Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 7/10: Cảnh báo hệ lụy khi tự ý điều trị bệnh tại nhà
D.Ngân - 07/10/2024 07:56
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp tự ý điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng.

Gặp họa vì tự ý điều trị bệnh

Điển hình trường hợp bệnh nhi 2 tuổi (trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) bị bỏng nước sôi tại nhà. Trẻ sau khi được sơ cứu tại trung tâm y tế gần nhà, thay vì chuyển lên tuyến trên để điều trị thì gia đình lại xin về và tự đắp các loại thuốc nam với hy vọng vết thương sẽ nhanh chóng khỏi.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau 2 ngày trẻ xuất hiện vết bỏng vùng mông, bộ phận sinh dục, cẳng chân, bàn chân ửng đỏ, chảy dịch. Lúc này, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.

Thêm trường hợp bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Thay vì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh lại nghe theo nhiều người mách tắm một số loại lá cây sẽ nhanh khỏi. Nhưng chỉ sau vài lần tắm, bệnh nhân thấy xuất hiện nhiều vết phỏng da, kèm theo cảm giác nóng, rát, đau tại các vết phỏng.

Bác sỹ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, dù đã rất nhiều lần cảnh báo, thế nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp người bệnh nhập viện với những biến chứng như loét, nhiễm trùng, hoại tử.

Nguyên nhân từ việc tự điều trị không đúng cách. Thay vì đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị bởi các bác sĩ, lại có rất nhiều trường hợp người bệnh đã tự điều trị tại nhà tại bằng các phương thuốc truyền miệng, các cách chữa mẹo.

Bên cạnh đó, các cách chữa mẹo chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học và hậu quả là bệnh không thuyên giảm mà có xu hướng nặng nề hơn. Khi đấy, người bệnh mới vội vàng đến bệnh viện dẫn đến khó khăn cho việc điều trị, thời gian chữa bệnh kéo dài và gây nhiều đau đớn cho người bệnh.

Do vậy, bác sỹ khuyến cáo mỗi người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách thăm khám và lắng nghe tư vấn của bác sĩ nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe.

Cũng nói về hệ lụy của việc người bệnh tự ý điều trị, TS.Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội tổng hợp kiêm Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho hay, vừa qua nhiều bệnh nhân đến viện với các biến chứng nặng do tự ý điều trị, hoặc điều chỉnh thuốc.

Người bệnh cần lưu ý, bệnh mạn tính chỉ “hiền” khi bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị, nhưng lại “dữ” gây biến chứng nghiêm trọng như tàn tật, tử vong nếu bệnh không được quản lý và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

Theo TS.Ngô Chí Cương, bệnh mạn tính rất đa dạng như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, viêm gan virus, bệnh tự miễn... có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, giới tính và hiện là nguyên nhân gây tử vong, tàn tật hàng đầu hiện nay nên cần theo dõi, quản lý và điều trị liên tục.

Thống kê từ Hoa Kỳ cho thấy, người từ 65 tuổi trở lên, có 75% bị ít nhất một bệnh mạn tính và 50% bị ít nhất 2 bệnh mạn tính.

Bệnh mạn tính cần thời gian điều trị kéo dài, không chỉ 1 năm, 2 năm mà cần nhiều trường hợp cần chăm sóc liên tục cả đời. Do bệnh tiến triển thầm lặng, kéo dài, dễ tái phát, gây đau đớn, nhưng không thể ngừa bằng vắc-xin nên gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý hoang mang, lo lắng, làm suy giảm chất lượng sống cũng như gây tốn kém chi phí, thời gian của người bệnh.

Chuyên gia khuyến cáo, nếu người bệnh có chuẩn đoán mắc bệnh mạn tính cần xác định chung sống “hòa bình” với bệnh suốt đời. Để tránh những biến chứng khôn lường do bệnh gây nên, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối 3 nguyên tắc.

Trước hết, cần phải định kỳ kiểm tra sức khỏe, tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sỹ; Cần đến ngay cơ sở y tế ngay nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Bên cạnh đó, tuân thủ uống thuốc theo đơn (chú ý về giờ giấc uống đều đặn, hàng ngày và vào một giờ nhất định nếu có), tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc. Trong quá trình điều trị, nếu thuốc có tác dụng phụ cần trao đổi với bác sỹ để điều chỉnh thuốc phù hợp.

Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hoặc lựa chọn thực phẩm theo lời khuyên của bác sỹ điều trị.

Trẻ em Việt có thời gian dùng mạng xã hội cao

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Hiện nước ta có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 73% dân số. Trong số đó có 7% thuộc độ tuổi từ 13 đến 17 và gần 10% thuộc độ tuổi từ 18 đến 24.

Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam 12-13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Còn theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5-7 giờ mỗi ngày. 

Nhiều ý kiến tham luận cho rằng các nền tảng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, đặc biệt giới trẻ. Điều này gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao lãng trong học tập cũng như hàng loạt các vấn đề khác đối với sức khỏe tâm thần của người dùng. 

Theo TS.Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường đại học Y Hà Nội, lợi ích mang lại từ mạng xã hội là sự tăng cường kết nối xã hội, cơ hội thể hiện bản thân và tiếp cận thông tin cũng như các nguồn lực cho thanh thiếu niên trong học tập và cuộc sống.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 81% học sinh báo cáo rằng, mạng xã hội giúp họ cảm thấy được kết nối hơn với bạn bè và thế giới xung quanh. 

Tuy nhiên, khi lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện Internet, bắt nạt qua mạng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại là một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. 

Những kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát, giáo dục trẻ em về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh.

PGS.TS Lê Minh Giang, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường đại học Y Hà Nội, cho biết, trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội chính là chìa khóa giúp chúng ta tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam.

Người cao tuổi Việt Nam mắc nhiều loại bệnh

PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong 10 năm qua, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng.

Đến nay, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011. Năm 2021, nước ta có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số) và ngày càng tăng nhanh.

Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số.

Già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế.

Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73 nhưng không chất lượng, theo các chuyên gia lão khoa. Thống kê năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai. Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước.

Khoảng 60% sức khỏe yếu đến rất yếu. Ngoài ra, trung bình người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật, mắc khoảng 3-6 bệnh nền, như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Đây thực sự là bài toán của ngành y khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế, bệnh viện quá tải.

Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Một gánh nặng khác khiến tuổi già trở nên khó khăn là hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, hơn 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.

Theo TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhận định tốc độ già hóa tại Việt Nam nhanh gấp đôi, ba so với các nước đang phát triển, khiến dân số già mà chưa giàu, chất lượng cuộc sống thấp.

Ngoài ra, người cao tuổi chiếm hơn 20 % dân số, đều mắc bệnh nền, cần chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cả đời. Đây vừa là thách thức trong chăm sóc, điều trị lẫn phát triển kinh tế, an sinh, xã hội.

Thống kê của Tổng cục Dân số, người cao tuổi hiện chiếm gần 12% dân số nước ta, dự báo đến năm 2025 tỷ lệ 17,9%, và có thể đến giữa thế kỷ 21 chiếm đến 23,5%.

Trước những thách thức trên, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng cần cập nhật những thay đổi mới trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như hệ thống chăm sóc dài hạn, hỗ trợ toàn diện, cải thiện chất lượng sống. Xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành lão khoa, phát triển nhân lực trẻ tại Việt Nam.

Ngành Y tế cần phát triển nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan trong việc dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh nền như sa sút trí tuệ, Parkinson, các bệnh lý tim mạch - chuyển hóa, can thiệp mạch vành và giảm đau, bệnh cơ xương khớp, hô hấp...

Ngoài ra, người cao tuổi cần lưu ý những nguyên tắc ăn hợp lý giảm muối, mỡ và đường, ăn tinh không ăn thô. Tập luyện thường xuyên để cơ thể lưu thông máu, tinh thần luôn vui vẻ. Sử dụng thêm thuốc bổ để bù đắp thiếu hụt các chất trong cơ thể. Uống thuốc và tái khám đúng hẹn, không tự ý bỏ thuốc.

Theo dõi sức khỏe kịp thời điều chỉnh đơn thuốc cũng như tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập, giúp giữ gìn sức khỏe và phòng tránh biến chứng.

Tin liên quan
Tin khác