Không điều trị ung thư theo truyền miệng
Phát hiện có u ở 2 bên mang tai to cỡ đầu ngón tay và lớn dần, nhưng ông N.T.C không đi khám. Nghe lời mách bảo, ông mua cây xạ đen về nấu nước uống hằng ngày nhiều năm dài. 2 năm gần đây, khối u to nhanh nhưng sợ phẫu thuật nên không vẫn chần chừ. Cho tới khi khối u khiến ông cảm thấy khó chịu, ông mới đi khám.
Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. |
Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sau khi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ cho hay, bệnh nhân bị u tuyến mang tai ở cả 2 bên, với kích thước u bên trái 12cm, bên phải 3cm. Sau khi được tư vấn mức độ nguy hiểm của khối u nếu không loại bỏ, bệnh nhân đồng ý phẫu thuật.
Bác sĩ Minh Trông và ê-kíp bác sĩ đơn vị đầu mặt cổ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Sau khi rạch da, các bác sĩ nhìn thấy khối u đã 11 năm nên bám chặt dây thần kinh mặt và các mô tuyến mang tai.
Sau 2 tiếng, ê-kíp đã tách dây thần kinh mặt mỏng như sợi chỉ ra khỏi u khổng lồ và mô tuyến mang tai, sau đó, bóc tách khối u tuyến mang tai trái, mang tai phải, cắt bớt da thừa và may thẩm mỹ.
Bác sĩ Đoàn Minh Trông cho biết, u tuyến mang tai là sự phát triển mạnh mẽ của các tế bào dẫn đến khối u lành tính hoặc ác tính, thường không đau.
Các tuyến nước bọt trên cơ thể gồm: tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, dưới lưỡi và các tuyến phụ trong khoang miệng.
U tuyến mang tai chiếm 80% các khối u tuyến nước bọt, trong đó 20% ác tính. Các u lành tính kích thước lớn gây khó nuốt, chèn ép dây thần kinh mặt dẫn đến liệt mặt.
Đa số các khối u mang tai dù lành hay ác đều có chỉ định phẫu thuật. Mức độ phẫu thuật sẽ dựa bản chất khối u và khuyến cáo của bác sĩ.
Phẫu thuật khối u mang tai phức tạp, chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được bởi dây thần kinh số VII chi phối vận động cơ mặt.
Các thao tác phẫu thuật phải tỉ mỉ, chính xác, bảo tồn đủ 5 nhánh dây thần kinh mặt. Nếu phẫu thuật viên không cẩn thận dễ gây đứt, dẫn đến liệt mặt, người bệnh không nhắm mắt, ngậm miệng và biểu hiện cảm xúc.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến cáo, cây xạ đen ở Việt Nam có rất nhiều loại, nghiên cứu chưa đầy đủ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn trong quá trình sử dụng, do vậy, người bệnh cần có sự hướng dẫn điều trị từ nhân viên y tế trước khi dùng lá xạ đen để phòng và điều trị bệnh. Người dân không tự ý dùng các loại lá cây để điều trị khối u mà nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Khuyến khích người dân Thủ đô đeo khẩu trang khi đến các khu vực công cộng
UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục truyền thông về thông điệp “2K” (Khẩu trang + Khử khuẩn) trong phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi đi đến các khu vực công cộng, khu vực đông người, khi đi các phương tiện công cộng; tuyên truyền người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay…
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống, dịch tại Hà Nội, trong nước và quốc tế để phục vụ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát dịch Covid-19, tổ chức thực hiện giám sát sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, thu gom phế thải, phế liệu để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước và trong mùa dịch.
Về mục tiêu, UBND thành phố phấn đấu: 100% UBND các địa phương ở Thủ đô xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy,... nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; 100% cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm qua hệ thống báo cáo trực tuyến;
100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định; tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, xử lý kịp thời, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa - xã hội...
Cùng với đó, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.
TP.HCM: Triển khai tiêm chủng thêm nhiều loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Sau một tuần triển khai tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 (SII), TP.HCM tiếp tục triển khai tiêm chủng thêm các vắc-xin khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ nguồn vắc-xin do Viện Pasteur TP.HCM phân bổ.
Với 8.100 liều vắc-xin 5 trong 1 (SII) tiếp nhận vào ngày 28/12/2023, TP.HCM đã nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi ngay sau dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024.
Tính đến hết ngày 6/1/2024, 5.119 trẻ được phụ huynh đưa đến Trạm Y tế để tiêm mũi 1 (2.831 trẻ), mũi 2 (1.759 trẻ) và mũi 3 (529 trẻ).
Trong ngày 06/01/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tiếp nhận 55.000 liều vắc-xin phòng lao (BCG), 25.000 liều vắc-xin viêm gan B, 36.000 liều vắc-xin bại liệt uống (bOPV), 23.000 liều vắc-xin sởi, 18.000 liều vắc-xin sởi - rubella (MR), 9.700 liều vắc-xin viêm não Nhật Bản, 34.100 liều vắc-xin phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) và 30.300 liều vắc-xin uốn ván từ Viện Pasteur TP.HCM do Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã hướng dẫn và triển khai cho các Trung tâm Y tế hướng dẫn Trạm Y tế thực hiện rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, sẵn sàng mời tiêm khi vắc-xin được cung ứng.
Công tác tiêm chủng được triển khai đầy đủ tại 22 quận, huyện, TP.hủ Đức với điểm tiêm tại 310 phường/xã/thị trấn, các bệnh viện quận, huyện và một số bệnh viện tuyến Thành phố.
Ngay sau khi tiếp nhận vắc-xin, Thành phố sẽ tổ chức tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên theo lịch và chủ động tăng số buổi tiêm nhằm tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian gián đoạn vắc-xin nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh trong tình hình các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin đều có khả năng bùng phát lại nếu như miễn dịch cộng đồng suy giảm.
TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 (SII) cho trẻ trong hai ngày 8-9/1/2024 cho các trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin SII và trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc xin SII (mũi 2, mũi 3), sau đó chuyển vắc-xin này vào hoạt động tiêm chủng thường xuyên.
Bắt đầu từ ngày 10/01/2024, đồng loạt các Trạm Y tế trên địa bàn Thành phố sẽ tổ chức chiến dịch tiêm bù vắc-xin sởi và vắc-xin sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi.