâng ngực được 8 ngày, nữ bệnh nhân 39 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám do đau dọc mặt trong cánh tay trái. Sau khi biết kết quả, bệnh nhân vô cùng bất ngờ phát hiện nguyên nhân do bệnh lý hiếm gặp gây nên.

Bất ngờ khi phát hiện bệnh hiếm gặp ở người khỏe mạnh

Đó là trường hợp của chị N.T.C, ở Hà Nội. Sau 8 ngày đi phẫu thuật nâng ngực, thì một tuần nay xuất hiện đau ở gần nếp gấp khuỷu trái, sau đó đau lên gần nách trái. Và chị cho biết thêm, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có truyền tĩnh mạch tay trái gần vị trí đau.

Qua lo lắng và khó chịu do bất thường gây nên, chị C., quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.

Dựa vào tiền sử và thăm khám ấn đau dọc mặt trong cánh tay trái đến nách, sưng nhẹ, nóng nên có nghi ngờ tắc tĩnh mạch. Vì vậy, bác sĩ chỉ định chị C., làm xét nghiệm máu, siêu âm mạch máu chi trên và siêu âm mạch chi trên trái.

Kết quả xét nghiệm máu chưa phát hiện bất thường nào, tuy nhiên, kết quả siêu âm mạch máu chi trên có hình ảnh bất thường. Cụ thể, siêu âm mạch máu chi trên phải có biến đổi giải phẫu tĩnh mạch cánh tay nhỏ, tĩnh mạch nền lớn đổ thẳng vào tĩnh mạch nách.

Siêu âm mạch máu chi trên trái: Biến đổi giải phẫu, tĩnh mạch cánh tay nhỏ, tĩnh mạch nền lớn, đổ thẳng vào tĩnh mạch nách tại hố nách.

Đoạn đầu vị trí đổ vào có huyết khối bán phần, ấn xẹp không hoàn toàn. Huyết khối toàn bộ tĩnh mạch nền, ấn không xẹp chạy xuống dọc mặt trong cánh tay và mặt trước cẳng tay đến vị trí 1/3 dưới cẳng tay.

Giãn tĩnh mạch đầu bù trừ và các tĩnh mạch nông dưới da. Các tĩnh mạch xiên vị trí quanh khuỷu tay giãn lớn, huyết khối bán phần. Vì vậy, chẩn đoán xác định bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nền do biến chứng truyền tĩnh mạch.

Phân tích ca bệnh này, ThS.BSNT Đào Danh Vĩnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Medlatec chia sẻ, đây là bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm 5% so với bệnh tĩnh mạch chi dưới và thường gặp ở các trường hợp có can thiệp.

Ở bệnh nhân này có can thiệp là đặt đường tiêm truyền trước đó. Yếu tố thứ 2 đặc biệt ở ca bệnh này là có biến thể giải phẫu hai bên, tức tĩnh mạch cánh tay nhỏ và đổ thấp hơn so với bình thường, đó chính là yếu tố thuận lợi khiến bệnh nhân dễ bị bệnh huyết khối. Nếu sau này cánh tay còn lại (tay phải) khi tiêm truyền thì bệnh nhân cũng cần lưu ý, vì nếu không tiếp tục sẽ bị tắc huyết khối.

Theo chuyên gia, huyết khối tĩnh mạch cánh tay (chi trên) là bệnh lý hiếm gặp gây ra suy giảm khả năng hồi lưu của tĩnh mạch cánh tay do huyết khối.

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay nguyên phát thường không có nguyên nhân cụ thể, hay gặp trong các bệnh cảnh tăng đông máu toàn thân.

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay thứ phát là hậu quả của các bệnh lý tại chỗ, hoặc toàn thân, hoặc do biến chứng của can thiệp y khoa.

Huyết khối tĩnh mạch chi trên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm, cụ thể là bệnh nhân C., có huyết khối tĩnh mạch nền có nguy cơ đi vào tĩnh mạch nách, phát triển thành huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể gây tắc tĩnh mạch phổi.

Về điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch nền, TS.Trần Hồng Hà, chuyên gia Huyết học của Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, đối với huyết khối tĩnh mạch nông thì đại đa số sẽ tự khỏi, bệnh nhân có triệu chứng, hoặc không có triệu chứng. Ở bệnh nhân này có triệu chứng đau, hoặc biến đổi màu da vì tĩnh mạch nông.

Hầu hết bệnh nhân sẽ tự khỏi sau 3-4 tuần, nếu bệnh nhân có biểu hiện sẽ được điều trị kháng viêm, giảm đau. Nếu có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu thì có thể dựa vào chiều dài huyết khối (dưới 4-5cm trên siêu âm) thì có thể điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau. Trường hợp lớn hơn 4-5cm trên siêu âm thì có thể điều trị bằng thuốc chống đông để tránh biến chứng thành khối tĩnh mạch sâu.

Bác sĩ Kiên khuyến cáo, những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch cần cảnh giác đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sưng, đau cánh tay bất thường như:

Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết thay thế. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ hậu sản. Hạn chế vận động, bất động lâu.

Các bệnh toàn thân như thiếu máu do thiếu sắt, bệnh ác tính, bệnh tăng sinh tủy, mất nước, viêm ruột, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behcet, bệnh lý tuyến giáp, bệnh sarcoidosis thần kinh và béo phì.

Tình trạng tăng đông mắc phải hoặc di truyền như hội chứng kháng phospholipid, đột biến gen MTHFR hay tăng phospho máu, yếu tố V Leiden đột biến, đột biến gen Prothrombin, thiếu Protein S hoặc Protein C, thiếu Antithrombin, hội chứng thận hư, bệnh đa hồng cầu nguyên phát và tăng tiểu cầu...

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm 

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã đẩy mạnh công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, tập trung vào nhóm sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày tại các công đoạn có nguy cơ cao. Tổng số mẫu được giám sát là 69 mẫu đều bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xét nghiệm nhanh 103 mẫu thịt gia súc đối với hoạt chất salbutamol (chất tạo nạc); kết quả 103/103 mẫu có kết quả âm tính.

Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp lấy 369 mẫu nông sản thực phẩm tại các vùng trồng trên địa bàn để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nhằm đánh giá, chứng nhận sản phẩm. Kết quả, 6/369 mẫu không bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật…

Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến, nhưng trong quá trình kiểm tra vẫn còn vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn lạc hậu;

Việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm; công tác xây dựng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; nguồn lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn hạn chế...

Ngoài khó khăn do thiếu cán bộ chuyên môn, hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm ở cấp xã, phường còn bị hạn chế bởi không có các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra được thực hiện chủ yếu là bằng cảm quan nên rất khó xác định chính xác lỗi vi phạm, thậm chí dễ vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt vi phạm…

Để quản lý chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, các địa phương cần giám sát từ khâu sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, an toàn.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cả truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp để chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ;

kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm, giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện các nông sản thực phẩm không an toàn;

Đồng thời phối hợp thẩm định, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký.

Tin liên quan
Tin khác