Thời sự
Xuất khẩu phục hồi nhanh, năm 2024 xuất siêu 24,77 tỷ USD
Hà Nguyễn - 06/01/2025 12:20
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã chính thức vượt ngưỡng 400 tỷ USD trong năm 2024, trong khi xuất siêu vẫn rất tích cực, đạt 24,77 tỷ USD. Thậm chí, còn có thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Sau một năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã phục hồi tích cực trong năm 2024. Kết quả cuối cùng, theo như con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 786 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 tỷ USD, ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong hành trình hội nhập quốc tế của kinh tế Việt Nam.

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2024, con số là 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%.

Năm 2024 đã ghi nhận tới 37 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng này đã chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đóng góp 69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm, với trên 72,5 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, điện thoại và linh kiện đạt gần 53,9 tỷ USD, xếp vị trí thứ hai, tăng 2,9%. Tiếp theo, là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, với gần 52,2 tỷ USD, tăng 21%.

Ngoài ra, còn có hàng dệt may (37 tỷ USD, tăng 11,2%); giày dép (22,87 tỷ USD, tăng 13%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (16,28 tỷ USD, tăng 20,9%); phương tiện vận tải và phụ tùng (trên 15 tỷ USD, tăng 6,4%); thủy sản (10 tỷ USD, tăng 11,9%).

Năm 2024 đã ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 400 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt trên 35 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 140,11 tỷ USD, tăng 19,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 240,65 tỷ USD, tăng 15,1%.

Trong số các nhóm hàng nhập khẩu năm 2024, số liệu thống kê cho thấy, sơ bộ nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 24,33 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD, thấp hơn mức xuất siêu 28,4 tỷ USD của năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.

Về thị trường, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD.

Trong năm 2024, Việt Nam đã xuất siêu sang Hoa Kỳ 104,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc 83,7 tỷ USD, tăng 69,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%.

Một thông tin đáng chú ý, đó là cả năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng khá tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 23,85 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 12,19 tỷ USD (chiếm 51,1% tổng kim ngạch), tăng 33,1%; dịch vụ vận tải đạt 6,52 tỷ USD (chiếm 27,3%), tăng 5,2%.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ cả năm 2024 ước đạt 36,19 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 12,07 tỷ USD), tăng 24,4% so với năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt 14,6 tỷ USD (chiếm 40,3% tổng kim ngạch), tăng 16%; dịch vụ du lịch đạt 12,57 tỷ USD (chiếm 34,7%), tăng 60,6%.

Theo đó, cán cân thương mại dịch vụ năm 2024 nhập siêu 12,34 tỷ USD. Tuy vậy, do xuất siêu thương mại hàng hóa lớn, với 24,77 tỷ USD, nên tính chung, Việt Nam vẫn có thặng dư xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Tin liên quan
Tin khác