Địa phương phải giám sát chặt chẽ
Chiều tối 21/7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, chia sẻ về việc tổ chức cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn, Thành phố cũng đã thí điểm ở nhiều quận huyện và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Theo ông Hưng, việc cách ly F1 tại nhà không chỉ giải quyết chỗ cách ly tập trung, giảm gánh nặng cho ngành y tế mà còn xuất phát từ cơ sở khoa học. Dù biến chủng Delta lây nhanh nhưng số người bệnh không triệu chứng từ 70-80%. Những người này không phải lúc nào cũng cần chăm sóc y tế và có thể lưu trú ở nơi thích hợp (như: tại nhà, khu cách ly tập trung các quận, huyện).
“Ngành y tế hiện đã tổ chức phân tầng điều trị, các bệnh nhân không giống nhau nên cần áp dụng biện pháp ứng xử khác nhau. Việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 phải đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt. Đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của địa phương và sự tuân thủ của người cách ly”, ông Hưng nói.
ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại buổi họp |
HCDC có văn bản hướng dẫn thực hiện cách ly F1 tại nhà. Theo đó, từ lúc được thông báo là F1 đến khi thực hiện cách ly, người cách ly sẽ được chọn hình thức cách ly. Nếu muốn cách ly tại nhà thì đăng ký với địa phương; trạm y tế tham mưu thành lập tổ thẩm định điều kiện cách ly tại nhà.
Tuy nhiên ông Hưng cho biết có một số quy định của Bộ Y tế hơi khó áp dụng tại TP.HCM. Do đó, ngành y tế cũng có ý kiến rút gọn quy định, thay vì thành lập tổ thẩm định, người cách ly sẽ tự khai điều kiện cách ly của mình; tổ trưởng sẽ xác nhận điều kiện. Nếu đáp ứng đủ, địa phương ra quyết định cách ly tại nhà. Người cách ly tại nhà sẽ được giám sát bằng mềm và sự giám sát của lực lượng địa phương như công an, quân dân, đơn vị y tế…
Việc cách ly F0 tại nhà, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Thành phố cũng đã có văn bản hướng dẫn. Trong đó có nêu, F0 cách ly tại nhà phải là người có xét nghiệm dương nhưng không có triệu chứng, không kèm bệnh lý nền, không có yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, trường hợp F0 mới được phát hiện không có triệu chứng lâm sàng thì sẽ được xem xét cách ly tại nhà nếu xét nghiệm có tải lượng virus thấp.
Khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin đợt 5
Cũng trong chiều 21/7, TP.Thủ Đức và các quận, huyện tại TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 5. Đây là buổi tiêm thí điểm, mỗi quận huyện tiêm 1 điểm với 40 người để rút kinh nghiệm cho việc triển khai đồng loạt vào ngày mai (22/7).
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều vắc-xin trong khoảng 2-3 tuần, cần thiết sẽ kéo dài hơn đảm bảo việc giãn cách; cố gắng không để xảy một số bất cập như đợt 4.
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng đợt 5 theo nghị quyết 21. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi và người có bệnh nền là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong đợt tiêm chủng thứ 5 để giảm tối thiểu việc tử vong do Covid-19. Những đối tượng này sẽ được tiêm trong bệnh viện.
Mỗi quận huyện bố trí ít nhất 2 điểm tiêm, tùy tình hình có thể mở rộng thêm điểm tiêm. Mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày để đảm bảo an toàn. Ngành y tế cũng đã giao cho Trung tâm cấp cứu 115 làm đầu mối triển khai cấp cứu tại các điểm tiêm để kịp thời ứng cứu.
Về công tác điều trị, đại diện Sở Y tế cho biết, TP.HCM hiện có 35 bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 với hơn 59.000 giường. Trong đó có 13 bệnh viện dã chiến và có sự góp sức của các bệnh viện của bộ ngành trung ương và các bệnh viện điều trị các bệnh khác tham gia điều trị Covid-19.
“So với số ca đang điều trị hiện nay là hơn 35.000 trường hợp thì số giường thu dung, điều trị cơ bản đáp ứng đủ. Đến nay, có 4.837 trường hợp đã được xuất viện. Dự báo trong thời gian tới, mỗi ngày có 1.000 người xuất viện nếu tình hình điều trị đảm bảo như hiện nay”, ông Hưng nói.