Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng đến nặng như tổn thương não, tim và có thể tử vong.
Trong 20 tuần đầu năm 2024, TP.HCM có 4.471 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương với số trung bình của 5 năm 2018-2022. Trong đó, số ca bệnh nặng, từ độ 2b trở lên là 40 ca, không có ca tử vong.
Biểu đồ diễn tiến bệnh tay chân miêng hàng tuần tại TP.HCM (Cập nhật đến tuần 20). |
Về diễn tiến, trong 2 tuần qua, tuần 19 và tuần 20 số ca bệnh hàng tuần có dấu hiệu tăng nhanh hơn những tuần trước đó, tuy nhiên không ghi nhận ca bệnh nặng trong thời gian này.
Về tình hình chung của 20 tỉnh phía Nam, theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, tổng số ca mắc trong 19 tuần đầu năm 2024 là 13.495 ca, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 55% so với trung bình cùng kỳ 5 năm trước. Hiện số ca mắc những tuần gần đây của khu vực cũng đang gia tăng so với những tuần trước đó và đã có một ca tử vong.
Cho đến hiện nay, hệ thống giám sát tác nhân gây dịch của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) chưa phát hiện virus EV71 – tác nhân thường gây ra những vụ dịch lớn với nhiều ca bệnh nặng.
TP.HCM chủ động phòng chống trước số ca bệnh tay chân miệng tăng. |
Ngành y tế TP.HCM luôn trong tư thế chủ động phòng chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra. Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng được duy trì thường xuyên nhằm cung cấp dữ liệu cho việc dự báo tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, các kịch bản phân tuyến điều trị ca bệnh triển khai từ năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Ngành y tế và giáo dục các cấp phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các trường mầm non, nhóm trẻ.
Sở Y tế giao HCDC giám sát hỗ trợ các trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học và trong cộng đồng.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Vì vậy, theo Sở Y tế TP.HCM, để phòng bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: Ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.