Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được mời tham gia phát biểu tại buổi gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM cùng các đoàn VIP quốc tế, cùng các chuyên gia trong nước và nước ngoài "CEO 100 Tea connect", Tổng giám đốc REE đã có rất nhiều trăn trở liên quan đến việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thành phố ngày càng nặng nề.
bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE tại chương trình CEO 100 Tea connect. |
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng, muốn phát triển một nền kinh tế thịnh vượng, cần đi đôi với đảm bảo an toàn môi trường, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng…
Trong mắt bà Thanh, TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung rất đẹp, và bà cũng khao khát về nền kinh tế phát triển rực rỡ, song thực tế chưa được như vậy.
"Hạ tầng yếu kém, thiếu quy hoạch hạ tầng cho tầm nhìn 50 năm, Thành phố chưa theo kịp nhu cầu nền kinh tế tuần hoàn", bà Thanh nói và cho rằng, điều này đã làm cho kinh tế Thành phố thụt lùi rất nhiều, khiến cho chi phí vận chuyển tăng lên và hệ lụy đang thấy rõ đó là sự lãng phí về tài nguyên.
Theo bà Thanh, nguồn nước, bầu không khí ô nhiễm, chi phí phí y tế tăng cao… đã tác động rất lớn đến sức khỏe người dân.
“Trên đường phố Thành phố có rất nhiều điểm bán hàng sử dụng bao bì không phân hủy, hay rác thải sinh hoạt chủ yếu được chôn lấp... chính là ẩn họa về môi trường”, bà nói và cho rằng giảm tình trạng kẹt xe, doanh nghiệp đã nghe rất nhiều, doanh nghiệp cũng muốn chung tay để làm nhưng đợi thì rất lâu. Vì vậy, nói đến xứ mệnh tăng trưởng xanh thì việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hiệu quả hơn… và phải có kế hoạch cụ thể.
Tổng giám đốc REE cho rằng, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. “Đó là một thách thức lớn khi còn hơn 25 năm nữa mà đến nay chưa có một kế hoạch hàng động cụ thể và chúng tôi đang mong đợi”, bà nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Thanh cho biết REE đang tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...; cung cấp dịch vụ đạt chuẩn LEED, DGNP, Green Mark, Lotus…; đầu tư xử lý rác thải cho Thành phố và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện.
“Chúng tôi đang đệ trình dự án WTE 2.000 tấn rác mỗi ngày để xử lý, nhưng doanh nghiệp phải chờ đến 18 tháng mới có thể xác định địa điểm. Mong lãnh đạo Thành phố sẽ quan tâm hơn về dự án, bởi chậm một ngày thì người dân sẽ ngập đầy trong rác", bà Thanh đề đạt nguyện vọng.
Ngoài dự án này, bà Thanh cho biết, doanh nghiệp của bà đầu tư vào hệ thống điện mái nhà công sở. Thành phố có rất nhiều tòa nhà công sở nên đây là thế mạnh rất lớn của Thành phố. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư và bán điện theo giá điện lực.
"Từ thực tế trên, rất mong rằng chính quyền Thành phố có quy định, chế tài chặt chẽ, đưa vào học đường vấn đề bảo vệ môi trường", bà Thanh đề xuất.