Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 30/6: Cảnh giác với các bệnh tai mũi họng trong thời tiết nắng nóng
D.Ngân - 30/06/2023 13:37
Trong thời điểm thời tiết cực đoan như đầu hè năm nay thì bệnh lý tai mũi họng sẽ thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Việc khám tai mũi họng là điều rất nhiều người quan tâm.

Không chủ quan với bệnh tai mũi họng

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt, ở mọi lứa tuổi, những bệnh lý tai mũi họng thường gặp cũng khá giống nhau như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi dị ứng... Nhất là thời điểm thời tiết cực đoan như đầu hè năm nay.

Trong thời điểm thời tiết cực đoan như đầu hè năm nay thì bệnh lý tai mũi họng sẽ thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Việc khám tai mũi họng là điều rất nhiều người quan tâm. 

Dưới đây là những bệnh lý tai mũi họng thường gặp như viêm tai giữa. Đây là một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa là do virus, vi khuẩn hay nấm. 

Trong khi đó, viêm tai giữa cũng có thể do các loại virus như virus hợp bào hô hấp (RSV) và những loại gây ra cảm lạnh thông thường bằng cách làm tổn hại đến hệ thống phòng thủ bình thường của các tế bào biểu mô đường hô hấp trên.

Tỷ lệ trẻ em mắc viêm tai giữa chiếm  khoảng 10- 20%, thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh nhất là thời gian giao mùa sang mùa thu, tầm tháng 9, tháng 10.

Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như đau tai, đau nhức đầu, sốt cao, chán ăn, tiêu chảy, phản ứng chậm với âm thanh.

Viêm họng: Đây là bệnh lý thường gặp nhất. Thông thường, có ba loại viêm họng hay gặp nhất là viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét. Bệnh thường dễ gặp khi trởi trở lạnh, tiến triển nhanh nếu không được điều trị.

Những triệu chứng thường gặp ở viêm họng là đau rát họng, khát nước, đau nhức mình mẩy, hạnh viêm vùng góc hàm, sốt, ớn lạnh, nhức đầu.

Viêm xoang: Viêm xoang có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh do các nguyên nhân khác dẫn đến như nhiễm khuẩn, virus, dị ứng, nấm. Có hai loại viêm xoang là viêm xong cấp tính và mãn tính.

Ở người lớn viêm niêm mạc mũi xoang sẽ tiến triển thành viêm xoang mạn tính kèm các triệu chứng như đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy khe giữa và khe trên có mủ, sốt, kém tập trung, người mệt mỏi.

Viêm amidan: Bất cứ ai cũng có thể bị viêm amidan nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị hơn. Người bệnh sẽ có những triệu chứng như đau họng, sốt, chảy nước mũi, hai bên amidan sưng lớn, viêm họng đỏ...

Viêm amidan mạn tính sẽ gây nên những triệu chứng như đau nhói vùng họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi… Khi amidan tái đi tái lại nhiều lần trong năm sẽ sưng to cản trở đường ăn uống, gây khó thở và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Viêm mũi dị ứng: Đây là bệnh lý tai mũi họng tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Thời tiết, môi trường, nấm mốc, cơ địa… đều là những yếu tố dẫn đến viêm mũi dị ứng. Không được điều trị sớm bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính.

Viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ người mắc nhưng luôn gây cảm giác khó chịu cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Theo PGS. Hoài An, các bệnh lý tai mũi họng cần được điều trị sớm và triệt để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cần được thăm khám, điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và tại các cơ sở uy tín tránh tiền mất tật mang.

Cung ứng 6.000 chai thuốc chữa tay chân miệng cho các bệnh viện

Việt Nam đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin điều trị tay chân miệng để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.

Tuy nhiên, do tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu bảo đảm cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới.

Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung ứng thuốc bị hạn chế, Bộ Y tế đã có sẵn phương án để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp thiếu nguồn cung để bảo đảm công tác điều trị và phòng bệnh.

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện nay, các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua có tình trạng thiếu cục bộ thuốc tiêm truyền tĩnh mạch Immunoglobulin.

Theo như đã thông tin tại buổi làm việc của Bộ Y tế với Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/6, Immunoglobulin là thuốc sinh phẩm, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đặc biệt là huyết tương trong máu người. Do đó, việc sản xuất thuốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu.

Theo thông tin từ các cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đi hiến máu giảm xuống đáng kể dẫn đến tình trạng nguồn nguyên liệu sản xuất Immunoglobulin cũng bị hạn chế trong thời gian dài. Do đó, số lượng thuốc sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị trên phạm vi toàn cầu.

Sau khi nhận được các thông tin này, ngay từ cuối tháng 12/2022, Bộ Y tế đã sớm có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu thuốc phải chủ động dự trù, đặt hàng và mua sắm thuốc theo đúng quy định để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho điều trị.

Bên cạnh các cơ sở đã chủ động thực hiện dự trù, mua sắm thuốc thì vẫn còn một số cơ sở chưa thực sự chủ động trong việc mua sắm, dự trữ thuốc.

Ngoài ra, tình hình bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến khá phức tạp, các ca bệnh nặng tăng cao so với các năm trước nên nhu cầu sử dụng thuốc Immunoglobulin cũng tăng đột biến.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các hướng dẫn về chuyên môn, đôn đốc công tác phòng chống dịch, đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc cho điều trị bệnh tay chân miệng... Bộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Thành lập Nhóm kỹ thuật đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Nhóm kỹ thuật đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nhóm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, nhóm kỹ thuật được thành lập với mục tiêu nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đề án về mô hình đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam tiến tới thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ quốc gia về an toàn thực phẩm.

Việc thành lập được nhóm kỹ thuật có sự tham gia của cả ba bộ quản lý về an toàn thực phẩm là một bước tiến lớn trong việc đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác