Dấu hiệu ung thư niệu đạo
Ông K. (72 tuổi, Bình Dương) là một trong những trường hợp hiếm hoi mắc ung thư niệu đạo, loại ung thư chiếm chưa đến 1% tổng số các loại ung thư. Trước đó, ông đã phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang vì ung thư niệu mạc bàng quang. Tuy nhiên, một tuần trước, ông phát hiện niệu đạo đột ngột chảy máu và lập tức đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.
Ảnh minh họa |
Tại đây, bác sỹ Nguyễn Hoàng Đức, chuyên khoa Tiết niệu, đã chỉ định nội soi niệu đạo bằng ống mềm để xác định nguyên nhân. Qua kết quả nội soi, các bác sỹ phát hiện nhiều khối u nhỏ trong niệu đạo của ông K., nghi ngờ ung thư niệu mạc tái phát.
Ung thư niệu mạc là loại ung thư có thể di căn đến các cơ quan khác trong hệ tiết niệu, bao gồm niệu đạo. Đây là một dạng ung thư cực kỳ hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 4%-10% trường hợp tái phát sau khi cắt bàng quang.
Do u ác tính phát hiện trong niệu đạo của ông K. được xác định là ung thư niệu mạc, bác sỹ đã chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn niệu đạo. Sau một ngày, ông K. phục hồi tốt, ít đau và có thể ăn uống, đi lại bình thường.
Theo bác sỹ Đức, bệnh nhân cắt bỏ bàng quang và có chuyển lưu nước tiểu qua da sẽ giảm nguy cơ tái phát ung thư tại niệu đạo. Tuy nhiên, với những người có tiền sử ung thư niệu mạc bàng quang, họ vẫn có nguy cơ tái phát ung thư niệu đạo, niệu quản hoặc bể thận.
Bác sỹ khuyến cáo, nam giới và phụ nữ nếu phát hiện triệu chứng tiểu máu, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những bệnh nhân có tiền sử ung thư bàng quang cũng cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát.
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân béo phì, loãng xương nặng
Bà Tâm, 70 tuổi, bị đau nhiều và phải ngồi xe lăn suốt thời gian dài, được chẩn đoán có 6 đốt sống hỏng do thoát vị đĩa đệm, loãng xương nặng và vẹo cột sống. Mặc dù bà đã điều trị bảo tồn bằng châm cứu và bấm huyệt, nhưng tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, đau lan xuống chân khiến bà phải nằm một chỗ.
Bà Tâm có chỉ số khối cơ thể BMI là 33 (béo phì nặng) và kết quả đo mật độ xương là -3,5, thuộc nhóm loãng xương nặng. Theo ThS.BS.CKI Vũ Đức Thắng, chuyên khoa cột sống, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để giúp bà giảm đau và phục hồi vận động.
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho bà Tâm là bắt vít cột sống để cố định các đốt sống, giải phóng dây thần kinh và đĩa đệm bị chèn ép. Các bác sỹ cũng tiến hành điều chỉnh đường cong sinh lý cột sống bị vẹo.
Tuy nhiên, phẫu thuật này có nguy cơ biến chứng cao do tình trạng béo phì và loãng xương nặng của bệnh nhân. Để giảm thiểu rủi ro, các bác sỹ đã sử dụng vít rỗng bơm xi măng, giúp cố định chắc chắn các đốt sống và giảm nguy cơ vít bị lỏng hoặc di lệch.
Ca mổ kéo dài 4 giờ, trong đó 12 vít được sử dụng để cố định 6 đốt sống hỏng của bà Tâm. Sau mổ, bà Tâm được truyền loãng xương để bổ sung canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng giúp xương chắc khỏe hơn. Phương pháp này hỗ trợ tăng cường mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương, đồng thời bà cũng được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và sức mạnh các cơ.
Kết quả sau mổ, bà Tâm không còn đau đớn, từ bỏ xe lăn và có thể đi lại bình thường. Thời gian phục hồi hậu phẫu chỉ kéo dài 6 ngày, giúp bà sớm trở lại với cuộc sống độc lập.
Bác sỹ Thắng chia sẻ, các phương pháp điều trị bảo tồn luôn là ưu tiên, nhưng khi bệnh đã chuyển nặng hoặc điều trị bảo tồn không hiệu quả, phẫu thuật là lựa chọn cần thiết để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại và đội ngũ bác sỹ chuyên môn, các ca phẫu thuật cột sống hiện nay mang lại hiệu quả rất cao.”
Được biết hiện với bệnh lý này có các kỹ thuật mổ hiện đại, như mổ nội soi bắt vít sinh học, sử dụng robot hỗ trợ cảnh báo dây thần kinh và cánh tay C-Arm để giám sát liên tục quá trình mổ, đảm bảo an toàn và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Thoát khỏi nguy cơ tai biến nhờ phẫu thuật u thể cảnh xâm lấn động mạch cảnh
Một bệnh nhân nữ 77 tuổi phát hiện khối u lớn ở cổ sau khi sờ thấy vùng cổ trái sưng, không đau. Ban đầu, bà nghĩ đây là nọng cằm do tăng cân, nhưng sau vài tuần, khối u ngày càng lớn và không giảm. Khi đi khám, bà được chẩn đoán mắc u thể cảnh, khối u đã bao quanh động mạch cảnh và bắt đầu xâm lấn vào mạch máu nuôi não và vùng mặt cổ.
Khối u này có kích thước lên đến 7×6 cm, phát triển nhanh chóng từ kích thước quả nho ban đầu. Chụp CT cho thấy u đã bao quanh động mạch cảnh, thu hẹp dòng máu lên não và vùng mặt cổ, khiến bác sỹ lo ngại nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
U thể cảnh là một dạng u hiếm gặp, thường không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. U thường phát triển ở khu vực động mạch cảnh chung, nơi chia thành động mạch cảnh trong (nuôi não) và động mạch cảnh ngoài (nuôi vùng mặt, cổ). Hầu hết các u thể cảnh là lành tính, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ có thể là ác tính.
Chẩn đoán u thể cảnh tuýp 2, bác sỹ nhận định nếu không điều trị, khối u có thể tiếp tục xâm lấn toàn bộ động mạch cảnh, thậm chí lan vào trong sọ, gây nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương dây thần kinh quan trọng vùng cổ mặt.
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u dưới sự điều phối của ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu và TS.BS Nguyễn Anh Dũng, các bác sỹ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu.
Quá trình mổ diễn ra thành công, khối u được lấy trọn vẹn mà không gây chảy máu ồ ạt hay tổn thương các cấu trúc quan trọng. Bà Hoài hồi phục nhanh chóng, các chức năng nhai, nuốt, và vận động cơ cổ, lưỡi hoàn toàn bình thường. Sau 3 ngày, bà được xuất viện, với khả năng tái phát rất thấp nhờ việc lấy hết khối u.
Các bác sỹ khuyến cáo, u thể cảnh thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Đến khi u phát triển lớn, dễ bị nhầm lẫn với các khối u hoặc hạch tuyến giáp. Việc chẩn đoán sớm thông qua các phương pháp như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) rất quan trọng để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng.
Với những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc u thể cảnh, bác sỹ khuyên nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm khối u ở cổ, khàn giọng, tê lưỡi, đau họng, khó nuốt, và nên đi khám ngay để ngăn ngừa các biến chứng.
Phát hiện túi phình động mạch não nguy hiểm từ triệu chứng đau nửa đầu
Bà N. (65 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) gần đây đã phải đối mặt với những cơn đau nửa đầu trái kéo dài, kèm theo rối loạn giấc ngủ, khiến bà cảm thấy lo lắng. Ban đầu, bà nghĩ rằng chỉ là cơn đau đầu bình thường, nhưng khi triệu chứng không giảm, bà quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec để khám.
Qua thăm khám, các bác sỹ tại khoa Thần kinh nghi ngờ bà mắc phải các bệnh lý về mạch máu não, như phình mạch não hoặc dị dạng mạch máu não.
Để có kết quả chính xác, bác sỹ chỉ định bà thực hiện chụp cộng hưởng từ não (MRI). Kết quả chụp MRI bất ngờ phát hiện một túi phình động mạch não lớn tại đoạn xoang hang động mạch cảnh trong trái, kích thước túi phình dài 16mm, ngang 11mm và cổ rộng 7mm. Mặc dù túi phình chưa vỡ, nhưng bác sỹ xác định tình trạng này rất nguy hiểm và cần được can thiệp kịp thời.
Bệnh lý phình động mạch não là một tình trạng hiếm gặp, nhưng cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Phình động mạch não xảy ra khi một phần của động mạch não phình to ra, có thể chèn ép các mô xung quanh hoặc nguy hiểm hơn là gây vỡ động mạch, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, hôn mê, suy giảm ý thức, hoặc tử vong.
Theo ThS.BS Lê Quỳnh Sơn, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, phình động mạch não có thể chia thành ba hình thái: hình túi, hình thoi và phình bóc tách, trong đó phình động mạch não dạng túi chiếm đến 85%.
Tuy chưa có nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể bao gồm bệnh lý di truyền (bệnh mô liên kết, hội chứng Moyamoya, bệnh thận đa nang, cường Aldosteron), tăng huyết áp, hút thuốc lá, thiếu hụt estrogen ở nữ giới, đặc biệt là sau mãn kinh, và bệnh hẹp eo động mạch chủ.
Chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh lý phình động mạch não là rất quan trọng, bởi bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu.
Để phát hiện sớm, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) là hai phương pháp quan trọng giúp xác định tình trạng phình mạch, tiên đoán nguy cơ và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp an toàn, không xâm lấn và có giá trị cao trong việc đánh giá mạch máu não. Chụp mạch não cắt lớp vi tính (CT) giúp phát hiện tình trạng vôi hóa hoặc huyết khối trong động mạch, từ đó quyết định phương pháp điều trị tối ưu.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm như phình động mạch não. Đặc biệt, những ai có yếu tố nguy cơ cao, như tăng huyết áp, hút thuốc lá, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh, cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng như đau đầu dữ dội, khó ngủ, hoặc đột ngột có dấu hiệu thay đổi ý thức để kịp thời điều trị.