Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM - nơi dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, gặp khá nhiều vướng mắc trong việc quản lý các khu công nghiệp (KCN) theo Nghị định số 35.
Đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, vướng mắc hiện nay liên quan đến các vấn đề như: chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ, khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng, tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái…
Cụ thể, trong Nghị định số 35 quy định các mô hình KCN, bao gồm: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, Nghị định số 35 mới chỉ đề cập đến việc chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ, còn các loại hình khác chưa được hướng dẫn.
Về khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng (quy định tại khoản 4, Điều 27), Hepza nêu bất cập, hiện nay chưa có tiêu chí và quy định để làm căn cứ đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn khi khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng tăng trên 10% so với khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng đã đăng ký với Ban Quản lý. Do đó, quy định này khó thực hiện.
Hơn nữa, hiện cũng chưa có quy định cụ thể thế nào được xem là “trường hợp cần thiết” phải thẩm định khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng. Bởi vì đối với doanh nghiệp tư nhân, việc xác định khung giá, mức phí sử dụng hạ tầng dựa trên nguyên tắc đầu tư theo cơ chế thị trường thì việc thẩm định phải căn cứ quy chuẩn nào để đánh giá mức độ phù hợp hay không phù hợp của khung giá, mức phí do nhà đầu tư tự ấn định. Ban Quản lý khu công nghiệp phải thực hiện hay có thể thuê cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định pháp luật, chi phí thẩm định sẽ do bên nào chi trả?
Một điểm nghẽn nữa liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao (Điều 32), Hepza cho biết, theo quy định, để được hưởng ưu đãi, thu hút đầu tư phải đáp ứng 60% diện tích dành cho dự án chuyên ngành, hoặc 60% diện tích dành cho dự án công nghiệp hỗ trợ, hoặc 30% diện tích dành cho dự án đầu tư công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế việc thu hút đầu tư phải linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế, có thể không đáp ứng ngay tỷ lệ thu hút đầu tư nêu trên, mà có thể thu hút đầu tư song song các dự án thuộc lĩnh vực khác để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, tránh lãng phí đất đai.
Mặt khác, Nghị định số 35 chưa quy định mốc thời gian đạt tỷ lệ diện tích đất thu hút đầu tư theo quy định, thủ tục để xác định các khu công nghiệp đạt chuẩn theo như đăng ký để hưởng ưu đãi hoặc hỗ trợ.
Hiện nay, các địa phương phía Nam đang hướng đến xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, song trên thực tế, để xác định tiêu chí tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, về lao động trong vòng 3 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái của tất cả doanh nghiệp trong KCN là không khả thi và chưa có quy định các cơ quan nào sẽ xác nhận tiêu chí này.
Hepza cho rằng, tiêu chí về KCN sinh thái quá rộng và quá khắt khe, sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoặc chuyển đổi loại hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái, do chỉ cần một doanh nghiệp (trong số hàng trăm doanh nghiệp trong KCN) có hành vi vi phạm thì KCN đó không được chứng nhận là KCN sinh thái, mặc dù đạt các tiêu chí khác. Mặt khác, quy định này cũng gây ra tình trạng các nhà đầu tư không vi phạm phải chịu chung hậu quả với các nhà đầu tư có vi phạm (khi bị thu hồi chứng nhận KCN sinh thái theo Điều 44).
Vì vậy, Hepza đề xuất đưa tiêu chí “thông thoáng” hơn, chỉ cần định nghĩa KCN sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho biết, Thành phố đang xem xét chuyển KCN Hiệp Phước thành KCN sinh thái, song rất khó khăn vì phải đầu tư nhiều hạng mục. Do vậy, việc phát triển một khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu sẽ dễ hơn là việc chuyển khu công nghiệp cũ thành khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35.
Để tăng sức hút đầu tư, Hepza kiến nghị bổ sung loại hình “Khu mậu dịch tự do” hoặc “Khu thương mại tự do” vào các KCN và đưa vào nghị định, vì đây là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều nước. Việc có các khu thương mại tự do sẽ đáp ứng như cầu của doanh nghiệp và gia tăng đầu tư nước ngoài từ các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…