Dọn đến đâu sản xuất ngay tới đó
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Việt Nam về phòng chống, ứng phó với bão số 3 và mưa lớn, các đơn vị vùng Cẩm Phả đã nhanh chóng triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực trọng yếu, hầm bơm, trạm điện, hệ thống bơm thoát nước moong, bãi thải, hệ thống thoát nước, kho cảng, cầu trục, băng tải than… và củng cố, xử lý trước khi bão về; duy trì hệ thống bơm thoát nước hầm lò, thông gió, bơm thoát nước moong, chuẩn bị hệ thống máy phát điện phục vụ bơm nước khi mất điện lưới cũng như vật tư, thiết bị phục vụ phòng chống bão.
Lãnh đạo TKV yêu cầu, dù bão đã qua, nhưng các đơn vị không chủ quan, lơ là, tiếp tục theo dõi sẵn sàng các phương án ứng phó khi có sự cố, đồng thời rà soát, khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão khôi phục sản xuất. |
Nhờ triển khai tốt công tác phòng chống bão số 3 và mưa lớn nên dù bị mất điện lưới, các đơn vị sản xuất than hầm lò, lộ thiên vẫn đảm bảo hoạt động bơm thoát nước hầm lò, thoát nước moong bằng nguồn điện dự phòng từ các hệ thống máy phát. Cùng với đó, tập trung cao độ triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 3, khi điện lưới quốc gia được cấp trở lại sau sự cố gián đoạn điện vì ảnh hưởng của bão, các đơn vị đã nhanh chóng tổ chức sản xuất trở lại.
Công ty Than Quang Hanh là đơn vị có điện lưới sớm từ 20h ngày 8/9, Công ty đã bố trí bơm nước, thông gió và nhanh chóng sản xuất trở lại; sản lượng than sản xuất ngày 11/9 đạt trên 3.000 tấn; ca 1 ngày 12/9 số công nhân đi làm đạt trên 90%.
Công ty Than Thống Nhất từ 8h30 ngày 9/9 đã có điện lưới và tổ chức sản xuất trở lại từ ca 1 ngày 10/9. Ngày 11/9, Công ty sản xuất đạt trên 6.210 tấn than; tỷ lệ công nhân đi làm đạt cao, ngày 12/9 có 1.500 thợ lò và 270 thợ cơ điện lò đi làm.
Các công ty Than Mông Dương, Khe Chàm, Hạ Long có điện lưới từ ngày 10/9. Nhờ chủ động phòng chống bão và mưa lớn, đảm bảo hoạt động của các hầm bơm bằng nguồn điện dự phòng từ các hệ thống máy phát, thực hiện công tác thoát nước, thông gió và chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất nên ngay sau khi có điện lưới ngày 10/9, Công ty Than Mông Dương đã tổ chức sản xuất bình thường với tỷ lệ lao động đi làm đạt cao; ngày 11/9 sản xuất đạt trên 4.200 tấn than; ngày 12/9 phấn đấu đạt sản lượng cao hơn.
Công ty Than Khe Chàm ngày 11/9 sản xuất đạt 5.200 tấn than; số công nhân đi làm ca 1 ngày 12/9 đạt 76%; Công ty duy trì 9 bơm và 6 máy phát điện.
Công ty Than Hạ Long ngày 11/9 sản xuất đạt trên 5.500 tấn than; ngày 12/9 số công nhân đi làm đạt 82%; Công ty duy trì 13 máy bơm công suất lớn tại mức -250 và -350.
Công ty Than Dương Huy sản xuất trở lại bình thường từ ngày 11/9 sản lượng than khai thác đạt gần 6.000 tấn; ngày 12/9 số thợ lò đi làm đạt 82%, còn trên 130 thợ lò chưa đi làm.
Dọn dẹp để nhanh chóng trở lại sản xuất tại Công ty Than Uông Bí. |
Đối với các đơn vị sản xuất lộ thiên như Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV ngay sau khi bão qua từ ngày 8/9 đã nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão, tập trung bơm thoát nước moong với 16 hệ thống bơm tại moong Đèo Nai và Cọc Sáu. Công ty Than Cao Sơn sản xuất trở lại từ ngày 8/9, khắc phục hậu quả của bão đến đâu sản xuất ngay đến đấy; ngày 11/9 Công ty sản xuất đạt 2.240 tấn than.
Các đơn vị kho vận, sàng tuyển, chế biến kinh doanh than cũng giữ được sự ổn định của toàn bộ hệ thống sản xuất, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão và nhanh chóng sản xuất trở lại.
Từ sáng ngày 11/9, Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV đã tổ chức kéo than mỏ từ các đơn vị trong vùng Cẩm Phả và xuất những tấn than đầu tiên sau bão số 3. Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, Kinh doanh than Cẩm Phả kiểm tra, rà soát các kho than, vừa khắc phục hậu quả của bão, vừa chuẩn bị tốt nguồn than để sẵn sàng cấp cho sản xuất điện và các khách hàng.
Đến thời điểm này, cơ bản các đơn vị vùng than Cẩm Phả đã được cấp điện lưới trở lại để tổ chức sản xuất 3 ca; công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lớn cũng được triển khai khẩn trương để sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, ổn định việc làm và đời sống cho người lao động.
Tại các đơn vị vùng miền Tây và Hạ Long (Quảng Ninh) gồm: Công ty Than Mạo Khê, Uông Bí, Nam Mẫu, Vàng Danh, Hòn Gai, Hà Lầm, Hà Tu, Núi Béo. Đây là những đơn vị sản xuất hầm lò, lộ thiên chủ lực, có sản lượng khai thác lớn của TKV việc khôi phục sản xuất trở lại có chậm hơn một nhịp do ảnh hưởng của cấp điện lưới.
Để duy trì hoạt động của các hầm bơm, các mỏ khi chưa được cấp điện lưới trở lại hoặc cấp chưa ổn định như Công ty Than Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Núi Béo, Hà Lầm đều sử dụng các hệ thống máy phát điện công suất lớn.
Hiện nay, TKV và các đơn vị thành viên đang nỗ lực tối đa, từng bước khắc phục mọi khó khăn để sớm ổn định sản xuất trở lại.
Tiêu thụ than khôi phục bình thường tại cảng Cửa Ông - Công ty Tuyển than Cửa Ông ngày 12/9/2024. |
Chủ tịch Tập đoàn TKV Ngô Hoàng Ngân cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thường trực tại mỏ để trực tiếp khắc phục, xử lý các sự cố một cách nhanh nhất. Các mỏ hầm lò khẩn trương củng cố năng lực các máy phát điện, kiểm tra tình trạng các cửa phai chắn nước, các hệ thống thoát nước trong lò; kiểm tra, rà soát, củng cố các khu vực, các vị trí xung yếu; triển khai phương án thủ tiêu sự cố, chống ngập mỏ, có tiến độ thời gian cụ thể.
Đồng thời tiếp tục tăng cường bơm thoát nước, hệ thống máy phát điện đáp ứng công tác bơm thoát nước mỏ, thông gió trong điều kiện chưa có lưới điện hoặc lưới điện hoạt động chưa ổn định.
"Bằng mọi cách, các đơn vị phải bảo vệ an toàn cho hệ thống hầm bơm và trạm điện, nơi được coi là trái tim của mỏ hầm lò. Đồng thời, tiếp tục duy trì công tác trực hằng ngày, khắc phục hậu quả của bão cho đến khi sản xuất hoạt động ổn định trở lại", Chủ tịch TKV Ngô Hoàng Ngân chỉ đạo.
Chi 70 tỷ hỗ trợ sau bão lũ
Cùng với triển khai hiệu quả công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 và mưa lớn, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, đáp ứng than cho nền kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình người lao động bị thiệt mạng, bị thương cũng như có người thân bị thiệt mạng, bị thương, gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão.
Với truyền thống tương thân tương ái của thợ mỏ, TKV đã triển khai gói hỗ trợ 70 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả của bão, lũ cho các địa phương và người lao động của TKV.
Lãnh đạo TKV động viên người lao động khác phục hậu quả sau bão lũ để khôi phục sản xuất |
Trong số này, TKV đã hỗ trợ 10 tỷ đồng cho đồng bào bị bão lụt thông qua Quỹ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Đối với các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn là những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ, đồng thời cũng là những địa bàn chiến lược trong phát triển sản xuất kinh doanh của TKV, Tập đoàn hỗ trợ 4 tỉnh này tổng cộng 28 tỷ đồng( mỗi tỉnh 7 tỷ đồng).
Đồng thời hỗ trợ Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thái Bình mỗi địa phương 3 tỷ đồng (tổng số 12 tỷ đồng).
Cạnh đó, TKV cũng trích Quỹ Phúc lợi của Công ty mẹ TKV năm 2024 hỗ trợ 20 tỷ đồng cho người lao động các công ty con, đơn vị thành viên của TKV bị thiệt hại do bão, lũ của bão số 3 gây ra.
Tổng cộng số tiền hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 năm 2024 là 70 tỷ đồng.