Điều tra, xử lý vụ một học sinh tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa về vụ việc một học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tử vong chưa rõ nguyên nhân vào sáng 5-4.
Ngoài ra, một số học sinh khác cùng Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc sau khi ăn sáng tại các hàng quán và người bán hàng rong xung quanh các trường.
Đặc biệt, trong thời gian từ đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Nha Trang cũng đã xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm.
Trường Tiểu học Vĩnh Trường nơi xảy ra vụ việc |
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai một số nội dung:
Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung nguồn lực, tích cực điều trị cho các bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan điều tra, xử lý, xác định nguyên nhân vụ việc và công khai thông tin kịp thời để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).
Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, ngành Giáo dục và Đào tạo tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực trường học, gồm: Bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các đối tượng, cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học.
Nâng cao trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường, ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.
Được biết trên một số phương tiện thông tin đại chúng, sáng 5-4, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang xác nhận, một nữ học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Vĩnh Trường tử vong sau khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, học sinh này ăn sáng ở bên ngoài. Sau khi vào lớp học, trẻ có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm nên được nhà trường đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Ngoài nữ học sinh trên, còn nhiều học sinh khác cũng của Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm.
Hà Nội: Tăng cường hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 1297/KH-SYT về triển khai hoạt động chuyên khoa đầu ngành năm 2024.
Theo đó, các bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp tục phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu, đồng thời có lộ trình để tiếp cận thực hiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong và ngoài nước; phân tích, đánh giá thực trạng chuyên khoa đầu ngành tại đơn vị để đưa ra chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác chuyên môn, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật với bệnh viện trung ương, hợp tác quốc tế.
Xây dựng mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh trong ngành để tổ chức hoạt động xuyên suốt phát huy sự gắn kết, trí tuệ tập thể của các đơn vị trong ngành; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn toàn tuyến dưới nhiều hình thức như tại chỗ, tập trung, cầm tay chỉ việc, trực tuyến…
Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển kỹ thuật chuyên sâu theo các chuyên ngành ngang tầm quốc gia, khu vực; khảo sát, lựa chọn những kỹ thuật mới phù hợp để chuyển giao có lộ trình, kế hoạch và chiến lược phát triển tổng thể từ tuyến trên xuống tuyến dưới.
Đặc biệt, các đơn vị triển khai nhân rộng mô hình “Bệnh viện chị - em”. Từ tháng 9/2023, Sở Y tế Hà Nội triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện chị - em” giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và các đơn vị y tế tuyến huyện, xã của huyện Ba Vì.
Với mô hình này, bệnh viện tuyến trên sẽ hỗ trợ y tế cơ sở trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật từ đó giảm bớt thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh trên địa bàn.
Sau một thời gian triển khai, mô hình “Bệnh viện chị - em” đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới. Qua đó, giúp người bệnh được khám chữa bệnh ngay tại địa phương mà không cần phải đi xa, tiết kiệm thời gian, chi phí khám chữa bệnh.
Các bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến chịu trách nhiệm chuyên khoa đầu ngành, triển khai nhân rộng mô hình “Bệnh viện chị - em” giữa các bệnh viện tuyến trên đối với bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế.
Trong đó, các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ toàn diện tuyến dưới trong phát triển, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nguồn lực, hỗ trợ cải tiến quy trình vận hành, quy trình khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học tại các đơn vị, ưu tiên nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề sức khỏe cấp thiết.
Đắk Lắk: Ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitemore tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là bệnh nhân Whitemore đầu tiên trong năm 2024 tại Đắk Lắk.
Bệnh nhân là P.Đ.V (Nam, SN 1983, trú tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột). Ngày 30/3 bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, ngày 4/4 kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.
Cùng ngày bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chuẩn đoán áp xe lách, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước thời gian nhập viện khoảng 20 ngày, bệnh nhân bị sốt, kèm đau tức vùng lưng. Trong 21 ngày qua, bệnh nhân lái xe tải chở lợn từ Đắk Lắk đi Hà Nội và ngược lại nên không rõ yếu tố dịch tễ.
Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành y tế Đắk Lắk đã tiến hành điều tra ca bệnh và hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường, đồng thời yêu cầu Trạm y tế phường Tân Lợi tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn và tăng cường công tác truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng chống bệnh Whitemore.