Gánh họa vì tự ý làm bác sỹ và không tuân thủ điều trị
Năm năm trước, ông P.V.H (65 tuổi, Hà Nội) đi khám phát hiện mắc đái tháo đường type II và được bác sỹ tư vấn, kê đơn điều trị.
Thời gian đầu, ông tuân thủ uống thuốc và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sỹ. Do thấy sức khỏe ổn định nên 2 năm gần đây, ông tự ý điều trị bằng insulin 8UI/ ngày mà không tái khám.
Tự ý uống thuốc, bỏ thuốc hoặc không đi khám thường xuyên... nhiều người mắc bệnh nền mãn tính gặp những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. |
Khoảng 2 tháng nay, ông H. thấy xuất hiện đau nhức, tê bì cẳng chân hai bên, đau tăng khi đi lại, đỡ đau khi nghỉ ngơi. Đặc biệt, trước 1 tuần vào viện khám, bệnh nhân đau nhức cẳng chân liên tục cả khi nghỉ ngơi, sưng nóng tấy đỏ, chảy dịch mủ vàng, kèm theo sốt nhẹ, người mệt mỏi, háo khát nước, gầy sụt 5kg/ 2 tháng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, sau quá trình thăm khám, kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói (Glucose) và xét nghiệm đánh giá đường huyết trung bình trong 3 tháng (HbA1c) tăng cao nhiều lần; Siêu âm mạch chi dưới có xơ vữa vôi hóa động mạch chầy trước gây hẹp 75-90% và siêu âm tim hở nhẹ van hai lá.
TS.Ngô Chí Cương, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm và Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế Medlatec; Trưởng khoa Nội tổng hợp kiêm Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho hay, bệnh nhân được chẩn đoán loét cẳng chân do biến chứng đái tháo đường type II, xơ vữa, hẹp động mạch cày trước 2 bên (75-90%).
Chúng tôi đã đưa vào phác đồ điều trị mới, đến nay đường huyết của bệnh nhân ổn định trở lại, vết thương cẳng chân đã khô, nhưng thỉnh thoảng còn đau nhức và đau tăng khi đi lại.
Mắc bệnh viêm gan B mạn cách đây 5 năm, nam bệnh nhân (62 tuổi, Hà Nam) luôn tuân thủ uống thuốc kháng virus Tenofovir 300mg theo đơn của bác sỹ.
Cách đây 3 tháng, bệnh nhân này đi kiểm tra sức khỏe, kết quả men gan ổn định, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Tưởng tình trạng viêm gan B được kiểm soát nên bệnh nhân này tự ý dùng thuốc “cách nhật” cách ngày uống 1 viên.
Do có biểu hiện chán ăn, kèm mệt mỏi, nước tiểu sậm màu tăng dần, lượng nước tiểu ít, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Medlatec khám, bất ngờ với chẩn đoán đợt bùng phát viêm gan B mạn phải nhập viện điều trị nội trú nhằm tránh bệnh tiến triển nặng.
Bác sỹ Cương cho biết, đây là hai trong số những ca bệnh đến khám tại Hệ thống Y tế Medlatec có biến chứng do tự ý điều trị, hoặc điều chỉnh thuốc.
"Người bệnh cần lưu ý, bệnh mạn tính chỉ “hiền” khi bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị, nhưng lại “dữ” gây biến chứng nghiêm trọng như tàn tật, tử vong nếu bệnh không được quản lý và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sỹ", bác sỹ Cương nói.
TS.Ngô Chí Cương cho hay, bệnh mạn tính rất đa dạng như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, viêm gan virus, bệnh tự miễn... có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, giới tính và hiện là nguyên nhân gây tử vong, tàn tật hàng đầu hiện nay nên cần theo dõi, quản lý và điều trị liên tục.
Thống kê từ Hoa Kỳ cho thấy, người từ 65 tuổi trở lên, có 75% bị ít nhất một bệnh mạn tính và 50% bị ít nhất 2 bệnh mạn tính.
Bệnh mạn tính cần thời gian điều trị kéo dài, không chỉ 1 năm, 2 năm mà cần nhiều trường hợp cần chăm sóc liên tục cả đời. Do bệnh tiến triển thầm lặng, kéo dài, dễ tái phát, gây đau đớn, nhưng không thể ngừa bằng vắc-xin nên gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý hoang mang, lo lắng, làm suy giảm chất lượng sống cũng như gây tốn kém chi phí, thời gian của người bệnh.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu người bệnh có chuẩn đoán mắc bệnh mạn tính cần xác định chung sống “hòa bình” với bệnh suốt đời. Để tránh những biến chứng khôn lường do bệnh gây nên, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối 3 nguyên tắc.
Trước hết, cần phải định kỳ kiểm tra sức khỏe, tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sỹ; Cần đến ngay cơ sở y tế ngay nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Bên cạnh đó, tuân thủ uống thuốc theo đơn (chú ý về giờ giấc uống đều đặn, hàng ngày và vào một giờ nhất định nếu có), tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc. Trong quá trình điều trị, nếu thuốc có tác dụng phụ cần trao đổi với bác sỹ để điều chỉnh thuốc phù hợp.
Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hoặc lựa chọn thực phẩm theo lời khuyên của bác sỹ điều trị.
Can thiệp cứu bệnh nhân đột quỵ nặng
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.C (60 tuổi, có địa chỉ tại huyện Phù Ninh) trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng rất chậm, kích thích nhiều đồng thời liệt hoàn toàn nửa người bên trái.
Theo lời kể từ gia đình, khoảng 5h sáng khi ngủ dậy dậy thì phát hiện người bệnh không cử động được nửa người bên trái, miệng nói không rõ tiếng. Người nhà đã nhanh chóng chuyển người bệnh tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Sau khi vào viện, người bệnh được thăm khám ban đầu và chỉ định chụp CT có dựng mạch máu não cấp cứu. Kết quả cho thấy động mạch não giữa bên phải bị tắc.
Các bác sỹ Trung tâm Đột quỵ đã chẩn đoán đây là một trường hợp đột quỵ nhồi máu não không rõ thời điểm tuy nhiên vẫn có thể cứu được vùng não tổn thương nếu được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Được sự đồng ý từ gia đình, ngay lập tức, người bệnh đã được chỉ định can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông) ra khỏi mạch não dựa trên hệ thống chụp DSA số hóa xóa nền.
Sau khoảng 40 phút can thiệp, cho dù có những khó khăn do mạch máu của người bệnh bất thường, đoạn tắc dài có nguy cơ đứt từng đoạn gây nhồi máu những chỗ khác nhưng với kinh nghiệm và sự kiên trì, nỗ lực, các bác sỹ kíp can thiệp đã lấy thành công cục máu đông dài gần 10 cm ra khỏi mạch máu, giúp tái thông lại mạch máu não cho người bệnh.
Sau can thiệp, người bệnh được tái thông mạch não hoàn toàn, nhận thức tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng cơ lực từ liệt đã cải thiện nhiều. Sang ngày thứ 2 sau can thiệp, người bệnh đã nói rõ, cử động tay chân tốt, đi lại được.
Người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi điều trị nội khoa, phục hồi chức năng vận động và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới mà không để lại di chứng gì.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Anh Minh, Trung tâm Đột quỵ cho biết, đây là cục máu đông có độ dài nhất và là điều chưa từng thấy với các bác sỹ can thiệp của Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ.
Trường hợp đột quỵ không rõ thời điểm thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm do đó không thể xác định được giờ vàng đột quỵ.
Tuy nhiên, dù trong giờ vàng hay quá giờ vàng thì việc cần thiết vẫn là đưa người bệnh tới cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Khi người bệnh nhập viện, qua đánh giá lâm sàng và hình ảnh trên phim chụp, các bácsỹ sẽ có những quyết định phù hợp trong lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất để đem lại kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Trường hợp người bệnh này có lẽ đột qụy mới xảy ra trong những giờ đầu, được phát hiện và đưa vào Bệnh viện sớm nên đã can thiệp lấy huyết khối thành công, giúp cho người bệnh được phục hồi nhanh chóng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn, tỷ lệ ở người trẻ tuổi đột quỵ đang tăng ở mức 2% mỗi năm.
Gần đây có nhiều người trẻ bị đột quỵ mà phần lớn đều không biết mình có bệnh nền hoặc dấu hiệu cảnh báo từ trước. Theo các bácsỹ, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng tăng hơn trong thời gian gần đây.
Đối tượng người trẻ là lực lượng lao động chính của gia đình, xã hội, nhưng theo thống kê có tới 70% bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng sức lao động.
Một số yếu tố có thể dẫn đến người trẻ bị đột quỵ như: Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử; thừa cân béo phì, lười vận động; chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khoẻ; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc… Tất cả những điều trên là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ.,
Với đột quỵ quan trọng nhất là nhận biết được những dấu hiệu sớm. Dấu hiệu đầu tiên là chữ F (khuôn mặt) nhìn vào bộ mặt của người bệnh, nếu góc miệng (khoé miệng) của bệnh nhân khi nói, cười bị lệch, méo miệng hoặc chảy nước khi uống nước thì nghĩ ngay đến đột quỵ.
Thứ hai là chữ A (tay chân bên phải hoặc trái) bị yếu liệt hoặc tê bì. Thứ ba là chữ S (ngôn ngữ, lời nói), nói khó hơn so với bình thường, phát ngôn khó, hoặc không phát ngôn được.
Đây là 3 dấu hiệu điển hình và rất thường gặp, khi có các dấu hiệu này cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ.
Thời gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị đột quỵ. Người bệnh, người nhà bệnh nhân phải xác định được đúng thời gian bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đột quỵ, khi xác định đúng thì mới biết bệnh nhân còn trong “giờ vàng” hay không, bác sỹ mới có chiến lược tối cấp cứu, đưa ra đúng phác đồ tối ưu cho người bệnh nhằm đạt khả năng hồi phục cao nhất.
Vì vậy, nếu có 3 dấu hiệu trên thì đừng chần chừ, đừng cố theo dõi, đừng cố làm một số biện pháp dân gian như bôi vôi vào lòng bàn tay, bàn chân, chích dái tai, chích máu đầu ngón tay, chân, hoặc nằm bất động theo dõi tại nhà…,
Đây đều là những hành động không đúng, có thể gây hại cho bệnh nhân, cản trở, gây bất lợi cho quá trình điều trị của bácsỹ, mà hãy gọi xe cứu thương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị được đột quỵ trong thời gian sớm nhất, thì khả năng hồi phục sẽ cao nhất có thể.
Đối với đột quỵ, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, …
Để phòng đột quỵ, người dân phải biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ và khi đã nghi ngờ mình đột quỵ phải khẩn trương, nhanh chóng, không chần chừ mất thời gian mà hãy vào viện ngay.
Bên cạnh đó, người dân hãy lắng nghe cơ thể mình, kiểm soát các bệnh nền. Đối với người trẻ nên cân bằng cuộc sống, tăng cường vận động, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh xa chất kích thích, thuốc lá điện tử, phải khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý mình mắc phải để có kế hoạch điều trị kiểm soát tối ưu.
Khi đã có bệnh nền phải khám định kỳ để bác sỹ có thể chỉnh liều thuốc nhằm đạt mục tiêu điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân đã từng mắc đột quỵ rồi.
Biến chứng nguy hiểm của béo phì
Anh Chấn, 42 tuổi, nhồi máu cơ tim cấp trên nền cơ tim giãn mạn tính, biến chứng sốc tim, suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao. Trước nhập viện ba ngày, anh Chấn (ở Đồng Nai) có cảm giác mệt, nặng ngực, đau vùng thượng vị, buồn nôn sau ăn.
Đi khám tại cơ sở y tế địa phương, anh được chẩn đoán trào ngược dạ dày, cho uống thuốc điều trị. Bệnh không thuyên giảm, mệt kèm khó thở tăng dần, ăn gì cũng nôn ra, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp: mệt vã mồ hôi, ngồi thở co kéo, mạch nhanh, tiểu ít, huyết áp kẹp (tình trạng khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 20 mmHg) với các chỉ số mạch 120-130 lần/phút, huyết áp 100-110/70-80 mmHg.
Kết quả X-quang lồng ngực cho thấy phù phổi cấp, siêu âm tim tại giường xác định các buồng tim giãn lớn, co bóp tim trái giảm nhiều (EF = 10-15%). Điện tâm đồ có dấu nhồi máu cơ tim cấp vùng trước mỏm – bên kèm men tim tăng cao, suy chức năng thận và tăng cao men gan. Bác sỹ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp biến chứng tổn thương đa cơ quan, bệnh cơ tim giãn, béo phì độ 3 (110 kg, BMI = 40,75).
Anh Chấn được điều trị hồi sức tích cực chống phù phổi cấp, sau đó chuyển đến phòng DSA để chụp mạch vành và can thiệp tái tưới máu cấp cứu.
Kết quả cho thấy động mạch liên thất trước tắc hoàn toàn với nhiều huyết khối. Ê kíp can thiệp mạch tiến hành nong mạch đặt stent tại đoạn mạch vành tắc nghẽn.
Theo các bác sỹ tình trạng lâm sàng của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao do chức năng tim suy giảm nặng, các buồng tim giãn lớn, kèm suy đa cơ quan, cần gấp rút nong mạch đặt stent tại đoạn mạch vành tắc nghẽn.
ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân bị suy tim nặng do biến chứng cơ tim giãn và nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ rối loạn nhịp tim, ngừng tim trong lúc can thiệp nong mạch rất cao.
Bác sỹ quyết định chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), đặt bóng đối xung trước và trong suốt thủ thuật để duy trì huyết áp, lọc máu, giảm nguy cơ ngừng tim trên bàn thủ thuật.
Theo các bác sỹ béo phì là yếu tố nguy cơ chính của suy tim và đột tử do có liên quan đến bệnh động mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.
Bệnh cơ tim giãn ở bệnh nhân Chấn là hệ quả của tình trạng béo phì lâu dài không được điều trị. Anh Chấn có lối sống ít vận động nên các triệu chứng của suy tim không biểu hiện rõ.
Vài năm gần đây, thỉnh thoảng anh thấy mệt, hụt hơi khi làm việc nặng, nhưng nghĩ do mình mập nên chủ quan không đi khám.
Nếu cơn nhồi máu cơ tim cấp không bộc phát, bệnh nhân chưa đến viện, bệnh cơ tim giãn không được phát hiện sẽ tiếp tục tiến triển, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp và đột tử, bác sỹ Huy khẳng định.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa, người thừa cân, béo phì nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn chế độ trị liệu thích hợp, cố gắng đưa cân nặng về giới hạn bình thường.
Bệnh nhân phải được đánh giá chức năng tim mạch, kiểm tra huyết áp, đường huyết, mỡ máu định kỳ. Khi phát hiện các bất thường như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng tim…, cần điều trị ngay kể cả khi không có triệu chứng.