Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 26/10: TP.HCM tăng các bệnh về da do mưa ngập, triều cường
D.Ngân - 26/10/2024 09:02
Một bệnh viện tại TP.HCM liên tục tiếp nhận các ca viêm da kích ứng, nhiễm nấm, nhiễm trùng; phần lớn người bệnh ở các khu vực thường xuyên mưa ngập, triều cường.

TP.HCM tăng các bệnh về da do triều cường

Thông tin từ một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM cho biết, số ca mắc các bệnh da do nước ngập, triều cường có xu hướng tăng.

Số ca bệnh da liễu như viêm da kích ứng, chàm (viêm da cơ địa), nhiễm nấm, ghẻ lở… tăng theo thường niên. Gần đây, tình trạng ngập lụt do mưa lớn và triều cường ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây diễn ra thường xuyên, thậm chí hàng ngày. Hóa chất, tạp chất, vi khuẩn, vi trùng, nấm… trong nước thải, rác thải, xác động vật phân huỷ từ các cống rãnh, kênh mương, thùng rác, nhà vệ sinh bị ngập hòa lẫn với nước mưa, nước sông tràn lên nhiều tuyến đường, nhà dân gây ô nhiễm, mất vệ sinh.

Triều cường là hiện tượng chu kỳ thủy triều dâng tự nhiên cùng tác động của gió đông bắc hoạt động mạnh khiến mực nước sông, biển dâng cao.

Ảnh minh họa

Mùa mưa ở Miền nam diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 vốn đã khiến nhiều người mắc bệnh về da. Triều cường kéo dài dai dẳng quanh năm, thường dâng cao hơn bắt đầu từ tháng 10 và đạt đỉnh vào giai đoạn này do kết hợp của mưa lớn.

TS. Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Trưởng đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, dự đoán, như mọi năm, số ca mắc bệnh da sẽ còn tiếp tục tăng lên, có thể đạt đỉnh bệnh da trong năm, do ảnh hưởng kết hợp của cả mùa mưa và triều cường.

Theo ghi nhận riêng tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, điểm chung của người mắc bệnh da trong giai đoạn này là ở các vùng trũng, ven sông, hay tiếp xúc với nguồn nước ngập như quận 7; Bình Thạnh, Nhà Bè; Cần Giờ hoặc các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Hậu Giang…

Như trường hợp anh L.P.B. (21 tuổi, sinh viên một trường Đại học ở Quận 7) đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 trong tình trạng hai chân nhiều vùng dày sừng, nứt nẻ, chảy máu, ngứa và đau nhiều, sốt 39 độ C.

Anh B. cho biết mình bị viêm da cơ địa (chàm) mạn tính từ nhỏ nhưng không điều trị liên tục. Những ngày này, khu nhà anh gần kênh Tẻ (Quận 7) buổi chiều triều cường gây ngập sâu. Anh phải ngâm chân trong nước nhiều giờ để kê đồ đạc trong nhà khi nước lên. Vùng cổ chân, bàn chân cọ xát nhiều với quai dép nên trầy xước, ngứa ngáy. Anh dùng một loại thuốc thoa theo đơn thuốc cũ, cơn ngứa giảm dần nhưng ba ngày nay, nhà liên tục ngập, bệnh ngày càng nặng.

Theo các bác sỹ, nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng da, nhiễm nấm ở các bệnh nhân này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tiếp xúc thường xuyên, nhiều giờ với nguồn nước lẫn nhiều chất bẩn khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu, dễ tổn thương.

Các bệnh sẵn có của da dễ bị kích hoạt, bùng phát nặng hơn và cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn, thậm chí ký sinh trùng, vi nấm xâm nhập và gây nhiễm trùng, nhiễm nấm.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn như lở loét da, hoại tử da, sẹo xấu, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng da, vết thương lâu lành. Nấm có thể lan rộng toàn thân, gây ngứa ngáy diện rộng, giảm chất lượng sống; hoặc lây sang các thành viên trong gia đình nếu dùng chung khăn tắm, quần áo, tất…

Việc điều trị các bệnh nấm da, chàm khó có thể dứt điểm nếu không phòng bệnh, bác sĩ Bích cho biết. Ngoài dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh tránh tiếp xúc với nguồn gây bệnh. Song, việc này rất khó khăn khi Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ dự báo triều cường còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Do đó, bác sỹ khuyến cáo người bệnh nên đi ủng cao su, đeo găng tay khi tiếp xúc với nước ngập. Sau khi tiếp xúc, nên tắm rửa kỹ với xà phòng, sữa tắm thích hợp. Lau khô cơ thể, nhất là các vùng kẽ ngón, nếp gấp da như bẹn, ngực, nách, cổ để giảm nguy cơ mắc bệnh. Người có tiền căn viêm da cơ địa cần thoa kem dưỡng da cả khi bệnh chưa tái phát.

Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tự đoán bệnh, tự chữa ngứa bằng cách ngâm chân với nước vôi, nước lá cây hay phèn chua… Một số trường hợp bị nước ăn chân, tay, ngứa da mua thuốc 7 màu (chứa corticoid), thoa liên tục vài tuần đến vài tháng khiến da “nghiện thuốc”, ngừng thoa sẽ ngứa nhiều hơn, trong khi da càng ngày càng teo mỏng. Loại thuốc này tuy có công dụng trong điều trị nhiều bệnh lý ngoài da, nhưng không được thoa trên diện tích rộng và phải được chỉ định, theo dõi kỹ lưỡng bởi tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, bác sĩ Bích cho hay.

Hà Nội hoàn thành xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám chữa bệnh

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế họp trực tuyến với các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành, bệnh viện, trường đại học và Sở Y tế các tỉnh, TP về xếp cấp chuyên môn kỹ thuật, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính khám chữa bệnh.

Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Khám chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9/1/2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám chữa bệnh.

Theo TS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, xếp cấp chuyên môn kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm thực hiện đúng quy định. Tính đến ngày 23/10/2024, cả nước có 1.170 cơ sở khám chữa bệnh đã chấm điểm xếp cấp và báo cáo trực tuyến về Bộ Y tế. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh là 2 đơn vị xếp cấp được nhiều bệnh viện trực thuộc nhất. Kết quả phản ánh đúng năng lực chuyên môn và thực trạng bệnh viện.

Tuy nhiên, còn một số bệnh viện khó khăn trong quá trình xếp cấp như các tiêu chí về năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn chưa phù hợp với bệnh viện chuyên khoa và khó thực hiện ở tuyến tỉnh. Tiêu chí về xây dựng tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng thực hiện chấm điểm không thống nhất giữa các cơ sở….

Hiện còn hơn 20 Sở Y tế chưa gửi báo cáo xếp cấp cơ sở khám chữa bệnh về Bộ Y tế. Nhiều Sở Y tế xếp cấp được ít các đơn vị dù Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở.

“Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP, thủ trưởng y tế các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện xếp cấp các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định và gửi báo cáo về Bộ Y tế trước 30/10/2024” - TS Hà Anh Đức đề nghị.

Tại buổi họp trực tuyến, Sở Y tế Hà Nội là đơn vị đầu tiên hoàn thành việc xếp cấp 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.

TS Nguyễn Xuân Anh - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã xếp cấp và thẩm định 86 bệnh viện. Trong đó có 45 bệnh viện công lập (41 bệnh viện trực thuộc Sở, 4 bệnh viện thuộc bộ, ngành) và 41 bệnh viện tư nhân.

Hà Nội có 9 bệnh viện đạt trên 70 điểm. Trong đó 6 bệnh viện công lập gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (84 điểm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (81 điểm), Bệnh viện Tim Hà Nội (75 điểm), Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội (71 điểm), Bệnh viện Thanh Nhàn (70 điểm), Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ( 70 điểm) và 3 bệnh viện tư nhân gồm: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (78 điểm), Bệnh viện Phụ sản Thiên An (75 điểm), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (73 điểm).

Toàn TP. Hà Nội có 9% số bệnh viện đạt tiêu chuẩn cấp chuyên sâu và 91% bệnh viện đạt tiêu chuẩn cấp cơ bản. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật giúp các Sở Y tế nắm bắt rõ thực trạng các bệnh viện và đảm bảo công bằng giữa các bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Thời gian qua, việc đánh giá chất lượng bệnh viện được thực hiện qua Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Từ năm 2025, bên cạnh việc thực hiện tiêu chí chất lượng bệnh viện, các bệnh viện phải thực hiện Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện theo Điều 89, 90 và 104 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám chữa bệnh.

Điều trị sớm ung thư dạ dày bằng nội soi cắt tách niêm mạc đường tiêu hoá trên

Ngày 25/10, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức hội nghị khoa học “Tiến bộ trong nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa trên – kỹ thuật và kết quả” và tổng kết công tác chỉ đạo tuyến năm 2024.

Hội nghị có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của GS.TS Kohei Takazawa, Giám đốc Trung tâm tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Kanagawa, Yokohama, Nhật Bản; PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai; Ths.BS Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K.

Về phía Bệnh viện 19-8 có Đại tá, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, cùng các đồng chí trong Ban giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng của bệnh viện. Tham dự còn có đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 199, Bệnh viện CIMEQ (Cuba), đại diện bệnh xá Công an các tỉnh khu vực phía Bắc.

Nội soi cắt dưới niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection-ESD) là kỹ thuật nội soi can thiệp tối thiểu dùng để loại bỏ polyp lớn, hoặc điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa. Đây là kỹ thuật tiên tiến giúp loại bỏ sớm tế bào ung thư không cần phải phẫu thuật, bảo tồn toàn bộ dạ dày cho người bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ ung thư dạ dày cao và hầu hết người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Trước đây, hàng tuần Bệnh viện 19-8 phát hiện 1-2 trường hợp mắc ung thư đường tiêu hóa và hầu hết các trường hợp đến khám tại viện ở giai đoạn muộn, đã bị di căn.

Trong những năm qua, Bệnh viện 19-8 không ngừng cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới, can thiệp sâu từ các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các chuyên gia của Nhật Bản, đến nay, các bác sĩ tại bệnh viện đã tiếp cận và từng bước làm chủ các kỹ cao, chuyên sâu.

Đặc biệt, 3 năm qua, Bệnh viện 19-8 đã triển khai thường quy kỹ thuật nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa trên, giúp phát hiện sớm tế bào ung thư ở lớp niêm mạc, loại bỏ tế bào ung thư khi tế bào này chưa xâm lấn thành phần khác của dạ dày.

Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, phẫu thuật nội soi cắt dưới niêm mạc cho phép bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa loại bỏ khối u ở lớp niêm mạc mà không cần rạch lớn hoặc cắt bỏ một phần đường tiêu hóa. So với phẫu thuật mở, các kỹ thuật nội soi mang lại nhiều lợi ích như ít đau, giảm nguy cơ biến chứng, không để lại sẹo, phục hồi nhanh hơn. 

“Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ tế bào ung thư di căn đến các bộ phận khác rất thấp. Do đó, việc điều trị triệt căn nhờ kỹ thuật ESD rất cao, đến 100%. Có những bệnh nhân 5-10 năm vẫn sống khỏe. Trong quá trình thực hiện kỹ thuật, Bệnh viện 19-8 bảo đảm an toàn tối đa cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tai biến chảy máu. Việc tầm soát sớm, chẩn đoán đúng và chỉ định đúng trong điều trị cắt tách niêm mạc cực kỳ quan trọng để làm giảm thiểu biến chứng và tăng hiệu quả điều trị”, Đại tá Tuyền cho hay.

Tại hội nghị, GS.TS Kohei Takazawa, Giám đốc Trung tâm tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Kanagawa, Yokohama, Nhật Bản và Ths.BS Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K đã trình diễn kỹ thuật ESD trên bệnh nhân ung thư sớm dạ dày, được truyền hình trực tiếp tại Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19-8.

Nữ bệnh nhân 65 tuổi (Hà Nội) không có biểu hiện bất thường, tình cờ đi khám tại Bệnh viện 19-8. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện người bệnh có tổn thương 10mm vùng hang vị và tiền môn vị, nghi ung thư dạ dày. Kết quả sinh thiết khối u bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Chuyên gia Nhật Bản và chuyên gia Bệnh viện K đã thực hiện kỹ thuật nội soi cắt tách niêm mạc dạ dày, loại bỏ khối u ung thư cho nữ bệnh nhân. Ca nội soi diễn ra hơn nửa tiếng, toàn bộ tổn thương ung thư đã được loại bỏ.

Kỹ thuật nội soi cắt dưới niêm mạc được phát triển tại Nhật Bản vào cuối những năm 1990 với những ưu điểm can thiệp tối thiểu, loại bỏ chính xác khối u mà không ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận, bảo tồn đường tiêu hóa, xuất viện sớm, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Theo GS.TS Kohei Takazawa, đến nay, Nhật Bản đã tham gia nhiều hội nghị và đào tạo cho nhiều bác sĩ Việt Nam đã triển khai được kỹ thuật ESD. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm, và được điều trị, bảo tồn đường tiêu hóa và dạ dày, không cần can thiệp cắt đoạn dạ dày. "Điều trị sớm, can thiệp sớm giúp tỷ lệ tử vong do bệnh lý tiêu hóa cũng giảm xuống tại Việt Nam thời gian qua", GS.TS Kohei Takazawa nói.

Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, hiện nay, Bệnh viện 19-8 đã chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến cho các bệnh viện tuyến dưới trong công an nhân dân.

“Ba năm trở lại đây, Bệnh viện 19-8 được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, đã được trang bị  dàn hệ thống nội soi hiện đại, đặc biệt dàn máy hiện đại nhất của hãng Olympus Nhật Bản, hỗ trợ giúp bác sĩ trong chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hoá. Đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ kỹ thuật cắt tách niêm mạc và thực hiện độc lập, đã thực hiện khoảng 30 ca kể cả ung thư dạ dày và ung thư đại tràng. Rất mừng đến nay bệnh nhân đều hoàn toàn khoẻ mạnh. Trong thủ thuật, chúng tôi đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh”, Đại tá Tuyền cho biết.

Tin liên quan
Tin khác