Do có một số thay đổi trong kế hoạch, tôi phải bay từ TP.HCM ra Hà Nội để đáp chuyến bay của Vietnam Airlines sang Anh tham dự một triển lãm khu vực Đông Nam Á. Trong chuyến đi này, tôi sẽ tham quan một số thành phố và công ty tại Anh để trình bày về cơ hội, lợi ích trong hợp tác kinh doanh với Việt Nam.
. |
Khi tới nước Anh, tôi nhận thấy có một sự khác biệt lớn với những gì diễn đang ra tại Việt Nam, đó là, ở đây chẳng có ai đeo khẩu trang cả. Diễn biến leo thang của Covid-19 đã khiến chuyến thăm một thành phố tại Anh bị hủy bỏ.
Tôi sử dụng hệ thống tàu điện ngầm dạo quanh London. Trước đây, những chuyến tàu đầy ắp hành khách, đôi khi khiến tôi không thể chen chân lên được. Dù nhận nhiều cuộc gọi từ Việt Nam nhắc nhở về việc đeo khẩu trang, nhưng tôi đã không làm như vậy, vì không muốn trở thành... người lập dị!
Mọi chuyện diễn ra nhanh tới mức, sau đó, tôi được thông báo, Việt Nam sẽ không nhận các chuyến bay từ trưa ngày 12/3 tới ngày 15/3 với những hành khách từng tới Anh, thậm chí từng quá cảnh tại Anh trong vòng 14 ngày trước đó. Chỉ còn duy nhất một chuyến bay của Vietnam Airlines chắc chắn sẽ giúp tôi trở lại Việt Nam.
Đã có những cuộc gọi và nhờ sự hỗ trợ của vợ - một phụ nữ Việt, tôi cũng có mặt trên chuyến bay cuối cùng dự định hạ cánh tại TP.HCM. Một cách chắc chắn, tôi hiểu, mình sẽ phải đi cách ly khi trở về đây.
Nếu như Anh có rất ít chỉ dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, đơn giản chỉ là lời khuyên nên rửa tay thường xuyên, thì tại Việt Nam, việc sử dụng khẩu trang, rửa tay và súc miệng nước muối luôn được khuyến khích. Các trường học tại Việt Nam cũng đóng cửa, dù số lượng người nhiễm bệnh chưa nhiều. Mặc dù đánh giá cao lời khuyên của Chính phủ Anh, nhưng tôi bắt đầu nghĩ rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng. Do đó, tôi đã làm theo các biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng.
Tất cả hành khách đều phải đeo khẩu trang và hoàn thành khai báo y tế trước khi lên máy bay. Nghe nói, một vài chuyến bay khởi hành từ Anh đã có hành khách dương tính với Covid-19, nên trong suốt hành trình kéo dài 12 tiếng, tôi không rời ghế và cũng không sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay.
Sau khi máy bay hạ cánh, tất cả hành khách được yêu cầu chờ đợi trong khu vực trước phòng nhập cảnh, vì bàn làm thủ tục khai báo y tế đã đóng cửa. Nhiều giờ qua đi, sự hoang mang bắt đầu xuất hiện. Tôi và 2 hành khách ngoại quốc khác hy vọng sẽ được ai đó chỉ dẫn cần phải làm gì tiếp theo. Facebook trở thành phương tiện liên lạc hữu hiệu. Chúng tôi nhận được lời thăm hỏi, động viên từ Đại sứ Anh Gareth Ward cũng như từ Tổng lãnh sự Ian Gibbons và được yêu cầu thông báo nếu có gì thay đổi.
Chúng tôi, cả người ngoại quốc và Việt Nam, đã chờ như vậy nhiều giờ liền. Tôi rất cảm kích vì sự làm việc tận tâm của nhân viên tại đây, nhưng cũng mong sớm được giải quyết thủ tục, vì nhiều người cùng có mặt trong một khu vực nhỏ có thể dẫn tới hậu quả khó lường.
7 tiếng chờ đợi trôi qua, những người đầu tiên đã có thể tiếp cận khu vực kiểm tra nhập cảnh, xong quy trình còn chậm, trong khi dòng người xếp hàng ngày càng dài thêm. Chúng tôi được cung cấp nước uống và một ít bánh mì kẹp.
Sau khi được kiểm tra hộ chiếu và visa, chúng tôi tới khu vực kê khai hành lý, tiếp tục chờ đi tới trung tâm cách ly. Chiếc minibus 15 chỗ chở tôi cùng 6 người khác, trong đó có một đồng hương người Anh là Richard, đến một doanh trại quân sự được chuyển đổi làm nơi cách ly. Xe minubus sau khi thả khách cũng được khử trùng bởi vòi phun.
***
Nơi ở của chúng tôi là căn phòng 8 giường tầng có khung thép, tầng dưới dùng để ngủ, còn tầng trên để chứa các vật dụng cá nhân. Tôi, Richard và 6 người Việt Nam sẽ ở trong căn phòng này. Chúng tôi nhanh chóng thu xếp và lên giường ngủ. Ngày hôm sau bắt đầu trong tiếng nhạc Quốc ca Việt Nam, tiếp đó là giai điệu của bản nhạc nổi tiếng Scarborough Fair và các giai điệu du dương khác.
Phần lớn thời gian tại trung tâm cách ly, tôi nói chuyện với gia đình và bạn bè qua Facebook, email và các phương tiện xã hội khác. Một người tôi quen trên cùng chuyến bay cũng đi cách ly và thật may khi có người cùng chia sẻ trong hoàn cảnh này. Ngày ngày bình lặng trôi qua, ngoại trừ lúc dùng bữa, hàng ngày, chúng tôi đều được phát khẩu trang mới và đo nhiệt độ.
Nhịp sống thường nhật bắt đầu trở lại vào ngày thứ 3, khi vài cô gái trẻ bắt đầu chơi cầu lông tại sân chính. Sau đó, mọi người bắt đầu chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu mây...
Đồ tiếp tế từ bạn bè và gia đình cũng được chuyển tới 2 lần mỗi ngày. Thật không may, bộ sạc laptop của tôi bị hỏng và tôi phải đặt đồ thay thế. Ba chiếc taxi chuyển đồ cho tôi đều phải quay lại vì tài xế không được tiếp cận gần khu vực cách ly. Sau đó, bộ sạc được gửi tại phòng tiếp khách.
Tôi muốn cảm ơn Tiến - chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong khu cách ly luôn nhiệt tình hỗ trợ tôi. Tiến giúp tôi nhận đồ tiếp tế, đặc biệt là bộ sạc rất đúng lúc. Cùng với Tiến, tôi còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhiều người khác như tổ bay, nhân viên chăm sóc y tế, các điều dưỡng và bác sĩ, nhân viên tại khu cách ly, gia đình, nhân viên truyền thông…
Rất nhiều người ở Việt Nam đã góp sức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tôi đã thấy hình ảnh những người lính ngủ chung ở những nơi tồi tàn và làm việc cho tới khi ngủ thiếp vì mệt, hay sinh viên nhường ký túc xá của mình để phục vụ cách ly. Điều đó khiến tôi cảm thấy xấu hổ khi mình còn nhận được sự thoải mái nhất định và an toàn tại đây.
Mọi việc trở nên u ám hơn, khi tôi được thông báo có hành khách trên cùng chuyến bay từ London dương tính với Covid-19. Ngoài ra, một người cùng phòng bị ho nặng, phải làm các xét nghiệm tiếp theo và chuyển đi cách ly tại nơi khác. Điều đó làm tôi càng hiểu rõ tại sao tôi ở đây, cũng như sự dũng cảm của các nhân viên khi hàng ngày làm việc trong môi trường này.
Tôi cảm thấy tự hào khi được gọi Việt Nam là nhà và cám ơn những người bạn Việt Nam tận tình đã khiến tôi cảm thấy mình được chào đón. Sự động viên và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian này. Tôi tin tưởng rằng, với hành động nhanh chóng và thận trọng, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.