Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 4/1: Tụt huyết áp, có phải dấu hiệu nhồi máu cơ tim
D.Ngân - 04/01/2025 09:13
Thống kê cho thấy, 22-60% các cơn nhồi máu cơ tim diễn ra mà không có triệu chứng điển hình như đau ngực hay khó thở.

Khó chịu ngực và tụt huyết áp, bác sỹ phát hiện nhồi máu cơ tim thầm lặng

Nam bệnh nhân 62 tuổi, không có triệu chứng đau ngực hay khó thở, cũng không có dấu hiệu rõ ràng của nhồi máu cơ tim trong các xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, ông bất ngờ được chẩn đoán mắc nhồi máu cơ tim với mạch vành phải tắc hoàn toàn.

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh: tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học, tránh hút thuốc lá, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, và kiểm soát tốt các bệnh nền như huyết áp cao, đái tháo đường. Ảnh minh hoạ

Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân cảm thấy khó chịu vùng ngực, chỉ kéo dài vài giây rồi tự hết. Huyết áp ông giảm nhẹ (100-110 mmHg so với mức bình thường 125 mmHg). Ông đến bệnh viện tỉnh khám, làm điện tâm đồ nhưng không phát hiện bất thường. Xét nghiệm men tim cũng không tăng, bác sỹ chẩn đoán là ổn định và kê thuốc về nhà.

Tuy nhiên, hai ngày sau, huyết áp của ông tụt đột ngột xuống 85/60 mmHg, mặc dù không có triệu chứng đau ngực hay chóng mặt. Sau khi tự theo dõi, ông vẫn không yên tâm và quyết định đến viện khám.

Tại bệnh viện, bác sỹ Võ Anh Minh, chuyên gia tim mạch, nhận thấy bệnh nhân không có những dấu hiệu điển hình của nhồi máu cơ tim cấp, như đau ngực, khó thở hay vã mồ hôi.

Mặc dù điện tâm đồ và men tim không cho kết quả bất thường, các triệu chứng nhỏ như khó chịu ngực và huyết áp thấp lại là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim thầm lặng.

Sau khi chụp mạch vành, bác sỹ phát hiện mạch vành phải của bệnh nhân tắc hoàn toàn, dẫn đến nhồi máu cơ tim và suy tim (chức năng co bóp tim chỉ còn 42%, thay vì mức bình thường trên 50%). Nếu không được phát hiện kịp thời, tổn thương cơ tim có thể gia tăng nghiêm trọng và không thể phục hồi.

Bác sỹ Minh cho biết, mạch vành phải cung cấp máu cho tâm nhĩ và tâm thất phải, và khi mạch này tắc, thất phải sẽ bị suy, dẫn đến tụt huyết áp và rối loạn nhịp tim. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim và tử vong bất cứ lúc nào.

Ông Tín được điều trị ngay với thuốc kháng đông và tiến hành can thiệp mạch vành bằng stent. Sau 45 phút, stent được đặt vào mạch vành phải, khôi phục dòng máu cho tim, giúp huyết áp tăng lên 120/80 mmHg và hết triệu chứng khó chịu ngực. Siêu âm tim sau can thiệp cho thấy chức năng tim đã cải thiện lên 48%, và dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy, 22-60% các cơn nhồi máu cơ tim diễn ra mà không có triệu chứng điển hình như đau ngực hay khó thở. Một số bệnh nhân chỉ có các triệu chứng không rõ ràng như mệt mỏi, đau lưng, khó tiêu… và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Điều đặc biệt là, các xét nghiệm cận lâm sàng như điện tâm đồ và men tim thường không phát hiện bất thường trong các trường hợp nhồi máu cơ tim thầm lặng. Do đó, việc chẩn đoán chậm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như loạn nhịp tim, suy tim, hoặc ngưng tim.

Bác sỹ Minh khuyến cáo để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh: tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học, tránh hút thuốc lá, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, và kiểm soát tốt các bệnh nền như huyết áp cao, đái tháo đường.

Đồng thời, cần nắm vững các triệu chứng điển hình và không điển hình của nhồi máu cơ tim để đến bệnh viện kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

Khi cơ thể có biểu hiện lạ, người dân không nên tự chẩn đoán hay chờ đợi triệu chứng tự hết, mà hãy tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phát hiện tim bẩm sinh ở tuổi 40 nhờ khám định kỳ

Chị Mẫn, 40 tuổi, không có những triệu chứng điển hình của bệnh tim mạch nhưng đã được chẩn đoán thông liên nhĩ sau khi đi khám vì thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.

Một tháng trước, chị Mẫn cảm thấy mệt mỏi đôi khi, nhưng triệu chứng chỉ thoáng qua và tự hết khi nghỉ ngơi. Triệu chứng không rõ ràng và không đi kèm dấu hiệu nào khác khiến chị chủ quan. Sau khi đi khám tại phòng khám tư, siêu âm ghi nhận nghi ngờ hẹp van động mạch phổi, bác sỹ đã khuyên chị đến viện để kiểm tra chuyên sâu.

Tại bệnh viện, bác sỹ Vũ Năng Phúc, chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, qua siêu âm tim qua thành ngực, chị Mẫn được chẩn đoán bị thông liên nhĩ lỗ thứ hai, đường kính 23 mm, với giãn buồng tim phải và tăng áp phổi nhẹ, cùng hở van động mạch phổi nhẹ. Để đánh giá kỹ hơn, bác sỹ chỉ định siêu âm tim qua thực quản.

Siêu âm tim qua thực quản là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh chi tiết về tim và các mạch máu. Phương pháp này cho phép hình ảnh rõ nét hơn vì thực quản gần với các buồng tim và không bị cản trở bởi xương sườn và phổi.

Kết quả siêu âm qua thực quản cho thấy lỗ thông liên nhĩ có kích thước 26×19 mm, với buồng tim phải giãn lớn. Chị Mẫn không có triệu chứng điển hình nhưng chỉ thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi. Bác sỹ Phúc nhận định nếu bệnh không được điều trị kịp thời, giãn buồng tim phải sẽ ngày càng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ loạn nhịp và suy tim phải.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định đóng lỗ thông liên nhĩ cho chị Mẫn để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trước khi thủ thuật, êkíp tiến hành đánh giá lại toàn bộ hình ảnh siêu âm tim qua thành ngực và thực quản để xác định kích thước và vị trí chính xác của lỗ thông, từ đó chọn dụng cụ bít có kích thước phù hợp (36 mm) để thực hiện.

Thông thường, phương pháp này yêu cầu siêu âm qua thực quản và gây mê toàn thân, nhưng với bệnh nhân này, vì đã có hình ảnh siêu âm rõ ràng từ trước, bác sỹ quyết định chỉ cần gây tê tại chỗ.

Êkíp bác sỹ tiến hành thủ thuật can thiệp thông tim phải, loại bỏ tăng áp động mạch phổi, sau đó đưa dụng cụ bít thông liên nhĩ vào đúng vị trí trong tim.

Sau 25 phút, thủ thuật hoàn tất, dụng cụ bít đã ổn định và bệnh nhân không gặp bất kỳ biến chứng nào. Chị Mẫn hồi phục nhanh chóng và được xuất viện ngay hôm sau.

Thông liên nhĩ (từ 6-10% bệnh lý tim bẩm sinh) là tình trạng có một lỗ thông giữa hai buồng tâm nhĩ. Lỗ thông này có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau và chia thành 4 loại, phổ biến nhất là thông liên nhĩ lỗ thứ hai như trường hợp của chị Mẫn (chiếm 70%).

Nhiều trường hợp thông liên nhĩ không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt ở trẻ em, khiến bệnh không được phát hiện sớm. Thậm chí, có những bệnh nhân đến tuổi U60, U70 mới được chẩn đoán.

Đối với các lỗ thông liên nhĩ có kích thước nhỏ (dưới 3 mm), bệnh có thể tự đóng lại. Tuy nhiên, những lỗ thông lớn (trên 8 mm) cần phải được điều trị bằng cách bít lỗ thông để ngăn ngừa các biến chứng như suy tim, loạn nhịp hoặc đột quỵ.

Sau khi can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và tránh các hoạt động thể chất nặng trong ít nhất một tháng. Bệnh nhân cũng sẽ được kê đơn thuốc trong 3-6 tháng và cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trong 6 tháng. Tái khám định kỳ để bác sỹ theo dõi tình trạng hồi phục và kiểm tra hoạt động của dụng cụ bít là rất quan trọng.

Bác sỹ Phúc khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với những triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, khó thở nhẹ hoặc khó chịu ngực. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào không rõ ràng, nên đến bệnh viện để kiểm tra chuyên sâu, tránh để bệnh tiến triển nghiêm trọng mà không kịp phát hiện.

Thoát đột quỵ nhờ khám và điều trị béo phì

Anh Nghĩa (50 tuổi) nhập viện khẩn cấp vì cơn đau tức ngực dữ dội, sau khi được các bác sỹ tư vấn và chẩn đoán, anh kịp thời thực hiện thủ thuật đặt stent nong mạch vành, thoát nguy cơ đột quỵ tim.

Tại viện, các bác sỹ ghi nhận anh Nghĩa có dấu hiệu đau tức ngực không liên quan đến hoạt động thể lực. Mặc dù đánh giá sơ bộ không quá nguy hiểm, hồ sơ điều trị tại Trung tâm Giảm cân Tâm Anh cho thấy anh có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là tình trạng béo phì độ II (BMI 34,53), cùng rối loạn chuyển hóa lipid.

Chụp mạch vành cho thấy tình trạng hẹp nghiêm trọng ở hai động mạch vành chính (80-90%), cùng một số mạch khác có xơ vữa nhẹ. Dấu hiệu đau ngực là cảnh báo sớm của tình trạng thiếu máu và oxy nuôi tim, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim). Do đó, bác sỹ chỉ định anh Nghĩa thực hiện thủ thuật đặt stent nong mạch vành để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

TS.BS Lê Bá Ngọc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã nhận thấy anh Nghĩa có chỉ số BMI cao, mỡ bụng và mỡ cổ nhiều, cùng tiền sử hút thuốc lá và gia đình có người bị đột quỵ tim. Bác sỹ Ngọc đã tư vấn chụp CT mạch vành, và phát hiện tình trạng tắc nghẽn mạch vành nghiêm trọng.

Ban đầu, anh Nghĩa từ chối làm thêm xét nghiệm vì cho rằng mình khỏe mạnh, dù xét nghiệm mỡ máu cao. Tuy nhiên, sau khi nghe tư vấn về nguy cơ đột quỵ, anh Nghĩa đồng ý điều trị giảm cân và bắt đầu phác đồ điều trị. Sau 2 tuần, anh đã giảm được 2 kg, nhưng cơn đau tức ngực xảy ra sau đó, và anh lập tức tiến hành can thiệp mạch vành.

Ngay sau khi đặt stent, anh Nghĩa được các bác sỹ tiếp tục theo dõi và hỗ trợ giảm cân thông qua chế độ dinh dưỡng, vận động, và kiểm soát mỡ nội tạng.

Sau 2 ngày theo dõi, anh xuất viện khỏe mạnh, tiếp tục duy trì phác đồ giảm cân. Đến tuần thứ 3, anh đã giảm được 4 kg và dự kiến giảm thêm 10% tổng cân nặng trong 3 tháng để giảm nguy cơ các biến chứng do béo phì.

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn liên quan đến hàng loạt bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa… Tuy nhiên, các biến chứng này thường phát triển âm thầm, khiến nhiều người chủ quan như trường hợp của anh Nghĩa.

Bác sỹ Ngọc nhấn mạnh, ngoài BMI, chỉ số mỡ nội tạng là yếu tố quyết định nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa khác. Chỉ số mỡ nội tạng tỷ lệ thuận với vòng eo, nếu vòng eo của nam giới trên 94 cm và nữ giới trên 80 cm, nguy cơ bệnh lý sẽ tăng lên đáng kể.

Theo bác sỹ Ngọc, giảm cân là cách hiệu quả để phòng ngừa các biến chứng sức khỏe do béo phì. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự kiên trì và thời gian, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc mỡ nội tạng cao.

Bên cạnh chế độ ăn uống và vận động, hiện nay đã có các phương pháp điều trị giảm cân như thuốc hỗ trợ và công nghệ đông hủy mỡ, tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo tư vấn của bác sỹ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Tin liên quan
Tin khác