Phương pháp mới điều trị viêm gan
Tại một sự kiện về viêm gan gần đây, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Việt Nam hiện đã có hơn 8 triệu người viêm gan B và gần 1 triệu người viêm gan C.
Ảnh minh hoạ. |
Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được kiểm soát còn khá ít. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ diễn biến thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện nay có hơn 330 triệu ca viêm gan B, viêm gan C, mỗi năm đều tăng 3 triệu ca mới, số ca tử vong báo động ở mức 1,1 triệu ca/năm.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan cao nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính khoảng 15-26% dân số. Số ca mắc mới và tử vong hằng năm đều trên 25.000 trường hợp, xếp thứ 4 trên toàn thế giới.
Trong điều trị các bệnh lý về gan, theo Thiếu tướng GS.TS Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam và Phân hội phẫu thuật gan, mật, tụy Việt Nam, tính đến nay, Việt Nam đã ghép gan được hơn 500 trường hợp, 80% lá gan được lấy từ người hiến sống.
Do không có triệu chứng nên viêm gan virus được coi như "sát thủ thầm lặng" âm thầm hủy hoại sức khỏe con người. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan virus có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan, xấu nhất là tử vong.
Với những bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan còn khả năng điều trị, BSCK II Nguyễn Đình Song Huy, Khoa U gan, Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM chia sẻ, các trường hợp này đều được điều trị đa mô thức, cải thiện hạn chế của những phương pháp trước đó (phẫu thuật, phá hủy bằng sóng tần, nút mạch hóa chất).
Theo kết quả nghiên cứu của các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023), 58 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan được cắt gan nội soi có sử dụng Indo-cyanien Green bước đầu cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào chuyển mổ mở.
Các tiến bộ mới điều trị viêm gan, xơ gan và ung thư gan cũng được công bố gồm phẫu thuật nội soi cắt túi mật với huỳnh quang ICG, thay huyết tương trong điều trị suy gan cấp và đợt cấp suy gan mạn, đốt nhiệt cao tần điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, phẫu thuật lấy huyết khối tĩnh mạch cửa qua đường tĩnh mạch rốn…
Nguy hiểm tính mạng do uống nhầm thuốc đái tháo đường để điều trị huyết áp
Theo tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận một ca cấp cứu hạ đường huyết nguy hiểm, suýt tử vong do dùng nhầm thuốc điều trị đái tháo đường của con.
Bệnh nhân là bà T.T.M (85 tuổi) bị tăng huyết áp 20 năm nay. Thuốc điều trị của bệnh nhân đều do con trai cho uống. Do người con này đi vắng, nên bà M đã được người con khác chăm sóc.
Trong thời gian này, thay vì uống thuốc điều trị huyết áp, người chăm sóc đã nhầm lẫn cho bà M dùng thuốc điều trị đái tháo đường trong 3 ngày liên tiếp.
Hậu quả là bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lơ mơ, hỏi không trả lời và được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng chỉ số đường máu là 1,1 mmol/l.
Tại đây, sau nửa ngày điều trị, bà M có triệu chứng co giật toàn thân, lơ mơ, hỏi không đáp, phản ứng chậm nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Nội tiết trung ương.
Khi nhập viện, đường tmáu máu mạch của bệnh nhân M chỉ là 1,3 mmol/l. Các bác sĩ khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nội tiết trung ương) đã cấp cứu kịp thời, truyền Glucose tĩnh mạch 30% và 5% theo phác đồ.
Trong ngày đầu điều trị, đường máu vẫn liên tục ở mức thấp, xấp xỉ 2 mmol/l. Sau điều trị tích cực, đường máu đã về mức ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện rõ ràng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bình thường uống thuốc trị đái tháo đường sẽ gây hạ đường huyết kéo dài. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng suy gan, suy thận cấp, thậm chí suy đa cơ quan, dễ dẫn đến tử vong hoặc di chứng về sau. Vì vậy, người bệnh cần kiểm tra kỹ thuốc trước khi sử dụng.