Chú ý các dấu hiệu sớm của ung thư dạ dày
Cách đây 6 tháng, bà H. (Vĩnh Phúc) đau âm ỉ vùng mạn sườn trái và thượng vị, có lúc đau quanh rốn, đau cả khi đói và sau khi ăn.
Bà thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, gầy sụt khoảng 3 kg nên đã lần lượt đi khám, nội doi dạ dày tại 3 bệnh viện gần nhà và 1 bệnh viện lớn tại Hà Nội.
Các chuyên gia y tế cho rằng người dân cần chú ý đến các dấu hiệu của ung thư dạ dày giai đoạn sớm để được can thiệp kịp thời. |
Các bệnh viện đều chẩn đoán bà bị viêm dạ dày, sẹo loét hành tá tràng. Sau nhiều đợt điều trị các loại thuốc viêm loét dạ dày nhưng không cải thiện triệu chứng.
TS.Vũ Trường Khanh, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, trên hình ảnh nội soi dạ dày thấy tổn thương loét sùi tại tâm vị (kích thước 5 cm) kèm viêm teo niêm mạc dạ dày. Tổn thương thâm nhiễm lan xuống phần thân vị, bề mặt mủn, chạm vào dễ chảy máu.
Trên hình ảnh phóng đại bằng ánh sáng dải tần hẹp trong quá trình nội soi thấy mạch máu giãn, vài vị trí vô mạch. Kết quả sinh thiết phát hiện bà Hà mắc ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa (bệnh lý ác tính).
Tương tự trường hợp của bà H., chị L. (32 tuổi, Hà Nội) đau dạ dày theo từng đợt gần 1 năm nay. Mỗi đợt chị thường bị quặn bụng, chướng bụng, ợ chua, chán ăn, mệt mỏi.
Chị nghĩ do đau dạ dày thông thường nên tự mua thuốc về uống. Dù đã đến các phòng khám nội soi nhưng bác sĩ chỉ chẩn đoán mắc viêm loét kèm H.P dạ dày. Tình trạng đau tăng dần, uống thuốc không cải thiện, sụt 5 kg. Khi đến bệnh viện, kết quả nội soi dạ dày tại Khoa Tiêu hóa cho thấy, chị bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn.
Theo TS.Khanh, giai đoạn sớm, ung thư dạ dày không có triệu chứng. Người bệnh thường phát hiện tình cờ do nội soi sàng lọc ở độ tuổi trên 40 hoặc nội soi dạ dày vì các lý do khác.
Khi ung thư dạ dày có triệu chứng, bệnh thường đã ở giai đoạn tiến triển không còn sớm. Nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng giúp tầm soát ung thư dạ dày giai đoạn sớm, phát hiện loét dạ dày tá tràng.
Tại Việt Nam chỉ dưới 5% ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Nếu người bệnh nội soi dạ dày trong vòng 2 - 3 năm nhưng thời điểm soi hiện tại bị ung thư dạ dày tiến triển, tình trạng này được coi là bỏ sót bệnh.
Theo thống kê tỷ lệ ung thư dạ dày tiến triển bị bỏ sót trên nội soi từ 5 -10 % số trường hợp.
Theo TS.Khanh, những nguyên nhân bỏ sót ung thư dạ dày trên nội soi thường do thời gian nội soi dạ dày quá ngắn (đây là lý do hay gặp nước nước ta, vì số lượng bệnh nhân quá đông bác sĩ soi rất nhanh hoặc bệnh nhân nội soi không gây mê nên nôn ọe nhiều, bác sĩ không thể kéo dài thời gian nội soi);
Chuẩn bị trước nội soi không tốt (còn thức ăn trong dạ dày, không dùng dung dịch tan bọt và nhầy); bác sĩ không được đào tạo chuẩn mực; chất lượng của máy nội soi dạ dày…
Để tránh tối đa khả năng bỏ sót chẩn đoán ung thư dạ dày trên nội soi, tất cả nội soi được thực hiện theo quy trình: Người bệnh nhịn ăn trước đó 6 -8 giờ hoặc nhịn ăn qua đêm, được uống thuốc tan bọt và nhầy trước khi nội soi 15 - 20 phút, bác sĩ nội soi tiến hành quan sát, chụp ảnh và ghi hình lại tất cả các vị trí theo quy định, các bác sĩ nội soi được chuẩn hóa về nội soi phát hiện tầm soát ung thư sớm.
Ung thư dạ dày là bệnh phổ biến, có nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ tử vong cao.
Dự phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, giữ cân nặng phù hợp, tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư đường tiêu hóa bằng nội soi, nhất là ở những người có nguy cơ cao như béo phì, tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc anh em ruột mắc ung thư dạ dày, trên 40 tuổi dù không có triệu chứng dạ dày, nhiễm khuẩn H.P dạ dày, thường xuyên hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… Phát hiện sớm giúp điều trị khỏi, nâng cao chất lượng sống, giảm chi phí điều trị.
Phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện và tái xuất hiện của nhiều bệnh dịch, từ dịch Covid-19 cho đến các bệnh do virus Zika, Ebola, và nhiều loại virus khác.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát của những bệnh dịch này cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và kháng thuốc không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội.
Việc giám sát nhiễm khuẩn và phản ứng kịp thời trước các dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế và mỗi cá nhân.
PGS-TS.Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam thông tin, số liệu biến chứng phẫu thuật hàng năm trên toàn cầu như biến chứng gây thương tật từ 3-16%; tử vong liên quan đến phẫu thuật: 0,4-0,8%. Có tối thiểu 7 triệu biến chứng - 1 triệu tử vong trên toàn cầu hằng năm.
Những nhiễm khuẩn liên quan đến phẫu thuật thường gặp như: nhiễm khuẩn vết mổ; viêm phổi hậu phẫu; nhiễm khuẩn niệu liên quan đến thông tiểu; nhiễm khuẩn huyết liên quan đến đường truyền truyền máu....
Tác động nhiễm khuẩn vết mổ sẽ làm tăng gấp 2-3 thời gian nằm viện; kéo dài thời gian nằm viện 7-10 ngày; tăng gấp 5 khả năng bệnh nhân nhập viện lại và tăng 2 lần nguy cơ tử vong. Tại Mỹ có 20.000 tử vong/năm. Do vậy việc kiểm soát tốt công tác nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế sẽ giảm bớt gánh nặng cho chính bệnh nhân và cả các cơ sở y tế.