Hội nghị nhằm cập nhật, trao đổi kiến thức, chia sẻ điểm mạnh, từ đó kết hợp tạo hiệu quả tối ưu trong phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ.
Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau ung thư và tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê, hằng năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ não. Bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng có thể được dự phòng được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, và stress, cũng như các nguyên nhân khác.
Hậu quả của đột quỵ rất lớn, làm giảm, mất khả năng sống độc lập của cá nhân người bệnh và tạo một gánh nặng kinh tế đáng kể cho xã hội. Do vậy, mục tiêu điều trị là cải thiện tỷ lệ tử vong, tránh tối đa tàn phế, sa sút trí tuệ và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những người còn sống.
Trong Đông y, bệnh đột quỵ não đã được mô tả với tên gọi chứng trúng phong. Là bệnh phát cấp tính, đột ngột và rất nặng; đột nhiên ngã, bất tỉnh hoặc tỉnh, bán thân bất toại hoặc tứ chi không cử động được, miệng méo, mắt lệch, nói khó…
Đông y tham gia phòng, chống đột quỵ và di chứng có hiệu quả từ hàng nghìn năm nay bằng các bài thuốc cổ phương, luyện tập, châm cứu... Do đó, việc phục hồi chức năng sớm bằng các phương pháp y học cổ truyền là một trong những sự lựa chọn và là thế mạnh của Đông y.
Theo GS. TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội hồi phục chức năng Việt Nam, ngày nay với sự tiến bộ của y học, người ta thấy rằng phục hồi chức năng giai đoạn cấp góp phần phục hồi và tiên lượng tốt cho người bệnh. Quan điểm trước đây thường cho rằng, phục hồi chức năng được thực hiện sau khi có di chứng, tuy nhiên giai đoạn hiện nay phục hồi chức năng từ giai đoạn cấp có tác động đến tính mềm dẻo của não và có thể thúc đẩy cải thiện tình trạng.
Thực hiện phục hồi chức năng chất lượng cao ngay từ giai đoạn cấp bằng y tế nhóm, với sự phối hợp của các bác sĩ ngoại thần kinh, nội thần kinh, phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu… góp phần phục hồi chức năng và nâng cao tỷ lệ hòa nhập xã hội của người bệnh đột quỵ.
Thu hồi toàn quốc 3 sản phẩm tẩy trang Bioderma
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế vừa có Công văn số 13663/QLD-MP, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 3 sản phẩm tẩy trang sản xuất tại Pháp.
3 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, thu hồi gồm:
Sản phẩm Bioderma Crealine H2O Solution Micellaire 500ml. Nhà sản xuất: Naos Les Laboratoires, địa chỉ: 505 Rue Pierre Berthier, 13290 Aix-en-Provence, Bouches du Rhône, Provence-Cote d'Azur, France. Công ty TNHH MTV XNK Thành Nam (có địa chỉ ở quận Thủ Đức, TPHCM) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Sản phẩm Bioderma Sebium H2O Purifying Cleansing Micellar Water 500ml/16.9 Fl.Oz. Nhà sản xuất: Naos Les Laboratoires, địa chỉ: 505 Rue Pierre Berthier, 13290 Aix-en-Provence, Bouches du Rhône, ProvenceCote d'Azur, France. Công ty TNHH MTV XNK Thành Nam chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Sản phẩm mỹ phẩm Bioderma Purifying Cleansing Micelle Solution. Nhà sản xuất: Laboratoires Léa, dịa chỉ: 23 Avenue Paul Langevin, 17180, Perigny, France. Công ty TNHH đào tạo và cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình chuyên nghiệp (có địa chỉ ở quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo Cục Quản lý Dược, lý do thu hồi các sản phẩm trên là do 2 công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nêu trên không trung thực về tài liệu giấy ủy quyền trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng, thu hồi sản phẩm và trả về cơ sở cung ứng sản phẩm; đồng thời kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV XNK Thành Nam, Công ty TNHH đào tạo và cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình chuyên nghiệp gửi báo cáo thu hồi sản phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý dược trước ngày 15/1/2023.
Đề nghị Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP.HCM kiểm tra hai công ty trên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm; giám sát việc thu hồi sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/1/2023.
Phú Thọ: Phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Sở Y tế Phú Thọ tổ chức vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Y tế năm 2022 và giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Năm 2022, Sở Y tế Phú Thọ đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được duy trì, thực hiện nghiêm túc. Các bệnh truyền nhiễm được giám sát chủ động, kịp thời khống chế, bao vây và dập tắt kịp thời các ổ dịch có nguy cơ bùng phát.
Chương trình mục tiêu y tế - dân số như: tiêm chủng, dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, sốt rét, phòng chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, dân số phát triển… đều đạt theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truyền thông chuyển đổi hành vi được duy trì; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục triển khai hiệu quả tại các đơn vị, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Công tác khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ người dân hài lòng với các dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên. Mạng lưới y tế tiếp tục phát triển, nâng tầm và khẳng định vị trí ở khu vực.
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có bước chuyển quan trọng, nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu được ứng dụng thành công ngay tại tuyến huyện. Trong năm 2022, tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh là 2.009.879 lượt, tăng 14,6%; Số lượt bệnh nhân điều trị nội trú 396.860 lượt, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, ngành Y tế Phú Thọ tiếp tục xác định công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch và các dịch bệnh khác, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng trong cộng đồng; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về y tế.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn về khám chữa bệnh, phòng bệnh ở các tuyến; kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện có hiệu quả công tác dân số phát triển; phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh thuận tiện, chất lượng; tiếp tục nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Các đơn vị y tế cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, dịch vụ y tế chất lượng cao. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.