Doanh nhân
Tổng giám đốc EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Bông hồng vàng của ngành điện
Nam Hoàng - 13/10/2019 20:05
Là nữ CEO duy nhất của ngành điện, nhưng tân Tổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) không nghĩ nhiều về sự khác biệt này khi nhận quản lý địa bàn 27 tỉnh, thành miền núi phía Bắc có địa hình khó khăn nhất cả nước với gần 27.000 nhân lực.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Nghiệp đã mang

Khác với thế hệ thanh niên hiện nay có xu hướng độc lập trong việc lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích cá nhân, thế hệ sinh ra trong giai đoạn cuối những năm 60 đến giữa 70 của thế kỷ trước, tiếp bước cha mẹ về nghề nghiệp như một lẽ tự nhiên của ngày ấy. Nữ CEO Đỗ Nguyệt Ánh không là một ngoại lệ.

Sống trong gia đình có truyền thống gắn bó với ngành điện, những câu chuyện nghề nghiệp khô khan, nhưng thấm đẫm tình người của cha đã hun đúc trong Đỗ Nguyệt Ánh một tình cảm gắn bó, yêu mến tự nhiên với điện. Bởi vậy, tốt nghiệp đại học, bước chân vào ngành điện với chị như một lẽ thường tình.

Nhưng ai làm trong ngành đều hiểu, yêu là một chuyện, còn để trụ lại được và vươn lên trong một lĩnh vực đầy tính kỹ thuật này với cánh đàn ông cũng đòi hỏi không ít ý chí, quyết tâm và nghị lực, huống chi với một bóng hồng như chị Ánh.

Ấy vậy, chính những thách thức này đã từng bước, từng bước được chị Ánh chinh phục.

Xác định gắn bó lâu dài với ngành điện ngay từ khi mới đi làm, Đỗ Nguyệt Ánh chọn con đường học hỏi liên tục, qua các chương trình chính thức, qua công việc. Chả vậy mà trước khi bước tới vị trí CEO, chị đã tham gia làm việc trực tiếp hoặc phụ trách nhiều hoạt động của doanh nghiệp, từ đối ngoại, vật tư, kinh doanh, tài chính, công nghệ thông tin đến quản lý đầu tư hay kỹ thuật, an toàn.

Chính những tháng năm thực tế vất vả đã giúp chị trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm khi được giao phó vị trí CEO của “anh cả đỏ” trong ngành điện.

“EVNNPC vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và chúng tôi rất tự hào về truyền của đơn vị ra đời đầu tiên của ngành điện, gánh trên vai những nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử được Đảng và Chính phủ giao phó. Dù có những lúc nguồn lực, điều kiện tiếp cận công nghệ bị hạn chế, nhưng EVNNPC đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Còn giờ đây, chúng tôi đang đứng trước những thử thách mới cũng đầy khốc liệt”, chị Ánh tâm sự.

Thách thức đầu tiên được nữ CEO nhắc tới chính là thực tế nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân vẫn tăng trưởng cao, trong khi nhiều công trình nguồn điện, lưới điện cần thiết phải đầu tư theo Quy hoạch điện quốc gia không đạt tiến độ. “Nếu những công trình này không đảm bảo tiến độ, các đơn vị phân phối điện như EVNNPC dù nỗ lực đến mấy cũng rất khó để hoàn thành nhiệm vụ”, chị nói.

Không chỉ khó khăn ở đầu vào, khâu phân phối điện nói chung đang trong giai đoạn độc quyền tự nhiên hiện nay đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thị trường cạnh tranh hoàn hảo theo lộ trình được định sẵn . “Nếu không chuẩn bị chu đáo sẽ thua ngay ngay trên chính sân nhà” là nhận thức rõ ràng của người điều hành EVNNPC về những khó khăn, thách thức cho chặng đường phía trước.

Vượt lên chính mình

Thời gian qua, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ người lao động EVNNPC, tỷ lệ số hộ dân nông thôn đã được tiếp cận điện năng trên địa bàn mà đơn vị quản lý đã đạt mức cao nhất trong toàn EVN cũng như các nước trong khu vực, thậm chí khiến bạn bè quốc tế phải ngạc nhiên. Đây cũng là điều không dễ dàng bởi địa bàn mà EVNNPC đang quản lý có hơn 70% là khu vực nông thôn, miền núi và thuộc loại địa hình khó khăn nhất cả nước.

 “Chúng tôi đã đạt được những thành tích trong cung cấp đủ điện,  đảm bảo độ phủ điện đến khách hàng. Nhưng đó là chưa đủ. Mục tiêu trong thời gian tới là thực hiện công tác dịch vụ khách hàng theo chiều sâu. Nghĩa là không chỉ đảm bảo cung cấp điện mà phải là cung cấp điện với chất lượng tốt, độ an toàn cao và thời gian nhanh nhất”, chị Ánh chia sẻ.

Nhìn thấy rõ “có nhiều những giải pháp, chỉ tiêu mà EVNNPC cần phải thực hiện để rút ngắn khoảng cách giữa EVNNPC, ngành điện Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới”, ban lãnh đạo EVNNPC không nề hà trong quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn được lượng hoá, để khách hàng dễ dàng đánh giá mức độ hài lòng của mình khi sử dụng dịch vụ điện được cung cấp.

Với hướng đi đo lường được mọi thứ, EVNNPC phấn đấu đạt năng suất lao động tương đương với các nước trong khu vực và độ hài lòng khách hàng đạt điểm giỏi (trên 8 điểm, với thang điểm 10).

Để đi đến đích này, hệ thống quản trị của EVNNPC đang được hoàn thiện trên tinh thần số hóa mọi khâu, mọi quy trình, mọi phần tử trong hệ thống, không tạo ra các khâu trung gian nhằm tối ưu hoá mọi hoạt động.

Không chỉ nỗ lực phủ sóng ánh sáng tới các hộ dân nông thôn, cấp điện cho công nghiệp cũng là một điểm sáng của EVNNPC. Với cơ cấu đến 65% tỷ trọng điện thương phẩm là công nghiệp, cùng với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, làn sóng đầu tư vào các tỉnh phía Bắc vẫn tiếp tục tăng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu điện tăng cao, đạt bình quân 11-13% hàng năm, thậm chí có những năm đột phá lên tới 20%.

Để đảm bảo môi trường đầu tư hấp dẫn, nhiệm vụ cấp điện cho công nghiệp cũng được xác định là tối quan trọng trong hoạt động kinh doanh của EVNNPC để tập trung mọi nguồn lực, phục vụ đầu tư xây dựng các công trình điện, đảm bảo rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng khu công nghiệp đến mức tối đa cũng như liên tục với chất lượng điện ổn định.

Lời cám ơn của những khách hàng trọng điểm như Samsung, LG… và việc lấp đầy nhiều khu công nghiệp lớn trên địa bàn là minh chứng rõ nhất cho sự hài lòng về dịch vụ điện năng tại EVNNPC nói riêng và của ngành điện nói chung.

Dẫu vậy, với ý thức của người làm trong lĩnh vực năng lượng và bản năng phụ nữ quán xuyến tài chính trong gia đình, chị Ánh rất trăn trở với mục tiêu tiết kiệm điện năng để tiết kiệm được nguồn tài nguyên quốc gia lẫn chi phí của các hộ gia đình, khách hàng.

“EVNNPC có chương trình làm việc với từng khách hàng lớn, để cùng tìm hiểu những bố trí chưa hợp lý trong quy trình sản xuất hiện nay dẫn tới tiêu dùng nhiều điện hơn, làm cơ sở đưa ra các giải pháp tiết kiệm điện, giảm chi phí cho chính các doanh nghiệp. Với các hộ gia đình, chúng tôi tập trung truyền thông vào chị em là người quản lý chuyện chi tiêu trong nhà hay các cháu học sinh là những người tiêu dùng sau này để đưa đến các kiến thức về tiết kiệm điện. Từ những hành động nhỏ của từng hộ gia đình, từng khách hàng sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ tài nguyên quốc gia. Đó cũng là hạnh phúc của người làm điện chúng tôi”, chị Ánh chia sẻ.

Trò chuyện với CEO Đỗ Nguyệt Ánh

Vào ngành điện với chị phải chăng là nghiệp?

Gia đình tôi có nhiều người công tác trong ngành điện và với riêng mình, tôi vào ngành bởi rất yêu. Cũng vì yêu nên mới có thể gắn bó lâu dài. Nhiều người hay hỏi, phụ nữ có hợp với ngành này không? Tôi không nghĩ có sự giới hạn nào về giới, nếu sẵn sàng học hỏi.

Nghĩa là không có rào cản nào với chị trên cương vị mới?

Tại EVN, công tác bình đẳng giới được thực hiện tốt. Tôi được tạo điều kiện để phấn đấu và trưởng thành. Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi cũng được sự ủng hộ tạo điều kiện của cấp lãnh đạo, của anh chị em đồng nghiệp, nên thấy rất hạnh phúc.

Tất nhiên, cũng vẫn còn định kiến của xã hội về sự có mặt của phụ nữ trong những ngành công nghiệp nặng, cần những kiến thức chuyên ngành, nếu không tìm hiểu sâu thì không làm tốt dược công việc chuyên môn và khó quản lý được tốt. Đó là chưa kể công việc của EVNNPC trải dài trên đại bàn 27 tỉnh miền núi phía Bắc…Khó khăn của tôi là phải vượt qua các định kiến này để vươn lên, hiểu rõ ràng lĩnh vực để có những quyết sách phù hợp. Nhưng có làm mới thấy, đức tính chịu khó, chăm chỉ, chi tiết hơn đàn ông của chúng tôi lại là lợi thế.

Phụ nữ thường mềm mại, thiên về tình cảm, điều này có ảnh hưởng tới quá trình điều hành công việc của CEO không?

Là phụ nữ nên công tác chỉ đạo chắc chắn sẽ mềm mại, không có nói to quá (cười). Tuy nhiên, EVNNPC là đơn vị lớn, có gần 27.000 cán bộ công nhân viên, trải dài trên nhiều địa hình khó khăn nên nếu không chỉ đạo kiên quyết sẽ không thể duy trì được nề nếp hoạt động của toàn Tổng công ty. Những gì là bản tính của phụ nữ tôi vẫn giữ, nhưng nguyên tắc của lãnh đạo phải áp dụng. Phải xây dựng nguyên tắc và giữ kỷ luật cao, không ai được phép vi phạm, kể cả tôi.

Chị dành thời gian nào cho gia đình?

Làm ngành điện, tôi xác định là phải thông suốt các kênh liên lạc 24/24h để khi có sự cố, khẩn cấp sẽ có chỉ đạo kịp thời. Dẫu vậy, tôi cũng xác định rõ ràng và cân bằng giữa công việc với gia đình. Tôi có nguyên tắc, khi về đến nhà thì bỏ công việc lại sau cánh cửa, không mang việc về nhà làm thêm và khi tới cơ quan thì mọi việc nhà tạm gác lại.

Còn thời gian cho riêng chị?

Làm gì thì làm nhưng là phụ nữ phải dành thời gian chiều chuộng bản thân. Trừ hôm nào về quá muộn, còn bình thường, tôi cố gắng dành 1 tiếng để tập gym; cuối tuần, dành 1 buổi để đi spa, chăm sóc mình. Đó cũng là xả stress để lại quay vào công việc một cách hứng khởi.

Tin liên quan
Tin khác