Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 21/6: Nguy hiểm tính mạng vì liên cầu khuẩn
D.Ngân - 21/06/2024 08:42
Gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên cầu khuẩn được chuyển đến.

Nguy hiểm tính mạng vì liên cầu khuẩn

Chỉ sau 3 giờ mổ lợn để bán, người đàn ông bị rơi vào tình trạng sốt, đau bụng, nôn nhiều và được đưa đi cấp cứu với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn.

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 57 tuổi (ở Yên Bái) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu khuẩn.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho hay, trước khi nhập viện, bệnh nhân vẫn thực hiện công việc giết mổ lợn thường ngày.

Nhưng chỉ sau khi mổ lợn 3 tiếng (khoảng 10 giờ sáng), bệnh nhân có xuất hiện sốt, mệt mỏi, sau đó kèm theo có đau bụng, nôn nhiều. Bệnh nhân nhập cơ sở y tế gần nhà và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi liên cầu lợn.

Từ 2 giờ sáng ngày 17/6, bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp được đặt ống nội khí quản và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch.

Khi nhập khoa, bệnh nhân có phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu… Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn, được chỉ định lọc máu liên tục và thực hiện các can thiệp thủ thuật khác.

Bác sĩ Phúc chia sẻ, gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên cầu khuẩn được chuyển đến.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử….

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Nhiễm liên cầu lợn ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.

Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi họng, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Trên người, biểu hiện thường gặp nhất là viêm màng não mủ (96%) với các biểu hiện thường gặp như: sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.

Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng.

Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.

Dấu hiệu ung thư bàng quan

Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) thống kê, năm 2022, thế giới có 614.298 ca mắc ung thư bàng quan mới và 220.596 ca tử vong. Cùng năm, tại Việt Nam, các con số này lần lượt là 1.972 và 1.004.

Ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu điều trị đơn giản, có thể khỏi hoàn toàn bằng phương pháp cắt đốt nội soi và hóa trị tại chỗ. Ngược lại, nếu phát hiện trễ, buộc phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang.

Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) thống kê, năm 2022, thế giới có 614.298 ca mắc ung thư bàng quan mới và 220.596 ca tử vong. Cùng năm, tại Việt Nam, các con số này lần lượt là 1.972 và 1.004.

Thông thường, nước tiểu tạo ra trong thận sẽ đi qua niệu quản xuống điểm chứa tại bàng quang rồi thải ra ngoài qua niệu đạo.

Do không còn bàng quang, người bệnh cần có phương pháp chuyển lưu nước tiểu khác. Bác sĩ có thể đặt ống dẫn vào 2 niệu quản rồi đưa qua 2 lỗ nhỏ ở 2 bên hông, chuyển lưu trực tiếp nước tiểu từ thận ra ngoài cơ thể.

Hoặc có thể tạo một túi chứa bằng ruột là nơi chứa nước tiểu từ thận, sau đó chuyển lưu ra ngoài cơ thể thông qua ống dẫn trên bụng.

Tuy nhiên, ở hai phương pháp này, người bệnh phải mang túi nước tiểu suốt đời, ảnh hưởng chất lượng sống.

Để vừa đạt hiệu quả điều trị ung thư vừa đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh, ê kíp mổ của thống nhất lựa chọn kỹ thuật tạo hình bàng quang trực vị.

Cụ thể, một đoạn ruột non gần ruột già (gọi là hồi tràng) được lấy để tạo hình thành hình dạng giống bàng quang tự nhiên. Niệu đạo và hai niệu quản được khâu nối vào bàng quang mới, giúp người bệnh có thể đi tiểu tự nhiên qua niệu đạo.

Để áp dụng được kỹ thuật này, người bệnh cần đáp ứng một số điều kiện như khối u chưa xâm lấn niệu quản, cổ bàng quang và niệu đạo, chưa xâm lấn ra mô xung quanh, chưa có bằng chứng của sự di căn, hệ thống tiêu hóa tốt,…

Cắt bàng quang ung thư kết hợp tạo hình bàng quang bằng ruột là một trong phẫu thuật tiết niệu lớn, phức tạp nhất.

Một ca mổ thường kéo dài trong 6-8 tiếng. Để giúp giảm lượng máu mất, hạn chế lượng thuốc mê, đỡ tiêu hao sức lực cho người bệnh, các bác sĩ nỗ lực rút ngắn tổng thời gian mổ xuống 4 tiếng.

Người bệnh là ông N.Đ.Đ. (68 tuổi, TP.HCM) bị ung thư đã xâm lấn cơ bàng quang, may mắn chưa di căn sang các cơ quan khác.

Có thể cắt bàng quang ung thư bằng hình thức nội soi và mổ mở. Tuy nhiên, người bệnh từng mổ phình động mạch và ung thư dạ dày với vết sẹo dài hơn 20 cm trên bụng, nên ê kíp quyết định mổ mở an toàn hơn.

Thạc sĩ bác sĩ Cao Vĩnh Duy, Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, tiểu máu là triệu chứng ung thư bàng quang thường gặp nhất. Nguyên nhân do khối u ung thư gây tổn thương niêm mạc bàng quang, dẫn đến rỉ máu vào trong nước tiểu.

Tiểu máu bao gồm tiểu máu vi thể (không thể thấy bằng mắt thường) và tiểu máu đại thể (có thể thấy bằng mắt thường). Ở giai đoạn sớm, lượng máu trong nước tiểu rất ít nên người bệnh dễ bỏ qua.

Ung thư bàng quang có thể phát hiện từ sớm thông qua siêu âm, xét nghiệm nước tiểu. Do đó, bác sĩ Duy khuyên người dân cần khám sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện, điều trị nhẹ nhàng, hiệu quả cao. Ngoài ra, cần đến bệnh viện khám ngay khi nhận thấy trong nước tiểu có máu.

Để phòng ngừa ung thư bàng quang, bác sĩ Cao Vĩnh Duy khuyến cáo, không hút thuốc lá (bao gồm hút chủ động và thụ động); tránh tiếp xúc hóa chất độc hại; lựa chọn thực phẩm lạnh mạnh, uống nhiều nước và đảm bảo chất lượng nguồn nước; thường xuyên tập thể thao; không tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Tin liên quan
Tin khác