Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 trên địa bàn thành phố ước đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng Tết đa dạng, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh. |
Do tháng 1 là thời điểm gần Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 44,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% và tăng 8,9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% và tăng 14,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 45%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 3,7%.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá và cung ứng các mặt hàng tại 14,5 nghìn điểm. Trong đó, có trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 500 bếp ăn tập thể.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị ước tính đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Bên cạnh đó là 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; tổ chức 83 điểm chợ hoa xuân; 20 hội chợ, hội hoa, chợ Tết...
Cùng với đó, thành phố đã cấp phép cho hơn 190 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu để bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Tổ chức hơn 40 sự kiện kích cầu tiêu dùng; duy trì 100 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh; tiếp nhận hơn 2,9 nghìn chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hơn 1.300 điểm kinh doanh xăng, dầu mở bán trong những ngày nghỉ Tết.
Không chỉ chú trọng việc chuẩn bị hàng hóa, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi diễn biến thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng để đẩy giá lên cao.