Thay đốt sống cổ nhân tạo cho bệnh nhân đau vai gáy mạn tính
Ông Lê Văn Hà (45 tuổi, Hưng Yên) đau vùng cổ vai gáy gần 10 năm nay. Khoảng 5 tháng gần đây, tình trạng đau cổ, cứng cổ của ông tăng nặng kèm yếu tay trái lan sang tay phải, làm việc khó khăn.
TS.BS Nguyễn Đức Anh (bên trái) cùng ê kíp phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo cho người bệnh. |
Hơn 1 tháng nay, ông đau nhiều hơn ở vùng cột sống cổ, tê bì, yếu tứ chi, đi lại không vững, không thể tự mặc quần áo, phải nghỉ việc. Ông đã điều trị tại một bệnh viện lớn nhưng tình trạng không cải thiện. Giữa tháng 1/2024, ông đến Bệnh viện Tâm Anh thăm khám.
TS.Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh chia sẻ, qua thăm khám lâm sàng cho thấy, người bệnh tê bì, teo và yếu sức cơ tứ chi, nhất là ở bên trái, đây là biểu hiện của hội chứng chèn ép tủy cổ giai đoạn muộn.
Các triệu chứng này nặng lên khi cúi ngửa cột sống cổ. Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh thoái hóa nặng hai đốt sống C4-C5, thân đốt sống bị biến dạng chèn ép nhiều vào tủy sống kèm theo phì đại các cấu trúc dây chằng, diện khớp gây nên hẹp ống sống tương đối nặng, ảnh hưởng nhiều đến các chức năng thần kinh của tủy sống. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo, giải phóng chèn ép tủy sống cổ.
Với tổn thương nặng ở thân đốt sống gây biến dạng cột sống của ông Hà, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt thân đốt sống và thay bằng hai đốt sống nhân tạo.
Việc thay thế hai đốt sống C4, C5 bằng vật liệu nhân tạo giúp phục hồi lại giải phẫu của hệ thống cột sống cổ, giảm nguy cơ biến dạng tiến triển, giảm chèn ép ống sống, cải thiện chức năng vận động và hệ thống thần kinh của người bệnh.
Để tiến hành phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo, ê kíp phẫu thuật sử dụng kính vi phẫu hỗ trợ loại bỏ toàn bộ đốt sống hư hỏng, giải áp cho tủy và rễ thần kinh tại chỗ và thay bằng đốt sống nhân tạo, bảo tồn biên độ vận động của đĩa đệm.
Đây là phẫu thuật lớn, có kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại cũng như kinh nghiệm và sự tỉ mỉ của phẫu thuật viên. Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng đốt sống chèn ép vào tủy sống, phục hồi giải phẫu tự nhiên, tránh tổn thương thần kinh cho người bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài 3-4 tiếng. Ngay khi tỉnh lại sau phẫu thuật, người bệnh cải thiện hầu hết các triệu chứng đau nhức vùng cột sống cổ trước đó, tay đã phục hồi được các vận động tinh tế, có thể tự cầm bát ăn cơm, tự mặc được quần áo… Ngày thứ hai sau mổ, người bệnh đã vận động tốt hơn và xuất viện sau 5 ngày.
Hệ thống cấu trúc xương cột sống cố định bên trong chưa liền ngay sau phẫu thuật, người bệnh cần đeo nẹp cổ từ 2-3 tháng. Do bị hẹp ống sống và thoát vị đĩa đệm trong một thời gian dài nên sức cơ hậu phẫu còn yếu. Ông Hà tiếp tục tập phục hồi chức năng theo chỉ dẫn của bác sĩ để hồi phục dần cảm giác, sức cơ, vận động. Cấu trúc cổ và cột sống sẽ liền tương đối vững sau 18-24 tháng.
Sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu canxi như hải sản, uống các thuốc bổ sung canxi, vitamin D giúp quá trình liền xương diễn ra nhanh hơn. Để tránh tiến triển tổn thương, giảm thoái hóa nặng ở cột sống cổ và các khớp khác, người bệnh cần có sự thay đổi trong sinh hoạt, lao động, tránh vận động mạnh.
Thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống cổ là bệnh lý thường gây đau nhức khu vực vai, cổ, lan ra tứ chi, ảnh hưởng đến vận động và chất lượng sống của người bệnh. Biến chứng nguy hiểm hơn là yếu cơ, bại liệt.
Phẫu thuật thay đốt sống cổ nhân tạo là kỹ thuật khó, nhất là thay hai đốt sống liên tiếp. Trước đây bác sĩ phải sử dụng đốt sống nhân tạo và bộ nẹp vít tách rời để cố định, đòi hỏi việc đo đạc và lắp đặt tỉ mỉ, khó khăn.
Hiện nay, đốt sống nhân tạo thế hệ mới giúp điều chỉnh kích thước phù hợp nhất với đốt sống cần thay thế. Đây là giải pháp vượt trội giúp nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện vận động và hệ thần kinh cảm giác cho người bệnh.
Nỗi lo thiếu máu trong cấp cứu và điều trị dịp Tết
Để bảo đảm nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị dịp Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương rất mong người dân đến tham gia hiến máu từ nay đến hết Tết Nguyên đán; đặc biệt là những người có nhóm máu O và nhóm máu A.
Mỗi tháng Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cần tiếp nhận được khoảng 40.000- 42.000 đơn vị máu và 5.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách.
Như vậy, riêng 2 tháng đầu năm 2024, Viện đã cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 180 cơ sở y tế tại 31 tỉnh/thành phố; trong đó nhóm O cần khoảng 40.000 đơn vị.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị, lên kế hoạch tiếp nhận máu từ trước nhưng kết quả hiện tại đều đạt thấp hơn so với nhu cầu.
TS.Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, càng đến gần Tết, nhu cầu sử dụng máu luôn cao hơn vì người bệnh nhập viện điều trị và được truyền máu để có đủ sức khỏe về ăn Tết với gia đình, nhu cầu ngay sau Tết cũng vậy. Để đáp ứng nhu cầu này trước Tết và dự trữ trong Tết thì hiện Viện vẫn còn thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu.
Nguyên nhân của tình hình trên là những ngày gần đây thời tiết khắc nghiệt, rét đậm xảy ra ở nhiều nơi khiến nhiều điểm hiến máu không đạt được kết quả như dự kiến.
Trong khi đó Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vẫn đang phải tiếp tục “chi viện” 1.000 đơn vị máu mỗi tuần cho Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số khu vực khác (như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) cũng không đạt kết quả tiếp nhận máu theo kế hoạch và xin hỗ trợ từ Trung tâm Máu quốc gia.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã và đang nỗ lực tích cực để có thêm các lịch hiến máu trước Tết. Đồng thời chuyển vật tư để tiếp nhận máu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và khu vực Tây Nam Bộ; sau đó chuyển máu ra Hà Nội để thực hiện xét nghiệm sàng lọc, điều chế máu và cung cấp ngược trở lại chế phẩm máu cho Tây Nam Bộ. Dự kiến từ 30/1 đến 5/2, Viện sẽ phối hợp tiếp nhận hơn 2.200 đơn vị máu tại TP.Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp.
Thực trạng thiếu máu do số người hiến máu giảm những ngày gần đây cũng xảy ra tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM- nơi đang cung cấp chế phẩm máu cho hơn 150 bệnh viện tại TP.HCM và hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nam Bộ.