Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 6/5: Ngộ độc chì gây ra các bệnh mạn tính cho trẻ
D.Ngân - 06/05/2024 12:39
Trong thời gian qua, các bệnh viện đã điều trị cho một số trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng, thậm chí nguy kịch, do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Nguy hiểm ngộ độc chì

Đáng lo ngại, triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ nhiều lúc khó phát hiện, nhất là trong trường hợp lượng chì nhiễm dưới mức nguy hiểm nhưng lại âm thầm gây các bệnh mạn tính cho trẻ.

Ảnh minh họa.

Nếu như người lớn dễ bị ngộ độc chì do hấp thụ chì trong môi trường sinh hoạt và nghề nghiệp như các ngành công nghiệp sản xuất nhựa, thủy tinh, sản xuất ắc quy chì, ngành in ấn, kinh doanh xăng dầu, hàn chì,… thì ngộ độc chì ở trẻ nhỏ chủ yếu lại do cha mẹ ít cảnh giác khi cho con sử dụng các loại thuốc cam, thuốc tưa lưỡi…

Ngoài ra, ngộ độc chì cấp thường do hấp thụ chì qua đường tiêu hóa khi uống các thuốc nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ, thuốc tán không rõ nguồn gốc, bào chế khử độc không an toàn có thể chứa các kim loại nặng hàm lượng cao như chì, thủy ngân, asen...

Tháng 2/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu cho một bé gái 9 tuổi ở Hà Tĩnh được chuyển đến viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng và có tổn thương não. Gia đình của bé cho biết thường mua thuốc cam về cho bé uống và tin tưởng đây là thuốc đông y có thành phần tự nhiên nên không độc hại.

Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị cho một bệnh nhi mới chỉ 3 tuổi ở Thanh Hóa bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch, do cha mẹ cho dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh. Qua khai thác bệnh sử, được biết, trẻ có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi.

TS.Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chì là một kim loại nặng, rất độc, gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận. Ngộ độc chì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, bao gồm kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt. Đáng nói nhiều biểu hiện ngộ độc chì “âm thầm” nhưng lâu dài, không điển hình.

Do đó, để phòng ngừa ngộ độc chì cho trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ mắc bệnh động kinh nói riêng và các bệnh mạn tính nói chung, cần phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị, dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn, không được tự ý ngừng thuốc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ cũng cần cảnh giác với các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc, được quảng cáo giúp con tăng cân và nâng cao sức đề kháng. Đây cũng là loại thuốc vẫn còn được sử dụng phổ biến ở nhiều vùng quê dù đã có nhiều cảnh báo.

Trên thực tế, thuốc cam là một bài thuốc có trong Đông y nhưng khi được chào bán trên thị trường lại chủ yếu là thuốc không rõ nguồn gốc, thậm chí không được phép lưu hành, không có hướng dẫn sử dụng cụ thể. Do đó, phụ huynh thường dùng thuốc không đúng cách và gây ra ngộ độc do quá liều.

Bên cạnh đó, việc tự ý sử dụng thuốc mà không có ý kiến của người có chuyên môn có thể dẫn đến việc dùng sai thuốc, làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh ở trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải tình trạng ngộ độc chì, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Biến chứng nặng do mắc bệnh thủy đậu

Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.

Người nhà bệnh nhân mua thuốc nam về sắc cho uống, nhưng không đỡ, được đưa vào cơ sở y tế gần nhà điều trị. Tại đây bệnh nhân có được sử dụng thuốc Dexamethasone (một thuốc corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh) dạng tiêm.

Sau đó bệnh thủy đậu đột ngột tiến triển nặng lên, mụn phỏng nước nổi dầy đặc toàn thân, bệnh nhân sốt cao 40-41 độ C, đau nhiều vùng thắt lưng, không đi lại được, bụng chướng căng, bí trung đại tiện, xuất hiện nhiều mụn mủ trên da.

Bệnh nhân được nhập viện vào bệnh viện đa khoa tỉnh rồi chuyển lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này đã trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ C, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm, yếu hai chân, chướng bụng liệt ruột. Kèm theo bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, mê sảng, kích thích.

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan.

Theo cá bác sĩ, thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster, thuộc họ Herpesviridae, gây nên.

Các biểu hiện của thủy đậu bao gồm sốt, nhức mỏi, chán ăn, đau đầu, đau cơ, kèm với nổi ban đỏ phỏng nước ở da và niêm mạc (miệng, mắt, tiết niệu,…). Phỏng nước thường mọc ở vùng đầu mặt và thân mình trước, sau đó lan dần ra toàn thân.

Thủy đậu lây trực tiếp từ người sang người thông qua các giọt bắn đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết mũi) khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện.

Ngoài ra, bệnh có thể lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch phỏng nước thủy đậu, hoặc gián tiếp thông qua cầm nắm các vật dụng có dính chất tiết phỏng nước.

Bệnh thường diễn tiến lành tính và bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiễm thủy đậu ở trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng.

Các biến chứng nặng như viêm phổi nặng, viêm não- màng não, viêm khớp... có thể dẫn đến tử vong. Riêng phụ nữ mang thai nếu nhiễm thủy đậu có thể gia tăng tần suất sảy thai, đẻ non và đặc biệt là dị tật cho thai nhi.

Khi có các triệu chứng bệnh thủy đậu, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đa số các trường hợp thủy đậu có thể được theo dõi và điều trị tại nhà.

Tuy nhiên nếu bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) hoặc có biến chứng thủy đậu, thì sẽ được nhập viện để theo dõi sát và điều trị tích cực.

Các bác sĩ lưu ý, khi bị thủy đậu, người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, nhất là các thuốc có chứa thành phần corticosteroid, làm tăng nguy cơ diễn biến nặng.

Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc ho gà chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 26/4 đến hết ngày 2/5), thành phố ghi nhận 3 ca mắc ho gà. Cả 3 ca mắc đều là trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh ho gà.

Cộng dồn từ đầu năm 2024, toàn TP ghi nhận 62 trường hợp mắc ho gà tại 21 quận, huyện, thị xã, trong đó, bệnh nhân là trẻ em dưới 2 tháng tuổi chiếm 60%, chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 72%.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận 84 trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố, giảm 86 ca so với tuần trước đó.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 1.031 trường hợp mắc tay chân miệng, tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (501/0) và 28 ổ dịch. Hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động tại các quận, huyện: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2); Ba Vì, Đông Anh, Chương Mỹ mỗi nơi 1 ổ dịch.

Đối với sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 12 trường hợp mắc, giảm 4 ca so với tuần trước đó, không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay là 603 trường hợp và 5 ổ dịch sốt xuất huyết đã kết thúc hoạt động.

Các dịch bệnh khác như liên cầu lợn, uốn ván, sởi, rubella, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.

Nhận định, đánh giá tình hình dịch tay chân miệng trong tuần hầu hết là ca bệnh tản phát. Bệnh ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Sốt xuất huyết có số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức thấp, không phát sinh thêm ổ dịch. Bệnh dại trong 4 tháng đầu năm đã ghi nhận 3 ổ dịch dại trên chó tại huyện Sóc Sơn (xã Minh Trí, Hồng Kỳ và Đức Hòa), nguy cơ có thể có các trường hợp bệnh dại trên người.

Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế tiếp tục tổ chức các hoạt động chuyên môn tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.

Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin theo quy định.

Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Cầu Giấy, Gia Lâm, Sóc Sơn và Đan Phượng.

Thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế, thực hiện báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại và triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Tin liên quan
Tin khác