Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 9/12: Bãi bỏ một số điều, khoản gây khó trong đấu thầu trang thiết bị y tế; sắp đủ thuốc trong gói thầu tập trung quốc gia
D.Ngân - 09/12/2022 09:19
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bỏ một số điều, khoản gây khó trong đấu thầu trang thiết bị y tế.

Bãi bỏ Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT

Thông tư này sẽ bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành bao gồm:

Quyết định số 36/2006/QĐ-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị y tế".

Quyết định số 19/2008/QĐ-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chế làm việc của Bộ Y tế.

Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm.”

Bãi bỏ một số điều, khoản gây khó trong đấu thầu trang thiết bị y tế. Ảnh minh hoạ

Thông tư số 09/2013/TT-BYT ngày 29 tháng 03 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về y tế tại Việt Nam.

Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.

Bãi bỏ một phần quy định của 2 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về danh mục thuốc hiếm: Bãi bỏ Điều 9 và cụm từ “và cập nhật Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc hiếm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định” tại Khoản 1 Điều 10.

Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế: Bãi bỏ Khoản 3 Điều 8.

Thông tư số 14/2022/TT-BYT sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2023. Riêng việc bãi bỏ khoản 3 điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT có hiệu lực từ ngày ký ban hành Thông tư 14/2022/TT-BYT này (tức ngày 6/12/2022).

Khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định: "Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể"...

Quy định này khiến bệnh viện nếu muốn mua thiết bị y tế thì buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, trong điều kiện tỉ giá, giá điện nước, nhân công, lương... tăng, yêu cầu này trở nên khó thực hiện, nhiều cơ sở y tế khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế.

Kể từ ngày bãi bỏ Khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT có hiệu lực, việc xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Dự kiến 31/12 sẽ đủ thuốc trong gói thầu tập trung quốc gia

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các sở y tế, các bệnh viện về thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu các thuốc đấu thầu tập trung quốc gia quý 3-2022.

Vừa qua Trung tâm đã triển khai kiểm tra, giám sát các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 đối với các đơn vị trúng thầu. Hiện đã giám sát 18/40 nhà thầu cung ứng 67 mặt hàng của cả 3 gói thầu miền Bắc, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam.

Qua giám sát cho thấy 43/67 mặt hàng (64%) của 12/18 nhà thầu đã có thuốc để cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế.

Có 15/67 mặt hàng (22%) của 8/18 nhà thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế.

Có 9/67 mặt hàng (13%) của 8/18 nhà thầu chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế.

Ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia (Bộ Y tế) cho biết với các mặt hàng thuốc trúng thầu mà nhà thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế, đơn vị trúng thầu cho biết dự kiến tất cả các mặt hàng này sẽ về Việt Nam trước 31/12/2022.

Tỉ lệ thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do trung tâm này thực hiện chỉ chiếm tỉ trọng 6,7% tổng số mặt hàng thuốc đấu thầu trong 2 năm 2022-2023. Như vậy mỗi năm số này chiếm chưa tới 3,5%, số còn lại sẽ thực hiện đấu thầu tại địa phương.

Đối với các mặt hàng có số lượng tồn kho thấp hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế và hàng đang trong kế hoạch nhập về, nhà thầu khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.

Nhà thầu cam kết không để các cơ sở y tế thiếu những mặt hàng trúng thầu và sẽ làm việc với các cơ sở y tế đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết.

Trung tâm đề nghị các cơ sở y tế chủ động lập kế hoạch sử dụng và phối hợp với các cơ sở y tế điều tiết các thuốc biệt dược gốc đàm phán giá theo Quyết định số 2797/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2020 của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị và đáp ứng theo quy định về tỷ lệ thực hiện tối thiểu đạt 80% số lượng thuốc được phân bổ.

Trường hợp nhà thầu không đủ thuốc cung ứng làm ảnh hưởng đến công tác điều trị, các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên; Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ của gói thầu, Trung tâm sẽ xử lý theo quy định tại Điều 117, xử lý tình huống trong đấu thầu của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm đối với học sinh

Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La vừa tiếp nhận 40 em học sinh Trường tiểu học Mộc Lỵ, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu nghi ngộ độc thức ăn sau bữa cơm tối tại một khách sạn trên địa bàn.

40 bệnh nhân là các em học sinh của Trường tiểu học Mộc Lỵ với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và nôn. Qua chẩn đoán, các em bị nhiễm trùng nhiễm độc do ăn uống. Các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, giảm co.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của 40 học sinh ổn định, 37 em sau khi điều trị sức khỏe ổn định, đã cho về nhà theo dõi ngay trong đêm 7/12. Còn 3 em ở lại bệnh viện tiếp tục theo dõi. Đến chiều 8/12, sức khỏe các em đã ổn định và xuất viện.

Được biết buổi ngoại khóa ngày 7/12 có 164 học sinh của 5 lớp khối 4 cùng 40 thầy cô và phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Đồn Mộc Lỵ, Khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến. Sau đó, cả đoàn về ăn cơm tại khách sạn Mường Thanh Mộc Châu.

Sau khoảng 30 phút ăn, bắt đầu có 1, 2 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã liên lạc Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu để bố trí cán bộ, tiến hành sàng lọc và đưa các em vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Trung tâm Y tế huyện đã lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm.

Giám đốc khách sạn Mường Thanh Mộc Châu, cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, khách sạn đã phối hợp nhà trường đưa các cháu vào bệnh viện, điều động nhân viên, cán bộ đến hỗ trợ, thăm hỏi các cháu. Khách sạn sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí điều trị tất cả các em học sinh. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị lực lượng chức năng lấy mẫu thực phẩm tại khu vực ăn uống và cả mẫu lưu thực phẩm để xét nghiệm, xác định nguyên nhân. Hiện, khách sạn đang chờ kết quả từ các lực lượng chức năng.

Hiện, sức khỏe của 40 học sinh đã ổn định và xuất viện. Nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ.

Tin liên quan
Tin khác