8 tháng 2017, Việt Nam đã chi gần 530 triệu USD để nhập khẩu sắt thép từ Ấn Độ, tăng hơn 1.013% so với cùng kỳ. |
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ vừa thông tin về tốc độ xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với Ấn Độ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập Việt Nam - Ấn Độ đạt 4,96 tỷ USD tăng 43,22% so với mức 3,46 tỷ USD cùng kỳ năm 2016, trong đó, xuất khẩu đạt 2,37 tỷ USD tăng 35,10%; nhập khẩu đạt 2,59 tỷ USD tăng 51,58% so với cùng kỳ năm trước.
Tính theo số tương đối, xuất khẩu sắt thép các loại tăng trưởng mạnh nhất, tăng 992,64%; tiếp đến mặt hàng than đá tăng 467,53%; chè tăng 102,73%; chất dẻo nguyên liệu tăng 102,21%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 71,02%...
Cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước đã có sự thay đổi lớn. Trước đây, thương mại hai nước chỉ phụ thuộc vào 3 ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu, thì giờ đây, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu đã có thay đổi lớn, bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ôtô...
Xuất khẩu Sắt thép các loại, Kim loại thường và Sản phẩm từ sắt thép vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ấn tượng, tổng giá trị xuất khẩu của 03 nhóm hàng này trong 8 tháng đạt 403,32 triệu USD tăng 99,35% so với 202,31 triệu USD cùng kỳ năm trước, đây là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang Ấn Độ.
Ở chiều ngược lại, đây cũng là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, tổng kim ngạch nhập khẩu của 3 nhóm hàng này đạt 575,74 triệu USD, tăng 471,29% so với 100,77 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 349,13 triệu USD, tăng 71,02% so với 204,14 triệu USD cùng kỳ. Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 342,96 triệu USD tăng 40,64% so với 243,86 triệu USD.
Có tổng số 23 trên 28 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm đáng lưu ý là Cao su tự nhiên, và Hạt tiêu. Cụ thể, xuất khẩu Cao su trong 8 tháng qua đạt 55,43 triệu USD giảm 29,29% so với 78,39 triệu USD; xuất khẩu Hạt tiêu đạt 59,49 triệu USD giảm 15,82% so với 70,67 triệu USD.
Về hàng nhập khẩu, nhập khẩu Sắt thép các loại vẫn tiếp tục tăng phi mã, tăng 1.013% đạt 529,46 triệu USD so với mức 47,55 triệu USD cùng kỳ năm trước; nhập khẩu Bông các loại đạt 231,77 triệu USD tăng 77,65%; nhập khẩu Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 341,37 triệu USD tăng 47,61%; nhập khẩu hàng thủy sản đạt 256,97 triệu USD tăng 40,31%...
Năm 2016, thương mại 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 5,4 tỷ USD, tăng so năm 2015. Về đầu tư, đến hết tháng 5-2017, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 772 triệu USD, với 145 dự án đầu tư, đứng thứ 22 trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Việt Nam. Hai bên đang nỗ lực mở rộng quy mô thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nông sản là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ, vì đó là những sản phẩm có chất lượng cao, giá phù hợp. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiềm năng là: điện tử và phụ kiện máy tính. Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam.