Nhiều nguy cơ lây lan dịch
Ngày 10/5, Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, dù không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2/2021, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan ở TP.HCM vẫn là rất lớn.
Bởi TP.HCM là cửa ngõ giao thông quốc tế với một sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ, việc giao nhận, vận chuyển hàng hóa và các thuyền neo đậu nhiều ngày là điều kiện cho các đối tượng xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp, mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp |
Ngoài ra, TP.HCM có rất nhiều khu cách ly tập trung, có nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly. Thành phố cũng có nhiều người sau cách ly tập trung trở về, trong đó có các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc, là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nếu không tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch trong thời gian sau cách ly.
TP.HCM còn có nhiều bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, kèm theo người chăm sóc. Cuối cùng là nguy cơ nhập cảnh trái phép luôn hiện hữu, thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân là người nhập cảnh trái phép.
Ông Bỉnh cho biết thêm, ngành y tế trên địa bàn đã kích hoạt tất cả bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực. Để mở rộng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, 200 tổ Covid-19 cộng đồng đã được thành lập.
Sở Y tế cũng huy động sinh viên các khoa y tế công cộng, sinh viên năm cuối trường y sẵn sàng cho tình huống cần lấy mẫu, truy vết quy mô lớn. Thành phố cũng chuẩn bị năng lực 15.000 xét nghiệm mỗi ngày và sẽ nâng lên thành 40.000 thời gian tới.
"Đối với việc điều trị, thành phố đã có kế hoạch chữa cùng lúc 50, 100 và trên 200 bệnh nhân. Hiện, Sở Y tế đang lên phương án chữa trị cho hơn 5.000 người", ông Bỉnh nói.
Tính đến ngày 10/5, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM là 267 người, 243 trường hợp đã khỏi bệnh, 24 người tiếp tục điều trị. 3.267 người đang cách ly tập trung, 611 trường hợp đang giám sát sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.
Tái lập các chốt kiểm soát dịch
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố đối mặt nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo tái lập các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ thành phố. Giao lực lượng y ế, công an, quân đội duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Thành Phong (bên trái), Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp |
Cụ thể, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, với vị trí cửa ngõ giao thương với thế giới, có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và gần 60 cảng biển lớn nhỏ, thành phố đứng trước nguy cơ xâm nhập dịch rất lớn từ bên ngoài. Vì vậy ngoài lập ở các đường cửa ngõ, các chốt và trạm kiểm soát cần được dựng tại nhà ga, bến cảng, siêu thị...
Trước đó (tháng 4/2020), TP HCM đã lập 62 chốt, trạm kiểm soát phòng Covid-19. Các chốt được tổ chức ở đầu mối giao thông, đường cửa ngõ, hoạt động 24/24h. Trong đó 16 chốt chính đặt tại: trạm thu phí Long Phước (cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), cao tốc Trung Lương, cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai, bến xe Miền Tây, bến xe miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.
Tại các chốt này, lực lượng liên ngành kiểm tra y tế người vào thành phố, đồng thời phân luồng giao thông, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19... Sau 19 ngày, các chốt dừng hoạt động khi thành phố bỏ cách ly xã hội và kiểm soát được dịch.
Ông Phong cũng ý ngành y tế và chính quyền các địa phương cần đặc biệt chú trọng việc giám sát sức khỏe người sau cách ly tập trung. Thời gian qua, nhiều trường hợp ở TP HCM khi cách ly tập trung đã 3 lần kết quả xét nghiệm âm tính vẫn có khả năng mắc Covid-19.
"Tình hình này không cho phép chúng ta bằng lòng với kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Nếu không tiếp tục theo dõi nghiêm người sau cách ly, chúng ta sẽ phải trả giá. Biến thể của virus đã khác xưa rồi", ông Phong nói.