Nguy hiểm khi không điều trị tiểu đường kịp thời
Bệnh nhân thường xuyên phải nhập viện vì tiểu ít và khó thở do thừa nước. Chức năng thận nhanh chóng tăng dần khiến các bác sĩ đã phải đặt cầu tay cho bệnh nhân để tiến tới chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Ảnh minh họa. |
Cách vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện khó thở, phù toàn thân, tiểu ít (không rõ số lượng). Bệnh nhân tự tăng liều thuốc lợi tiểu: Agifuros 40mg x 12 viên/ngày.
Sau đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, kèm theo ho nhiều đờm trắng. Bệnh nhân đã phải lọc máu cấp cứu, sau đó có kế hoạch chạy thận chu kỳ.
TS.Tôn Thất Kha, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, cần phải kiểm soát bệnh thận do đái tháo đường một cách chặt chẽ, càng sớm càng tốt để tránh diễn tiến nặng của bệnh thận do đái tháo đường, mà kết cục là chạy thận nhân tạo chu kỳ, tỷ lệ sống thấp, tỷ lệ tử vong cao.
Muốn làm được điều này, theo các bác sĩ bệnh nhân phải kiểm tra định kỳ các chỉ số như albumin niệu; tỷ lệ albumin/creatinine trong nước tiểu; mức lọc cầu thận.
Nhiều người mắc viêm não do virus herpes điều trị muộn
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị liên tiếp nhiều ca viêm não do virus herpes.
Đặc biệt các ca này đều đến viện muộn nhưng đã được điều trị và hồi phục sức khỏe tốt, gần như không để lại di chứng. Gần đây nhất là bệnh nhân nam 66 tuổi (Sài Sơn, Quốc Oai, TP.Hà Nội) tiền sử bị động kinh, tăng huyết áp, đái tháo đường type II, xơ gan do rượu vào viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng kém và xuất hiện co giật toàn thân.
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ não, tăng huyết áp, đái tháo đường type II chuyển cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Bệnh nhiệt đới điều trị nội trú trong tình trạng hôn mê, tổn thương não ở mức độ (Glasgow 12-13 điểm), sốt không rõ nguyên nhân, đại tiểu tiện không tự chủ
Được biết, viêm não do virus herpes có đặc tính lây nhiễm một cách âm thầm, tiềm ẩn trong cơ thể người và sau đó phát triển thành bệnh khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng.
Virus có thể tránh hệ thống miễn dịch bằng cách theo các dây thần kinh đến ẩn nấp ở các hạch thần kinh. Chẳng hạn, virus herpes simplex type 1 (HVS 1) ẩn nấp ở hạch thần kinh sinh ba và hạch cạnh sống cổ, virus herpes simplex type 2 (HSV 2) ẩn nấp ở hạch cạnh sống cùng.
Khi gặp điều kiện thuận lợi, virus sẽ nhân lên, lan truyền và gây bệnh ở hệ thống da - niêm mạc hoặc ở hệ thống thần kinh trung ương, xâm nhập tế bào thần kinh gây nên rối loạn chức năng tế bào, xung huyết quanh mao mạch, xuất huyết và đáp ứng viêm lan tỏa ảnh hưởng đến chất xám và chất trắng, tuy nhiên, chất xám bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, cấp tính bằng sốt cao, đau đầu, sau đó xuất hiện co giật, thay đổi tính cách, mất trí nhớ và hôn mê. Các dấu hiệu thần kinh khu trú gợi ý tổn thương thùy thái dương và thùy trán não. Viêm não có thể đi kèm viêm màng não với các triệu chứng nôn, cứng gáy, dấu hiệu Kernig dương tính.
Lần đầu tiên ghép gan thành công cho bệnh nhân hôn mê gan cấp
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thông tin về ca ghép gan cho một bệnh nhân rất đặc biệt. Theo PGS-TS.Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân là chị T.T.H., 46 tuổi bị bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch, đã được phẫu thuật nụ cười nhiều lần. Không may mắn, chị lại hiếm muộn, 3 lần đặt phôi bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đều thất bại.
Ngày 14/4, chị H. được chuyển phôi lần thứ 4, phải dùng nhiều thuốc hỗ trợ phôi, giảm co bóp tử cung. Tuy nhiên, sau đó chị H thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, một ngày sau xuất hiện nói nhảm, kích động.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị H được phát hiện men gan tăng cao, không có thai trong buồng tử cung nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Tình trạng của bệnh nhân trở nặng rất nhanh, sau 6 tiếng, rơi vào hôn mê sâu, lơ mơ, vàng da, loạn thần, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên rất nặng và được đặt máy thở. Chị H được chẩn đoán suy gan cấp, hội chứng não gan độ II trên nền tiền sử viêm gan B chưa rõ.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức chẩn đoán suy gan cấp, hôn mê gan trên tiền sử viêm gan B và có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ từ người cho chết não.
Khi đang ở lằn ranh sinh tử, phép màu đã đến với chị H, đã có lá gan phù hợp với chị từ người cho chết não. Người hiến gan là bệnh nhân nam 48 tuổi bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Sau khi test Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Việt Đức đã họp và quyết định đây là trường hợp đã chết não.
PGS-TS.Lưu Quang Thuỳ, Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau ghép tạng bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, có thể ngồi nói chuyện.
Đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép gan thành công 120 trường hợp, 98 trường hợp từ người cho chết não, phần lớn là bệnh nhân có danh sách chờ ghép. Đây là 1 trong những trường hợp nặng nhất mà Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép tạng thành công.
Theo nhận định từ TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhân H từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Việt Đức nói riêng.
Tại Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép tạng. Những ca ghép mô, tạng từ người hiến chết não, ngừng tim trong thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều cuộc đời mới.