Đây là lần đầu phát sinh việc áp dụng đồng thời 2 loại thuế nhập khẩu bổ sung. Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời để thực hiện trong 120 ngày (kể từ ngày 16/02/2021).
Theo đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn các tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng áp dụng quy định trên.
Trên cơ sở mức thuế chống trợ cấp theo Quyết định số 477, công chức hải quan lập phiếu đề xuất trình lãnh đạo Chi cục thực hiện điều chỉnh số giảm thuế chống bán phá giá, tăng số thuế chống trợ cấp tương ứng số tiền giảm của thuế chống bán phá giá.
Căn cứ phiếu đề xuất được phê duyệt, công chức hải quan cập nhật vào hệ thống kế toán thuế tập trung và in thông báo gửi tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
Với các tờ khai hải quan đăng ký kể từ ngày 16/02/2021 (ngày Quyết định số 477 có hiệu lực) nhưng tổ chức, cá nhân nhập khẩu chưa khai báo mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp thì cơ quan hải quan phải rà soát. Sau đó, thông báo để doanh nghiệp thực hiện khai báo bổ sung thuế theo quy định.
Bảng: Mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời với đường từ Thái Lan, áp dụng từ 16/02/2021.
Tên công ty sản xuất, xuất khẩu | Loại sản phẩm | Mã HS tương ứng | Mức thuế CBPG tạm thời | Mức thuế CTC tạm thời |
Các công ty sản xuất, xuất khẩu của Vương quốc Thái Lan. | Đường đã tinh luyện và các loại đường mía khác không phải là đường thô. | 1701.99.10; 1701.99.90; 1701.99.91; 1701.91.00. | 44,23% | 4,65% |
Đường thô. | 1701.13.00; 1701.14.00. | 29,23% | 4,65% |
Trường hợp mặt hàng nhập khẩu có mã số HS và mô tả như quy định tại điểm 1 Thông báo ban hành kèm Quyết định 477 nhưng không thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (hàng hoá bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời là hàng hoá có xuất xứ từ Thái Lan) thì cơ quan hải quan hướng dân doanh nghiệp khai trên tờ khai nhập khẩu chỉ tiêu 1.95 mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác bảng mã đối tượng không chịu thuế chống bán phá giá (GK) đã được đăng tải trên website: www.customs.gov.vn.
Ngày 09/02/2021, Bộ Công thương đã có quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo kết quả điều tra của Bộ Công thương, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian qua, hàng loạt các nhà máy đường phải đóng cửa, kéo theo đời sống người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, gian lận thương mại và cuộc khủng hoảng giá đã ảnh hưởng lớn đến ngành đường nội địa trong thời gian qua.
Vị này phân tích, 5 năm trước, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào máy móc để nâng công suất. Tuy nhiên, trong quá trình này, quá nhiều đường lậu tràn vào Việt Nam khiến diện tích mía giảm dần.
Thêm vào đó, khi hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, đường nhập khẩu tràn vào càng nhiều và các nhà máy chỉ hoạt động một nửa công suất. Số lượng nhà máy hoạt động cũng giảm gần một nửa so với trước đây.
Phía Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, những năm vừa qua, “các nhà máy nghiến răng chịu lỗ vì giá đường quá thấp, không đủ trang trải tiền mía”. Kéo theo đó, nhiều hộ dân cũng bỏ cây mía vì không thể trang trải cuộc sống nếu chỉ dựa vào loại cây này.
Đã có nhiều doanh nghiệp ủng hộ quyết định áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời với đường Thái Lan. Bởi nếu không có quyết định này, giá đường bán ra sẽ tiếp tục ở mức thấp, trong khi thời gian qua, họ đã nâng giá mua mía 200.000 đồng/tấn lên khoảng 1 triệu đồng/tấn và có thể tiếp tục chịu lỗ.
Chia sẻ với Bangkok Post hồi đầu tháng 01/2021 về thông tin áp thuế đường nói trên, Ban Mía đường Thái Lan (OCSB) nói, “Chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết vào lúc này vì đường là một vấn đề nhạy cảm đối với mỗi quốc gia. Chúng tôi phải xem Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo”.
Trong khi đó, Rangsit Hiangrat, Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường Thái Lan nhắc đến việc xem xét “liệu biện pháp chống bán phá giá có vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới hay không.