Đầu tư
TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công thấp đáng báo động
Lê Quân - 09/08/2022 18:16
Qua 7 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới đạt 26%. Từ nay đến cuối năm, Thành phố tiếp tục đốc thúc bằng nhiều giải pháp để giải ngân đạt trên 95%.

Giải ngân nhỏ giọt

Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2022, song theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, tính đến cuối tháng 7/2022 thì tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân là 8.467 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26% trong tổng kế hoạch vốn giao 31.943 tỷ đồng. Đây là con số đáng báo động đối với đầu tàu kinh tế của cả nước.

Y tế một trong những lĩnh vực rất quan trọng của TP.HCM cần phải đầu tư, nhất là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua. Thế nhưng lĩnh vực này đang trong tình trạng có tiền mà không tiêu được.  Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau đợt dịch Covid-19, ngành y tế cần mua thêm trang thiết bị, vật tư và đầu tư bệnh viện. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, việc giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án y tế của Thành phố chỉ đạt 12%.

“Đây là năm đầu tiên trong gần 10 năm qua, giải ngân vốn đầu tư công của các cơ sở y tế thấp như vậy”, ông Nam lo lắng.

Những dự án giải ngân rất thấp được ông Nam dẫn ra như dự án xây mới Bệnh viện Răng Hàm Mặt, tính tới ngày 1/7, khối lượng giải ngân đạt 0%. Hai dự án khác là khoa khám bệnh - khối ngoại khoa và Trung tâm chuyên sâu sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng chỉ giải ngân được 1% (tính đến ngày 1/7).

Lý giải cho tình trạng này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Thành phố đạt thấp do ảnh hưởng của Covid-19 và xung đột quân sự trên thế giới, dẫn đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa... tăng cao, nên các nhà thầu tạm dừng thi công, hoặc thi công cầm chừng do lo ngại càng làm càng lỗ.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án không triển khai được. Bên cạnh đó, nhiều dự án phải hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, tổ chức lập, phê duyệt thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu... nên chưa thể giải ngân được ngay.

Đốc thúc mạnh việc giải ngân

Ngay từ đầu năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình Hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư phải có tiến độ chi tiết và bám sát tiến độ thực hiện. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo TP.HCM sẽ giao ban rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Song các giải pháp mà chính quyền TP.HCM đề ra từ đầu năm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trước tình trạng có tiền mà không tiêu được lặp đi, lặp lại nhiều năm, tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ đốc thúc mạnh mẽ việc giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, Thành phố sẽ rà soát ngay việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp tiến độ, chủ động điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Tại từng dự án, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch triển khai và tiến độ chi tiết cho các tháng còn lại của năm 2022. Các hội nghị giao ban hàng tháng sẽ tiếp tục thực hiện, thậm chí họp 2 tuần một lần để bàn giải pháp tháo gỡ. Ba tổ công tác của Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đối với từng lĩnh vực, từng dự án để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2022 từ 95% trở lên.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Thành Tuấn, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các chủ đầu tư dự án nên thực hiện giải ngân ngay từ giữa năm, tránh giải ngân dồn dập vào cuối năm. Thực tế, đầu năm tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhưng khi siết lại kỷ cương thì đến cuối năm đa số giải ngân đạt hơn 90%. Điều này cho thấy khâu thực hiện còn nhiều vấn đề, vì vậy ông Tuấn đề nghị HĐND cần thực hiện giám sát chuyên đề đối với giải ngân đầu tư công để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Chỉ ra nguyên nhân khó tiêu tiền ở các dự án đầu tư công, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt. Đối với TP.HCM, chỉ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng đô thị thì tiến độ giải ngân sẽ được cải thiện. Các cơ quan chủ quản phải tăng cường giám sát chủ đầu tư về tình hình giải ngân. Đặc biệt người đứng đầu đơn vị chủ quản phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Tin liên quan
Tin khác