Gánh nặng bệnh đột quỵ
Cứ 3 giây có 1 người bệnh đột quỵ trên thế giới. Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bệnh và con số đáng báo động này đang ngày càng leo thang.
Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 12.2 triệu ca đột quỵ mỗi năm. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Hậu quả của đột quỵ não không chỉ ảnh hưởng ở mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng tới những vấn đề mang tính xã hội như gánh nặng y tế và lực lượng lao động, chi phí liên quan tới người bệnh đột quỵ chiếm khoảng 1.12% GDP toàn thế giới. Do đó, việc nâng cao chất lượng chuyên môn là rất cần thiết để phát triển chuyên ngành đột quỵ nhằm đáp ứng nhu cầu cao cho toàn xã hội.
Mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng. Chính vì vậy, Bộ Y tế đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu, cập nhật và triển khai các chiến lược phòng ngừa, cấp cứu và điều trị đột quỵ một cách toàn diện.
Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và độ phức tạp của các ca bệnh, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những bước tiến vượt bậc về cả công nghệ và mô hình tổ chức.
Theo chuyên gia, đột quỵ là một căn bệnh phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chuyên ngành từ y học thần kinh, cấp cứu, phục hồi chức năng cho đến tâm lý học, nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Tiếp cận đa chuyên khoa không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa các chuyên ngành mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp, cho phép chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về đột quỵ.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang mở ra những chân trời mới trong y học hiện đại. Trong lĩnh vực đột quỵ, AI giúp chúng ta phân tích nhanh chóng và chính xác dữ liệu hình ảnh, dự đoán diễn biến bệnh, tối ưu hóa kế hoạch điều trị và thậm chí cá nhân hóa phương pháp phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân.
"Với các quốc gia đang phát triển, AI cũng tạo điều kiện giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách trong công tác chẩn đoán và điều trị so với các nước tiên tiến", ông Trần Văn Thuấn nói.
Còn theo GS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ so với các nước trong khu vực.
Chủ tịch Hội đột quỵ thế giới khi đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai đã đánh giá cao, ấn tượng với hệ thống cấp cứu đột quỵ của Việt Nam
Nghiên cứu mới nhất cho thấy có khoảng 60% bệnh nhân sau đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường. Trong số 40% còn lại, có khoảng 10% bệnh nhân tử vong, 30% là bị các di chứng tàn phế, gây ra những gánh nặng cho gia đình và xã hội.
"Để giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ gây ra, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người bệnh đột quỵ phải được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị kịp thời trong giờ vàng, tức là sau 3-4 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.
Việt Nam có khoảng gần 7 triệu người mắc đái tháo đường
Việt Nam có khoảng gần 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống...
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe chung của cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.
Số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới năm 2021 cho hay, số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người.
Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045. Thống kê cho thấy trên 70% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động.
Để giảm tỷ lệ người dân mắc bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cần hướng đến một môi trường hỗ trợ toàn diện cho người bệnh, điều này không chỉ giúp việc quản lý, kiểm soát bệnh tật tốt hơn mà còn hỗ trợ cho người bệnh có một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và cân bằng hơn.
Thông tin mới nhất vụ trẻ nghi ngộ độc thuốc diệt chuột ở Lai Châu
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, 20 trẻ nghi ngộ độc thuốc diệt chuột ở huyện Tam Đường đã xuất viện.
Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, nhóm trẻ nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ra viện trong điều kiện sức khỏe bình thường.
Trước khi xuất viện, các cháu đều ăn uống tốt, biểu hiện lâm sàng cải thiện, không nôn, không co giật, không có rối loạn chảy máu lâm sàng. Các mẫu xét nghiệm đông máu PT, INR giờ thứ 48 và giờ thứ 72 của các cháu bình thường.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận 20 trẻ của Trường Mầm non Giang Ma, huyện Tam Đường nghi ăn thuốc diệt chuột. Qua thăm khám ban đầu, có 2/20 trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn nghi là đã ăn thuốc diệt chuột.
Sau khi tiếp nhận các cháu, tập thể y, bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiến hành lấy máu, dịch tiêu hóa gửi về Trung ương xét nghiệm độc chất; đồng thời thực hiện các bước cấp cứu lâm sàng cần thiết, truyền dịch, xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc. Kết quả xét nghiệm 6/20 trẻ có hàm lượng Warfarin (thuốc diệt chuột) trong máu, hàm lượng thấp.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn bác sỹ là các chuyên gia đầu ngành đến từ Trung tâm Chống độc, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Trung tâm Nhi khoa, Viện Sức khỏe tâm thần, Khoa Dược đến Lai Châu trực tiếp thăm khám, điều trị cho các cháu.