Xem xét đề xuất nâng thời gian kê đơn cho bệnh nhân mạn tính
Căn cứ vào phác đồ điều trị, bác sỹ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân và quyết định thời gian kê đơn, cấp thuốc phù hợp cho người bệnh.
Bộ Y tế đang xem xét đề xuất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, điều chỉnh việc cấp thuốc cho người bệnh mạn tính, như người tiểu đường, huyết áp cao… đã điều trị ổn định, từ 30 ngày lên 90 ngày. |
Việc kéo giãn thời gian cấp thuốc sẽ giảm tải cho bệnh viện, bởi mỗi buổi khám sẽ giảm được một nửa, thậm chí hai phần ba số người đợi khám.
Mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính đã ổn định… lên từ 2-3 tháng, thay vì 1 tháng như hiện nay.
Bệnh mạn tính bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường viêm khớp, hen suyễn... là bệnh tiến triển kéo dài, thời gian bị bệnh từ 3 tháng trở lên và không chữa khỏi. Do đó, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sỹ.
Thông tư số 52/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cơ sở y tế chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Số lượng thuốc được kê đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, người bệnh cần tái khám hàng tháng để nhận thuốc kê đơn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các bệnh viện đa khoa đều có rất đông bệnh nhân bị bệnh mạn tính đến khám và lĩnh thuốc theo định kỳ. Việc tái khám và lĩnh thuốc với người bệnh ở các thành phố lớn còn đỡ cơ cực nhưng với các bệnh nhân ở tỉnh lẻ, điều này không dễ dàng.
Trước thực tế nêu trên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét thay đổi quy định về kê đơn thuốc đối với bệnh mạn tính.
Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định sức khỏe, bệnh nhân HIV đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên, sức khỏe ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với trường hợp bệnh nhân điều trị mạn tính tại tuyến y tế cơ sở, thì cơ sở y tế cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, đề xuất nêu trên dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có sự tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng kê đơn thuốc thời gian 60 ngày.
"Việc này không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh mà sẽ góp phần giảm quá tải ở bệnh viện, giảm chi phí cho cả bệnh nhân và Quỹ bảo hiểm y tế", ông Hòa nói.
Phân tích thêm về điều này theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ở nước ta, thời gian trước, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày đã được kê đơn với số lượng thuốc sử dụng tối thiểu 2 tháng, tối đa 3 tháng.
Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, khiến người bệnh phải đi khám lại trước lịch hẹn và phải thay đổi thuốc điều trị thì cơ sở y tế hướng dẫn bệnh nhân hoàn trả thuốc đã cấp chưa sử dụng hết.
Quy định tạm thời này giúp người bệnh hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, không ảnh hưởng đến liệu trình điều trị bệnh mạn tính nên đã mang đến sự hài lòng cho nhiều bệnh nhân cũng như cơ sở y tế.
Trước đề xuất nêu trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Ngọc Thành đánh giá, mọi quy định đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cho người bệnh.
Với một số bệnh mạn tính phổ biến như đái tháo đường, huyết áp cao…, hiện có nhiều công cụ, phương tiện để bệnh nhân theo dõi tình trạng bệnh ngay tại nhà.
Do đó, việc kéo dài thời gian sử dụng thuốc với bệnh mạn tính sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải không cần thiết ở nhiều cơ sở y tế, giảm chi phí không cần thiết cho cả bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế.
Còn theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, thuốc kê đơn cho các bệnh mạn tính đang dùng tốt, sức khỏe bệnh nhân ổn định, thì họ không cần khám hằng tháng. Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khá đông, mà không ít người đi khám là vì do quy định, không phải do tình trạng bệnh tật, là sự lãng phí về nhiều mặt.
Ở góc nhìn khác, một số bác sĩ lại cho rằng, thời gian cấp thuốc cho bệnh nhân 30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày nên để bác sĩ có quyền quyết định đối với từng cá thể người bệnh, không nên đưa thành quy định. Bởi nếu đã đưa thành quy định sẽ dẫn đến tình trạng người bệnh không tuân thủ điều trị, dễ tăng nguy cơ bị biến chứng.
Theo đó, với những người bệnh có biến chứng nặng, có nhiều bệnh lý nền kèm theo thì việc tái khám 60 ngày khá là dài để bác sĩ có thể quản lý đươc bệnh hoặc phòng tránh những bệnh lý cấp tính. Ví dụ đối với những bệnh nhân đái tháo đường đường, nếu quản lý đường huyết tốt thì phòng ngừa, kéo dài thời gian bị biến chứng về sau này.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng có ít bệnh lý nền, giai đoạn bệnh nhẹ, ít có biến chứng, tuân thủ điều trị tốt, tái khám thì dung nạp thuốc tốt và không có tác dụng phụ của thuốc.
Cần quản lý thị trường thuốc online
Trong năm 2024, ước tính thị trường thuốc online Việt Nam đạt khoảng 5-8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng.
Việc bán thuốc trên các sàn thương mại điện tử đang đặt ra nhiều vấn đề với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc siết chặt quản lý các đơn thuốc online và các cơ sở bán thuốc online.
Tại Việt Nam, bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017-2018 và ngày một phát triển mạnh. Tuy nhiên, các quầy thuốc có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để lách luật, để xóa dấu vết.
Chẳng hạn, như các chuỗi nhà thuốc đang cho người dân mua thuốc chọn thuốc trên website của mình, và nếu kê đơn thì gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng.
Tại một số ứng dụng di động, khi khách chọn thuốc, ứng dụng sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn điện thoại, sau đó có nhiều hình thức giao hàng như qua nhân viên quầy thuốc hoặc xe ôm.
Bằng cách mua thuốc online, người dân thấy tiện lợi khi mua thuốc giao hàng tại nhà, tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian. Đây cũng là thói quen khi họ đang mua tất cả các đồ thiết yếu cho cuộc sống online.
Đến nay, hệ thống mới chỉ liên thông gần 170 triệu đơn từ hơn 20 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 100 nghìn bác sỹ.
Hệ thống phần mềm dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc vận hành từ năm 2019 theo quy định tại thông tư 02/2018/TT-BYT về 100% cơ sở bán lẻ đều có máy tính đường truyền mạng và phần mềm. Vậy nên các cơ sở này đều tiếp nhận được đơn thuốc điện tử và bán thuốc, gửi báo cáo thực trạng bán đơn về đơn thuốc quốc gia.
Vì thế, đại diện Hội Tin học Y học Việt Nam cho rằng, để bán thuốc online bảo đảm chính xác, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế cần đưa vào luật và phối hợp với Bộ Công thương để kiểm tra giám sát và công nhận công bố các ứng dụng, các sàn thương mại điện tử đáp ứng được quy định quản lý.
Theo đó, sàn thương mại điện tử có chức năng bán thuốc phải bảo đảm các cơ sở bán hàng trên sàn đều đạt chuẩn GDP và có giấy phép của Sở Y tế.
Sàn thương mại điện tử phải chứng minh được việc nhận gửi đặt hàng mua thuốc của khách qua mã đơn thuốc điện tử. Sàn thương mại điện tử phải bảo đảm tạo môi trường tư vấn cho nhà thuốc với người bệnh. Sàn thương mại điện tử phải bảo đảm việc gửi đơn thuốc tới nhà thuốc gần người bệnh với khoảng cách không quá 5km.
Gia tăng các ca tử vong vì bệnh dại
Liên tiếp các ca tử vong do bệnh dại gần đây đều chưa tiêm vắc-xin phòng sau khi bị chó, mèo cắn. Giá vắc-xin và huyết thanh kháng dại vẫn còn là số tiền lớn với nhiều người nghèo, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, nên nhiều người sau khi bị súc vật cắn đã không đi tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại, hoặc có đi nhưng tiêm không đủ mũi.
Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 80 ca tử vong vì bệnh dại, tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2024, nước ta đã có 65 ca tử vong vì căn bệnh này, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Ca tử vong do bệnh dại mới đây nhất ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 14/10, nạn nhân tử vong sau 1 năm bị mèo cắn. Người tử vong là ông D.T.Đ (SN1974, trú tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú).
Cách đây 1 năm, gia đình ông Đ nuôi 2 con chó và 1 con mèo (mèo hoang tự đến nhà ở). Đầu tháng 11/2023, trong lúc 2 con chó và con mèo đùa giỡn, cắn nhau, ông Đ đưa tay ra ngăn và bị con mèo cắn vào ngón tay, gây chảy máu. Tuy nhiên, nghĩ là mèo khỏe, ông Đ chỉ rửa vết thương và không đi tiêm phòng bệnh dại.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành Y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ và phát hiện xung quanh nhà ông Đ có 19 con chó, 6 con mèo đều chưa tiêm phòng bệnh dại, chưa ghi nhận sự bất thường. Ông Đ là trường hợp tử vong vì bệnh dại thứ 3 tại tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay.
Sau đó 1 ngày vào 15/10, Đắk Lắk cũng ghi nhận trường hợp tử vong thứ 6 do bệnh dại tính từ đầu năm đến nay tại tỉnh này.
Nạn nhân tử vong là chị C.T.L (SN 1971, trú tại thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyên Cư Mgar), 2 tháng trước, chị bị chó nuôi trong nhà cắn vào cẳng chân.
Do chủ quan nghĩ chó nhà nuôi nên chị L đã không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Hai tháng sau, chị L xuất hiện triệu chứng co giật, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Do tình trạng nặng, tiên lượng tử vong nên gia đình xin cho bệnh nhân về và tử vong tại nhà.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm vì vô phương cứu chữa. Chỉ có vắc-xin mới có thể cứu bệnh nhân khỏi cái chết khi bị chó, mèo dại cắn, cào, liếm vào vết thương hở.
Đặc biệt, một số rất ít trường hợp tiêm không kịp khi bệnh nhân mới tiêm được 1-2 mũi vắc-xin đầu tiên thì đã tử vong do vết thương ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, virus tấn công vào não trước khi vắc-xin có hiệu lực. Vì vậy, người dân tuyệt đối không chủ quan.
Tuy nhiên, theo điều tra dịch tễ, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không đi tiêm vắc-xin dại do cho rằng bị chó, mèo nhà cắn và chó mèo không mắc bệnh dại, nên không cần tiêm.
Có một số trường hợp tử vong oan khi tin và tìm đến thầy lang chữa dại chứ không đi tiêm phòng. Đặc biệt là trẻ nhỏ sau khi bị chó mèo cắn, nhiều em không nói với gia đình, lỡ mất cơ hội tiêm vắc-xin, gây nên những cái chết hết sức thương tâm.