Quy định mới về mua sắm thiết bị y tế
Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế vừa ban hành đã tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện nên các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện;
Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định về mua sắm thiết bị y tế, tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế. |
Đồng thời việc ban hành Thông tư cũng giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế, linh kiện, vật tư thay thế cũng như dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế như sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn phù hợp với yêu cầu chuyên môn, bảo đảm vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị y tế của cơ sở y tế.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Thông tư này quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm mua sắm trang thiết bị y tế;
Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế công lập.
Khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp sau đây:
Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp; khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Khi xây dựng giá gói thầu, Thông tư quy định chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử... trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 1 hoặc 2 báo giá) và quyết định giá gói thầu.
Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay Chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Đối với phương pháp xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đối với phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.
Thông tư 14 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023.
Ngày dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam được Báo Sức khỏe & Đời sống và Herbalife tổ chức cuối tuần vừa qua tại Hà Nội là ngày hội về chăm sóc sức khỏe, thay đổi dinh dưỡng, truyền cảm hứng cho cộng đồng thực hiện lối sống năng động, lành mạnh.
Tại Ngày hội, người dân sẽ được kiểm tra các chỉ số sức khỏe như chỉ số BMI, chỉ số vòng eo - hông... đặc biệt hơn là được tư vấn dinh dưỡng trực tiếp miễn phí từ các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đến từ Viện Dinh dưỡng, Bộ môn Dinh dưỡng,Trường Đại học Y Hà Nội, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.
TS. Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng đánh giá, hiện người dân đã có ý thức và hiểu biết tốt hơn về dinh dưỡng và vận động.
Song hiểu và áp dụng riêng cho mỗi người thì nhìn chung chưa ổn. Nhiều người vẫn áp dụng một cách máy móc theo khuyến nghị chung của cộng đồng mà không có sự chọn lọc thông tin để áp dụng riêng cho bản thân mình.
Bác sĩ của Viện Dinh dưỡng cho rằng, mỗi người phải có chế độ ăn, chế độ tập luyện phù hợp với bản thân và độ tuổi, tính chất công việc, bệnh kèm theo... Để có được chế độ tốt nhất, buộc phải khám và tư vấn dinh dưỡng.
Khi đó bác sĩ sẽ khám, làm thêm các xét nghiệm, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể như ưu tiên các thực phẩm tự nhiên, sau đó mới sử dụng các thực phẩm thay thế khác.
"Hiện nhiều người đang áp dụng thái quá, có hiện tượng lạm dụng thực phẩm thay thế mà quên đi các bữa ăn tự nhiên là không ổn", bác sĩ Hưng nói.
Có một vấn đề mà bác sĩ Hưng gặp phải ở rất nhiều bệnh nhân trong quá trình thăm khám là việc sợ chất béo quá mức. Sợ chất béo, chất bột đường, rồi ăn quá nhiều chất đạm, lạm dụng các loại hoa quả, hạt có dầu đang có xu hướng ăn theo lối lạm dụng thực phẩm ở một số người.
Trong khi chúng ta phải biết trong dinh dưỡng thực hành, cần phải cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Điều này phụ thuộc vào tuổi, vào giới, đặc điểm bệnh, tình trạng lao động... và cân đối 3 chất sinh năng lượng là chất bột đường, chất đạm, chất béo phù hợp.
Sau khi tính tổng các chất này rồi thì phải cân đối thành các bữa ăn trong ngày. Các thành phần phải được chia cân đối, hợp lý trong các bữa ăn sáng, trưa, tối.
Người dân cần phải biết các nguồn cung cấp dưỡng chất của thực phẩm. Ví dụ chất béo có từ động vật và thực vật, cân đối giữa chất béo trong các loại hạt và các loại thịt cá như thế nào. Hay như chất đạm có trong thực phẩm động vật và thực vật, phải kiểm soát như thế nào.
"Thực tế có nhiều người quá thần thánh thực phẩm từ thực vật, kiêng hoặc tuyệt đối không ăn thực phẩm từ động vật... lại không hợp lý. Việc cân đối hợp lý các thành phần này trong khẩu phần ăn mới có được chế độ ăn lành mạnh", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên là tốt nhất cho sức khỏe nên phải ưu tiên trong khẩu phần ăn. Việc tự cân đối khẩu phần ăn cho bản thân sẽ khá khó nếu không được đào tạo về dinh dưỡng, nên tốt nhất phải có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp không có điều kiện đi khám dinh dưỡng thì nên duy trì thói quen ăn lành mạnh như ăn cơm (chất bột đường) phải chiếm 50-60% trong bữa ăn, sau đó là chất đạm từ 15-20%, tức lượng đạm là khá ít, còn lại là chất béo cho các món xào rán, dùng các loại hạt có dầu, hoặc thực phẩm chế biến dưới dạng nộm, trộn... để lấy chất béo từ dầu mỡ. Không nên quá cực đoan, chỉ ăn món luộc chẳng hạn thì không tốt cho sức khỏe.
Ghi nhận hơn 15.000 ca mắc tay chân miệng
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận gần 15.000 ca mắc tay chân miệng, 6 trường hợp tử vong.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng, có thể tử vong.
Đáng chú ý, năm nay, có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Nếu như tuần 14 chủng này chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì tuần 23 tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40% trong các mẫu xét nghiệm. Đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Ông Lân cho biết, hiện các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.
Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch điều trị tay chân miệng, theo thông tin của Cục Quản lý Dược, ngày 23/6 vừa qua đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.
Ước tính hiện mỗi tuần chúng ta ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện, trong đó có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin- tương đương với 35 ca cần điều trị/ tuần.
Cũng theo ông Lân, tình hình dịch hiện nay, với sự nỗ lực cả công tác dự phòng, điều trị và truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cũng như các hoạt động khác, hy vọng có thể sớm giảm số ca mắc nói chung, ca diễn biến nặng nói riêng.