Phòng chống dịch bệnh lây sang người
Công văn nêu rõ, để chủ động phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế chủ trì việc mở rộng, tăng cường các điểm tiêm phòng dại, đặc biệt, tại các địa phương có địa bàn rộng, địa hình khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tận dụng mạng lưới y tế cơ sở nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vắc xin của người dân.
UBND TP.Hà Nội vừa có Công văn số 1692/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. |
Tổ chức tiêm phòng, điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người bị động vật cắn nhằm hạn chế tử vong do bệnh dại gây ra; bảo đảm đủ vắc-xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.
Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị động vật cắn, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh dại, cúm gia cầm;
Tham gia điều tra, giám sát ổ dịch, hướng dẫn xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh, thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương khi có bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, điều tra ổ dịch, lấy mẫu động vật xét nghiệm, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; tổ chức tập huấn về giám sát và đáp ứng trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp về bảo hộ lao động, vệ sinh môi trường, tiêm phòng vắc xin để chủ động phòng dịch cho động vật, chủ động giám sát đàn, kịp thời phát hiện động vật có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan thú y theo quy định.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bệnh dại trên động vật và các dịch bệnh lây truyền động vật sang người khác tại các quận, huyện, thị xã; tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, gia cầm.
UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, công khai các điểm tiêm vắc-xin phòng dại trên địa bàn.
Bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên người và động vật; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, bảo đảm công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường.
Thực hiện công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã, phường; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; tổ chức tiêm vắc-xin dại triệt để cho đàn gia cầm và chó, mèo…
Được biết, 5 bệnh đã có trong danh mục các bệnh lây truyền từ động vật sang người: cúm A/H5N (cúm gia cầm), bệnh dại, liên cầu lợn, bệnh than và bệnh xoắn khuẩn vàng da (leptospirosis).
Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013.
Với cúm A(H5N1), sau 8 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp; từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~170%).
Với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
Trong thời gian qua, ngành Y tế và ngành Thú y đã có sự phối hợp lâu dài, chặt chẽ và đạt được một số thành tích nhất định.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế; nhận thức của người dân còn hạn chế.
Với bệnh cúm gia cầm, tiếp tục ghi nhận sự lây lan của cúm gia cầm tại tất cả các khu vực trên thế giới; dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra trên đàn gia cầm khắp cả nước; thời tiết thuận lợi cho các mầm bệnh hô hấp phát triển và lây lan.
Theo chuyên gia y tế, thời tiết diễn biến thất thường, trong khi đó đường biên giới dài, giao lưu thương mại, cùng đó là thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Chỉ tính rêng từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024. Cùng đó, hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin dại cho chó mèo chỉ đạt khoảng 30%, chó mèo cơ bản không đeo rọ khi ra đường.
Đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị người bệnh
Sở Y tế Hà Nội chủ trì Hội nghị triển khai Thông tư số 07 của Bộ Y tế, Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và công tác đấu thầu thuốc năm 2024.
Hội nghị đã được nghe báo cáo tóm tắt triển khai, quán triệt việc đấu thầu thuốc quy định tại Thông tư 07/2024/TT-BYT của Bộ Y tế, Nghị định 09/2024/NĐ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố và công tác đấu thầu thuốc năm 2024; đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung cấp địa phương năm 2023-2024, dự kiến triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung cấp địa phương năm 2025-2026; báo cáo của các đơn vị và ý kiến thảo luận, tham gia tại hội nghị.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm trong việc mua sắm thuốc theo quy định, đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị; nghiên cứu kỹ, thực hiện đúng các văn bản, quy định mới hoặc có thay đổi về đấu thầu thuốc tại: Luật Đấu thầu 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Thông tư 07/2024/TT-BYT…
Sở Y tế đã tổ chức tập huấn quy định mới của pháp luật về đấu thầu, triển khai các văn bản quy định về đấu thầu thuốc, quán triệt công tác tác đấu thầu thuốc năm 2024.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa được phê duyệt kế hoạch, tổ chức lựa chọn nhà thầu trước 31-12-2023, khẩn trương triển khai ngay việc đấu thầu mua thuốc, phê duyệt kế hoạch, phát hành hồ sơ mời thầu chậm nhất trước ngày 30-6-2024.
Đồng thời, việc mua thuốc cho cơ sở bán lẻ thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT của Bộ Y tế.
Về công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, TS.Nguyễn Đình Hưng giao Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội nghiên cứu, đề xuất danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, xin ý kiến góp ý từ các cơ sở khám chữa bệnh, báo cáo Sở Y tế xem xét, trình UBND thành phố phê duyệt. Dự kiến thời gian triển khai công tác đấu thầu tập trung cấp địa phương bắt đầu từ năm 2025.
Đặc biệt, trong thời gian chưa ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, cơ sở khám chữa bệnh tổ chức mua sắm các thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị theo quy định.