Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 5/6: Phát hiện chất độc trong vụ ngộ độc nấm và côn trùng
D.Ngân - 05/06/2024 09:46
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, bước đầu đã xác định được độc tố trong loại nấm và côn trùng gây ngộ độc cho người dân tại huyện Văn Bàn và Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trong thời gian qua.

Phát hiện chất Psilocin trong vụ ngộ độc nấm rừng

Trước đó, theo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai, tại thôn Sung 2, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn nấm mọc trong vườn nhà làm 3 người mắc phải nhập viện cấp cứu.

Một loại nấm độc có tên nấm ma mà người dân cần tránh xa.

Ngày 30/5, tại thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cũng có 1 ca có dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn phải một loại côn trùng màu đen, phần đầu màu cam đỏ. Các cơ quan chức năng đã gửi mẫu côn trùng và mẫu nấm loại các bệnh nhân đã ăn gửi kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, mẫu nấm đã được lấy từ vụ ngộ độc tại Văn Bàn dương tính với Psilocin.

Psilocin là hoạt chất thường có trong loại nấm thức thần, là chất gây ảo giác có trong danh mục chất ma túy bị cấm tại hầu hết quốc gia. Hoạt chất có trong nấm khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất tác động lên não bộ và gây ảo giác, thường là ảo thị, hoang tưởng, hay có hoang tưởng bị hại.

Tình trạng này rất nguy hiểm bởi người sử dụng nấm có hành vi tấn công người khác do nghĩ mình bị hại. Hoạt chất Psilocin cũng tác động trên hệ thần kinh tự chủ, gây các rối loạn về huyết động như tăng hoặc giảm nhịp tim, tăng giảm huyết áp tùy thuộc vào liều sử dụng, giãn đồng tử, tăng thân nhiệt, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn... Các triệu chứng này xuất hiện khi dùng quá liều, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Còn mẫu côn trùng được người đàn ông ở Bảo Thắng rang ăn phát hiện chất Cantharidin. Đây là một chất độc thường có ở các loài bọ cánh cứng.

Con người nếu ăn phải, có thể bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, nguy cơ nhiễm trùng cao do thẩm lậu vi khuẩn gram âm đường ruột và kị khí vào ổ bụng và máu. Tổn thương tại niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến đau bụng, buồn nôn, nôn và ỉa chảy nhiều.

Nặng hơn viêm dạ dày ruột và xuất huyết tiêu hóa làm mất nước nghiêm trọng trong lòng mạch dẫn đến suy giảm chức năng thận sớm.

Chỉ trong tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 3 vụ ngộ độc và 1 ca đơn lẻ, nguyên nhân do độc tố tự nhiên làm 11 người mắc, 1 người tử vong.

Việc người dân không biết hoặc cố tình ăn các loài động, thực vật có trong tự nhiên, không rõ có độc hay không có độc, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tử vong rất lớn.

Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp trên đây cũng là lời cảnh báo cho toàn thể người dân để có biện pháp phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên trong đó có nấm rừng đã được nhắc tới nhiều thời gian qua.

Theo khuyến cáo mới nhất của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hàng năm vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...). Trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù đã được cứu chữa kịp thời.

Theo đó, Cục đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).

Theo các chuyên gia chống độc, các loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm các loại nấm mọc hoang dại. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất, khi bị ngộ độc không biểu hiện ngay nên phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nguy cơ cao tử vong. Biện pháp quan trọng để phòng tránh ngộ độc nấm là “không hái các nấm mọc hoang dại để ăn".

Phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, người dân cũng tự trang bị kiến thức phòng để phòng chống ngộ độc nấm như nhận dạng nấm độc. Cụ thể nấm độc thường có những đặc điểm sau: Có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc. Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, người dân vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm liên quan đến nấm độc.

Chẳng hạn, có người nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón).

Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên.

Một số người còn thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa. 

Hơn nữa loài nấm có amatoxin gây chết người trung bình phải 12 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên và động vật thường chết ở ngày thứ 5 - 7 sau ăn nấm.

Kể cả việc thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc cũng là sai vì độc tố nấm không làm bạc chuyển màu.

Trong trường hợp không may ngộ độc, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam).

Chuyên gia cũng lưu ý, cần lưu ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để bác sĩ sơ bộ xác định loại nấm, điều trị kịp thời.

Phát hiện cơ sở cung cấp dịch vụ vận chuyển cấp cứu không phép

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Tổ công tác đặc biệt Sở Y tế phát hiện trang thông tin điện tử https://www.goixecuuthuong.com quảng cáo các nội dung liên quan đến cấp cứu và vận chuyển người bệnh.

Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Trung tâm cấp cứu 115, Phòng Y tế quận 8, UBND phường 13, quận 8 tiến hành kiểm tra cơ sở này và phát hiện cơ sở hoạt động không phép.

Đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cấp cứu Phước Đức đặt tại số 505/7 Bến Bình Đông, phường 13, quận 8, TP.HCM.

Cơ sở này cung cấp cho Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0318370669 ngày 27/3/2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp do ông P.T.T làm Giám đốc, với lĩnh vực hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; Dịch vụ vận chuyển cứu thương, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà,…

Tra cứu dữ liệu, Đoàn kiểm tra xác định Sở Y tế chưa cấp bất cứ giấy phép nào cho cơ sở này liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận cơ sở có trang bị 1 giường bệnh, 1 máy tạo ô-xy, 1 máy hút đàm, 1 máy thở xách tay. Công ty có 4 xe vận chuyển cấp cứu có Giấy chứng nhận đăng ký xe ô-tô và Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, trong đó có 2 xe đang đi vận chuyển người bệnh, 2 xe đang bảo dưỡng.

Trên trang thông tin điện tử “goixecuuthuong.com” có hình ảnh bác sĩ và quảng cáo các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực vận chuyển cấp cứu người bệnh như: “Cấp cứu Phước Đức là một trong những đơn vị đi đầu trong dịch vụ vận chuyển cấp cứu tại Việt Nam, không ngừng trau dồi những kỹ năng về nghiệp vụ cho đội ngũ y tá, tài xế, thuê xe cấp cứu đưa rước khám bệnh, quy trình cấp cứu chuyên nghiệp...”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 và khoản 3 Điều 56 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, việc quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.00.000 đồng (nhân đôi đối với vi phạm là tổ chức).

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, liên quan hoạt động “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” theo quy định tại khoản 5 Điều 4 và điểm a khoản 6 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (nhân đôi đối với vi phạm là tổ chức).

Thanh tra Sở Y tế tiếp tục làm việc với công ty và tổng hợp hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời kêu gọi người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở vận chuyển cấp cứu người bệnh không phép trên địa bàn thành phố hoặc các thông tin quảng cáo các dịch vụ về y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý theo quy định, đại diện Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác